Khốn khổ vì trang trại gây ô nhiễm

Đình Minh 29/05/2021 07:36

Trang trại nuôi lợn của Công ty CP Phát triển nông nghiệp sạch KP Phúc Thịnh (DN Phúc Thịnh) nằm nơi đỉnh đồi, không đảm bảo khoảng cách tới khu dân cư, chưa có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Toàn bộ phân, nước thải từ trại chăn nuôi này bốc mùi hôi thối nồng nặc, khiến người dân xã Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) sống trong cảnh khốn khổ.

Cá chết nổi lềnh phềnh tại hồ sinh học số 1 của trang trại.

Mắc màn ăn cơm

Theo phản ánh của người dân xã Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa), trong suốt 5 tháng qua, cuộc sống của hàng trăm hộ dân nơi đây rơi vào cảnh “sống dở, chết dở”, bởi tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ trang trại chăn nuôi nghìn con lợn của DN Phúc Thịnh đóng chân tại làng Trạc, xã Phúc Thịnh.

Trang trại với diện tích hơn 11ha, khu chăn nuôi có 11 phân trại với quy mô 2.400 con lợn nái sinh sản, 4.600 con lợn cai sữa/tháng, 5.000kg thủy sản/tháng. Khu xử lý nước thải và chất thải nằm trên khu đất có diện tích 4ha, bao gồm 4 hố chứa Biogas, 2 bể nước thải và 2 hồ sinh học.

Tại thực địa ghi nhận, chúng tôi thấy trang trại này chỉ cách 2 hộ dân gần nhất khoảng 100m. Trong khi đó, theo Thông tư 23/2019/TT-BNNPTNT của Bộ NNPTNT: Khoảng cách từ trang trại quy mô lớn đến khu khu dân cư tối thiểu là 400m. Dù đã đi vào hoạt động gần nửa năm nhưng trang trại vẫn không treo biển.

Theo anh Cao Xuân Hùng (28 tuổi, là 1 trong 2 hộ dân gần nhất với trang trại): “Kể từ khi trang trại đi vào hoạt động tháng 1/2021, người dân ở đây liên tục bị tra tấn bởi mùi thối bốc ra từ khu xử lý chất thải bất kể nắng mưa. Để ăn xong bữa cơm, nhiều lần chúng tôi phải mắc màn”.

Tại trang trại có 4 hố Biogas chứa phân và 2 bể xử lý nước thải. Theo quan sát, sau khi được xử lý sơ sài, nước thải từ 4 hố Biogas chảy ra 2 bể chứa nước thải. Ghi nhận tại 2 bể chứa này, lớp bọt, váng màu trắng, xanh, đen phủ kín mặt nước, không chừa 1 chỗ trống.

Từ 2 bể chứa, nguồn nước thải màu đen, sủi bọt trắng được xả trực tiếp qua một rãnh nhỏ sang hồ sinh học số 1. Chúng tôi thấy nhiều cá chết tại hồ sinh học này. Từ hồ số 1, nước thải sẽ được chuyển sang hồ sinh học số 2. Đây cũng là điểm cuối trong quy trình xả thải. “Nước thải vào 2 hồ sinh học này thì sẽ ở nguyên, không đi đâu nữa.

Mỗi ngày họ tắm rửa, rồi vệ sinh chuồng trại cho hàng nghìn con lợn, xử lý quay vòng rồi cuối cùng lại cho chảy ra đấy thôi. Khi họ đào hồ thì không lót bạt hay trát xi măng ở dưới, nước cứ chảy ra đấy, rồi nó tự ngấm xuống đất cả thôi”, anh Hùng phản ánh.

Nỗi lo “bom phân”

Theo quan sát của chúng tôi, vị trí án ngữ của trại lợn nằm trên đỉnh đồi Bái Trành, hướng thẳng xuống khu dân cư và đồng ruộng của người dân. Chưa kể đến việc trại lợn không thể thoát nước, việc đặt trại lợn ở đỉnh đồi, nơi nước chảy xuống cũng khiến người dân ở đây rất lo, đặc biệt vào mùa mưa lũ.

Được biết, vào tháng 8/2020, tại khu vực làng Trạc đã xảy ra một trận lụt cục bộ, nước mưa chảy từ trên đồi Bái Trành tràn xuống các ao hồ mà DN Phúc Thịnh đang thi công rồi chảy xuống ruộng làm ngập úng nhiều diện tích ruộng.

“Không biết họ tính toán sao, chứ xây trang trại trên đỉnh đồi thế kia chẳng khác nào “phân treo đầu dân”. Đợt lụt năm ngoái trang trại chưa làm đã khốn khổ rồi, nếu năm nay mưa tiếp thì nước mưa trên kia tràn qua mấy bể chứa nước thải, rồi tràn xuống ruộng, xuống khu dân cư thì sao mà sống”, ông Hà Ngọc Quế, 62 tuổi, hộ dân cách trang trại 200 m chia sẻ.

Không chỉ gia đình ông Quế, suốt 5 tháng qua, gia đình chị Trương Thị Nguyên (là hộ dân nằm cách trang trại 100 m) luôn thường trực một nỗi lo nguồn nước bị ô nhiễm. Theo chị, việc trang trại được đặt ở đầu nguồn nước khiến người dân không dám dùng trực tiếp nước tự nhiên để sinh hoạt mà phải hứng nước mưa để dùng.

Làm việc với ông Đỗ Văn Hải, đại diện DN Phúc Thịnh thì vị này thừa nhận: Hệ thống xử lý nước thải của trang trại đang ở giai đoạn vận hành thử nghiệm, chưa đạt chuẩn. Về chất lượng nước thải ở hồ sinh học, ông Hải ban đầu khẳng định nguồn nước này sạch.

Tuy nhiên, sau khi chúng tôi đưa ra dẫn chứng cá chết ở hồ, ông Hải lại thừa nhận nguồn nước này không đảm bảo. Khi được hỏi về việc dưới nền hồ sinh học có lót bạt hay đổ bê tông không, ông Hải nói rằng không có.

Trao đổi chúng tôi, ông Nguyễn Bá Bình, Chủ tịch UBND xã Phúc Thịnh xác nhận: Việc trại lợn của DN Phúc Thịnh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân là đúng sự thật. “Dân họ phản ánh lên xã nhiều lần rồi, họ còn định lấy đá chặn không cho xe ra vào trang trại nữa.

Thời điểm vừa rồi vướng bầu cử nên chúng tôi thống nhất với người dân là đợi bầu cử xong sẽ làm việc với trang trại để xử lý trước ngày 30/5. Xã đã mời dân và phía trang trại đến làm việc, cũng đã yêu cầu doanh nghiệp có biện pháp khắc phục”, ông Bình nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khốn khổ vì trang trại gây ô nhiễm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO