Khơi dậy khát vọng thoát nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số

PHƯƠNG NGUYÊN (thực hiện) 11/12/2022 07:06

Hiệu quả giảm nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Yên Bái những năm qua đã khơi dậy khát vọng, năng lực vươn lên thoát nghèo của người dân, hướng tới tăng cường hỗ trợ người nghèo đa chiều, toàn diện, bền vững. Đó là khẳng định của ông Phùng Quang Huy - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái với PV Báo Đại Đoàn Kết.

Ông Phùng Quang Huy.

PV: Với đặc thù là tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống, vậy công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS đang được thực hiện như thế nào trên địa bàn tỉnh, thưa ông?

Ông PHÙNG QUANG HUY: Yên Bái là tỉnh miền núi, có 81 xã và 177 thôn, bản đặc biệt khó khăn ở các xã thuộc khu vực II được hưởng chính sách đầu tư từ Chương trình 135 của Nhà nước. Nhiều năm qua, nguồn vốn từ Chương trình 135 đã góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững cho người dân vùng cao Yên Bái, đặc biệt là đồng bào DTTS. Toàn tỉnh hiện có 30 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm gần 55,5%, đời sống người dân chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều giữa các dân tộc. Tỷ lệ hộ nghèo cao, đặc biệt là đồng bào DTTS chiếm trên 80% hộ nghèo.

Thực hiện giảm nghèo bền vững, những năm qua tỉnh Yên Bái đã triển khai các giải pháp đồng bộ, chỉ đạo các cấp các ngành xây dựng kế hoạch và cụ thể hóa thành mục tiêu để thực hiện theo từng năm. Nhờ đó trung bình mỗi năm tỉnh Yên Bái đã giảm từ 4-5% hộ nghèo. Đặc biệt 2 huyện 30a là Trạm Tấu và Mù Cang Chải đã giảm 7-8% hộ nghèo. Có được kết quả này do MTTQ các cấp đã sáng tạo, linh hoạt trong vận động, huy động các nguồn lực để giúp đỡ người dân xóa đói giảm nghèo bền vững.

Để hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo- không để ai bị bỏ lại phía sau”, Ủy ban MTTQ tỉnh đã huy động nguồn lực để thực hiện phong trào này như thế nào, thưa ông?

- Để thực hiện phong trào này, trong suốt 5 năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các hộ nghèo. Trong đó trọng tâm là các hoạt động giúp đỡ về cây, con giống; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ hộ nghèo được tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất thông qua hoạt động uỷ thác của các đoàn thể với ngân hàng chính sách xã hội tỉnh. Qua đó đã giúp cho gần 13.000 hộ trên địa bàn toàn tỉnh thoát nghèo. Hằng năm, Ủy ban MTTQ, Ban vận động Quỹ Vì người nghèo các cấp đã tổ chức phát động quyên góp ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và chương trình an sinh xã hội. Qua 3 năm vận động, Quỹ Vì người nghèo và chương trình an sinh xã hội đã huy động được trên 87,4 tỷ đồng. Từ nguồn lực vận động được, tỉnh đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa được gần 2.300 ngôi nhà dột nát cho hộ nghèo; thăm hỏi gần 5.000 lượt đối tượng nghèo có hoàn cảnh khó khăn với số tiền trên 19 tỷ đồng, tập trung hỗ trợ sinh kế, mô hình sản xuất cho hộ nghèo...

Tạo sinh kế trong phát triển kinh tế chính là đòn bẩy giúp người dân giảm nghèo nhanh và bền vững. Vậy những năm qua MTTQ tỉnh Yên Bái đã triển khai những mô hình kinh tế hiệu quả như thế nào để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống?

- Hằng năm, MTTQ các cấp chú trọng việc khảo sát nắm bắt nhu cầu hộ nghèo, hộ cận nghèo để có giải pháp hỗ trợ phù hợp, giúp hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững… Đến nay, MTTQ tỉnh Yên Bái đã triển khai nhân rộng mô hình phát triển chăn nuôi bò cái sinh sản tạo sinh kế để hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã Nậm Khắt và xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải với tổng kinh phí thực hiện: 450 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng 3 mô hình phát triển kinh tế giúp đỡ cho hộ nghèo, nhóm hộ nghèo có nguyện vọng, đủ điều kiện thực hiện mô hình và thuộc đối tượng đăng ký thoát nghèo năm 2022. Tiêu biểu như mô hình nuôi trâu sinh sản tại xã Phù Nham, thị xã Nghĩa Lộ; mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm tại xã Vân Hội, huyện Trấn Yên; mô hình phát triển kinh tế vườn đồi (trồng quế) tại xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn... qua đó góp phần cùng tỉnh thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

Ông Phùng Quang Huy (người đầu tiên từ phải sang trái) kiểm tra mô hình kinh tế tại xã An Lương, huyện Văn Chấn.

Từ năm 2019 đến nay tỉnh Yên Bái đã có hàng trăm hộ dân viết đơn xin thoát nghèo, trong đó có nhiều hộ ở vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS. Ông đánh giá thế nào về việc đổi mới trong tư duy cũng như quyết tâm thoát nghèo của người dân?

- Những năm qua, chính sách hỗ trợ người nghèo của Đảng và Nhà nước đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn một số người dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa có ý thức tự vươn lên thoát nghèo. Song với sự tuyên truyền tích cực của các cấp, các ngành, hàng trăm hộ nghèo đã mạnh dạn viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, nỗ lực lao động sản xuất để thoát nghèo bền vững. Việc làm đó đã thực sự tạo nên luồng sinh khí mới cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh vùng cao Yên Bái. Từ việc tự viết đơn xin thoát nghèo chứng tỏ nhận thức của người dân đã thực sự thay đổi. Tôi tin rằng, trong thời gian tới cùng với sự đầu tư của Nhà nước và ý thức vươn lên của đồng bào các dân tộc, tỉnh Yên Bái sẽ thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khơi dậy khát vọng thoát nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO