Khơi thông nguồn lực kinh tế tư nhân

H.Vũ 12/02/2019 08:00

Kinh tế tư nhân được coi là động lực tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Do đó việc thúc đẩy đầu tư để khu vực này trở thành động lực chính cho phát triển là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong tương lai. Điều rất cần vào lúc này là “bàn tay kiến thiết” của Nhà nước nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp (DN).

Khơi thông nguồn lực kinh tế tư nhân

Kinh tế tư nhân phát triển là nền tảng quan trọng đóng góp cho kinh tế Việt Nam.

Kinh tế tư nhân còn hạn chế

Theo nghiên cứu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), tỷ trọng nguồn tài chính tư nhân trong nước trong tổng các nguồn lực tài chính cho phát triển của Việt Nam là tương đối thấp và tăng chậm so với các nước ASEAN khác. Dù đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước trong những năm qua đã tăng cao so với những năm trước, nhưng chỉ chiếm 40% tổng tài chính cho phát triển. Tỷ trọng nguồn tài chính tư nhân của Việt Nam trong tổng đầu tư ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với Lào, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Tỷ lệ đầu tư tư nhân trên đầu người của Việt Nam là 490 USD so với mức trung bình của các nước ASEAN là 690 USD, thuộc nhóm thấp nhất ở khu vực ASEAN.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên được xác định là do cơ cấu kinh tế của Việt Nam, với đặc điểm là các DN thuộc khu vực tư nhân có quy mô nhỏ hơn các DN thuộc khu vực Nhà nước và các DN FDI. UNDP cho rằng Việt Nam cần tiếp tục tăng tốc phát triển khu vực kinh tế tư nhân, huy động nhiều hơn nguồn tài chính của tư nhân trong nước cho phát triển. Do đó để mở rộng đầu tư của khu vực tư nhân thì yếu tố đầu tiên là tạo ra một sân chơi bình đẳng cho khu vực tư nhân trong nước, trong đó có cả việc cải cách DN nhà nước và sửa đổi chính sách thu hút FDI nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho các công ty tư nhân gia nhập thị trường, tăng cường mối liên kết của các công ty này với các chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu.

UNDP cũng cho rằng, cần thực hiện các chính sách và cung cấp sự hỗ trợ có trọng điểm để các DN tư nhân trong nước phát triển về quy mô, nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh, cải thiện các mối liên kết với các chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu. Song song đó, Chính phủ cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN trong nước tiếp cận đất đai và tín dụng, nâng cao năng lực kỹ thuật để áp dụng công nghệ mới và nắm bắt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi

Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019, ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương từng đề cập, trong bối cảnh dư địa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ không còn nhiều, thì những chính sách cơ cấu nhằm giải phóng và tạo năng lực sản xuất mới như phát triển kinh tế tư nhân, cơ cấu lại DN nhà nước hoàn toàn có khả năng tạo ra đột phá về cải thiện năng suất lao động, về tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên câu hỏi được ông Bình đưa ra nằm ở việc chúng ta cần làm gì để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất gắn với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từ đó tạo điều kiện kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững để tăng cường khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam.

Theo Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), muốn khuyến khích người dân bỏ tiền ra đầu tư, Nhà nước cần đảm bảo môi trường kinh doanh không những thuận lợi, mà còn an toàn. Do vậy, song hành với cải cách hành chính, cải cách tư pháp cần phải là một trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh sắp tới.

DN Việt Nam đang dựa quá nhiều vào nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng và lãi suất thực của vốn vay quá cao trong tương quan so sánh với các nền kinh tế khác đang hạn chế năng lực cạnh tranh của DN. Trong bối cảnh trái phiếu Chính phủ phát hành còn ở quy mô lớn, thì lãi suất vay khó mà giảm xuống, càng làm cho khu vực DN tư nhân không thoát khỏi rào cản này. Những khó khăn trên ảnh hưởng rất lớn đến DN tư nhân, đó là chưa kể nạn phân biệt đối xử, nạn tham nhũng, các rào cản thủ tục hành chính.

Nhìn nhận Việt Nam bước vào năm 2019 với kỳ vọng về không ít cơ hội và thách thức đan xen, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP; EVFTA; RCEP và các mạng công nghiệp 4.0 có thể tạo thêm xung lực cho cải cách và tiếp cận nguồn lực kỹ năng, công nghệ, vốn từ bên ngoài.

Do đó theo CIEM, Việt Nam cần tiếp tục hướng dẫn, tổ chức triển khai hiệu quả các luật căn bản của thể chế kinh tế thị trường như: Bộ luật Dân sự; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật Quản lý nợ công; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật an ninh mạng. Ưu tiên cải cách môi trường kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2019, cũng như tiếp tục cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khơi thông nguồn lực kinh tế tư nhân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO