Khơi dậy sức mạnh đoàn kết từ mỗi khu dân cư

Anh Vũ (thực hiện) 23/10/2023 07:00

Qua 20 năm tổ chức, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã có sức lan tỏa rộng khắp trong đời sống. Ngày hội là dịp để tập hợp, củng cố, tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận, khơi dậy sức sáng tạo trong nhân dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò, vị thế của Mặt trận trong thời kỳ mới.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy.

Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hưng Yên.

PV: Sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04 của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã được tổ chức rộng khắp trở thành nét đẹp truyền thống, đưa công tác Mặt trận về với cộng đồng dân cư. Với tỉnh Hưng Yên, việc tổ chức Ngày hội có những điểm nhấn nổi bật gì, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy: 20 năm qua, cùng với cả nước, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh đã trở thành nền nếp, là sự kiện thu hút đông đảo người dân tham gia. Ngày hội đã góp phần xây dựng đời sống văn hóa, củng cố tình làng, nghĩa xóm, phát huy sức mạnh của cộng đồng, tạo sự gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên với các tầng lớp nhân dân.

Đến nay, 100% số khu dân cư trong tỉnh tổ chức Ngày hội, trên 65% khu dân cư tổ chức bữa cơm “Đại đoàn kết”. Đặc biệt, từ năm 2019, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, việc tổ chức Ngày hội trên địa bàn tỉnh gắn với tổ chức Ngày hội quốc phòng toàn dân, Ngày hội văn hóa quân - dân. Đây là điểm khác biệt và nổi bật của Hưng Yên so với các tỉnh, thành khác trong cả nước đối với việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc – Ngày hội văn hóa quân dân năm 2022 tại khu dân cư Trần Thượng (thị trấn Trần Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên).

Bà có thể cho biết, những kết quả cụ thể tỉnh Hưng Yên đã đạt được trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước?

- Qua từng năm, MTTQ các cấp trong tỉnh và các tổ chức thành viên đã tích cực phát huy vai trò tự quản, sáng tạo của nhân dân trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua. Mỗi tổ chức thành viên của Mặt trận có cách làm riêng, thể hiện rõ bản sắc của ngành, lĩnh vực như: Khối doanh nghiệp với phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; Hội Nông dân với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”...

Đến nay, toàn tỉnh Hưng Yên có trên 1.000 tổ tự quản giúp nhau phát triển kinh tế, trên 1.600 tổ tự quản về an ninh trật tự, khoảng 3.500 tổ tự quản về môi trường và hơn 2.000 câu lạc bộ thể thao...

Nhờ phát huy hiệu quả các phong trào thi đua, mà ở mỗi nhiệm kỳ đại hội Đảng, tỉnh Hưng Yên đều “về đích” sớm nhiều mục tiêu, nhiệm vụ. Năm 2020, Hưng Yên là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh có 83/139 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 19/139 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 88% số làng, tổ dân phố đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa. Tỷ lệ gia đình văn hóa chiếm 91%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,93%.

Bà có thể chia sẻ về những kinh nghiệm của tỉnh Hưng Yên để triển khai tổ chức thành công Ngày hội?

- Một trong những kinh nghiệm của tỉnh Hưng Yên để tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết 04 đó là MTTQ các cấp chủ động tham mưu, đảm bảo sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Có như vậy mới huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào các hoạt động của Ngày hội. Thực tế chứng minh, ở đâu MTTQ chủ động, tích cực, làm tốt công tác tham mưu; cấp ủy, chính quyền quan tâm, thì ở đó Ngày hội diễn ra nền nếp, chất lượng, hiệu quả, nội dung thiết thực…

Mới đây, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành hướng dẫn tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023. Việc tổ chức Ngày hội sẽ được MTTQ tỉnh Hưng Yên triển khai như thế nào, thưa bà?

- Trong năm 2023, cơ bản các hoạt động của Ngày hội diễn ra như mọi năm, bao gồm cả phần hội và phần lễ theo định hướng của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ban Thường vụ cấp ủy các cấp. Thời gian tổ chức Ngày hội từ ngày 1/11 đến hết 18/11. Quá trình triển khai tổ chức Ngày hội sẽ có các hoạt động hướng về chào mừng Đại hội đại biểu MTTQ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam, nhiệm kỳ 2024-2029.

Cùng với đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp có kế hoạch cụ thể để triển khai các công việc, công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu MTTQ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X để nhân dân nắm được; đồng thời vận động nhân dân tham gia công việc với Đại hội theo tiến độ chuẩn bị, như tham gia, góp ý vào văn kiện Đại hội cấp mình và cấp trên trực tiếp; tham gia, góp ý sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ (nếu có); tham gia bằng việc làm thiết thực để hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu MTTQ các cấp… qua đó góp phần vào việc tổ chức thành công Đại hội MTTQ các cấp diễn ra trong năm 2024.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khơi dậy sức mạnh đoàn kết từ mỗi khu dân cư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO