Khôn và dại, thắng và thua

Trần Hữu Thăng 05/10/2018 13:00

Khôn và dại, thắng và thua là những trăn trở, vật vã, những nỗi ám ảnh khôn nguôi. Nó kích động, nó cổ vũ đồng thời cũng làm nguội lạnh, làm tê liệt ý chí, tê liệt niềm vui, tê liệt những ao ước, những nỗi niềm của mọi người.

Khôn và dại, thắng và thua

1. Khôn và dại, thắng và thua là những trăn trở, vật vã, những nỗi ám ảnh khôn nguôi. Nó kích động, nó cổ vũ đồng thời cũng làm nguội lạnh, làm tê liệt ý chí, tê liệt niềm vui, tê liệt những ao ước, những nỗi niềm của mọi người.

Trong văn thơ Việt Nam, các vị tiền bối đã để lại những lời khuyên răn thật chí lí, thật thâm hậu, thật đời thường.

Đó là:

“Tôi dại, tôi tìm nơi vắng vẻ.
Người khôn, người tới
chốn lao xao”.

Đó là:

“Dại chốn văn chương là dại khôn.
Khôn chốn cờ bạc là khôn dại”.

Những lời dạy ngắn gọn như thế nhưng nội dung hàm chứa bao nhiêu triết lý cuộc đời. Rõ ràng chỉ có ở nơi vắng vẻ, tĩnh lặng trí tuệ con người mới được ươm chồi, nẩy lộc. Còn ở chốn lao xao, ồn ào, trống chiêng hỗn loạn chỉ đem đến cho người ta cảm giác bồn chồn, lo sợ, vội vàng đi theo người này, vội vàng từ chối người kia thì làm gì còn suy nghĩ cân nhắc được nữa. Trong hoàn cảnh ấy, người khôn ngoan chỉ nên bình tĩnh trả lời: “Xin cảm ơn đã có lòng chiếu cố, nhưng vì tôi đang bối rối quá, chưa biết trả lời ra sao, xin cho thêm một thời gian suy nghĩ và xin phép được trả lời sau”. Trong hoàn cảnh ấy, người hay dao động, hay hoang mang, không có ý nghĩ kiên định, không có lập trường vững lòng, vội vàng đồng ý, để sau đó đem theo một nỗi ân hận suốt đời, chỉ vì giây phút a dua, làm theo hội chứng đám đông.

Chốn văn chương có thể được hiểu là nơi dạy chữ, dạy nghề... Những ai miệt mài năm này tháng khác, khổ học, khổ luyện chắc chắn sẽ đỗ đạt cao, trở thành nhân tài, giúp dân giúp nước.

Chốn cờ bạc là nơi đua chen thách đố, đem mạng người ra đánh cược với cuộc đời đen đỏ. Dù khôn ngoan đến mấy, thắng được vài trận là do mưu mẹo của bọn chủ sòng bạc thông đồng với bọn cò mồi. Người tự cho là khôn ngoan trong cờ bạc bao giờ cũng gánh chịu một kết thúc bi thảm: Mất tiền, mất nhà, mất vợ và ra đê mà ở. Nên nhớ 3 từ gắn bó rất mật thiết, đó là: “Cờ - Bạc - Bịp” mà ông cha ta đã dạy.

Theo Từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ học biên soạn, trang 215 thì: “Dại là: 1/Không có đủ khả năng thích ứng với hoàn cảnh tự nhiên bất lợi, do sức còn non yếu hoặc chưa được từng trải. Thí dụ: Mạ còn dại, chưa cấy được; Mẹ già con dại. 2/không có đủ khả năng suy xét để ứng phó với hoàn cảnh và tránh những hành động và thái độ không nên có. Thí dụ: Chớ có dại mà nghe lời rủ rê; Khôn nhà dại chợ. 3/Mất khả năng hoạt động linh hoạt, nhanh nhẹn theo sự điều khiển của trí óc.

Trang 452 thì: “Khôn là: Có khả năng suy xét để xử sự một cách có lợi nhất, tránh được những việc làm và thái độ không nên có.

Trang 845 thì: “Thắng là: 1/Giành được phần hơn trong cuộc đọ sức giữa hai bên đối địch. Thí dụ: Ghi bàn thắng; Chuyển bại thành thắng. 2/Vượt qua, khắc phục được khó khăn, thử thách. Thí dụ: Thắng nghèo nàn lạc hậu, thắng cơn bệnh hiểm nghèo.

Trang 884 thì: “Thua là: 1/Không giành được mà phải chịu để cho đối phương giành phần hơn, phần thắng trong cuộc tranh chấp, đọ sức giữa hai bên. Thí dụ: Thua 2 bàn trắng; Thấp cơ thua trí đàn bà (Nguyễn Du). 2/Ở mức không bằng cái đưa ra để so sánh. Thí dụ: Phép vua thua lệ làng (tục ngữ).

2. Văn chương, chữ nghĩa nói gì?

Theo suy nghĩ thông thường, có quy luật là: Ai khôn người ấy thắng. Doanh nghiệp nào khôn sẽ chiếm được nhiều khách hàng. Ai dại người ấy thua. Doanh nghiệp, Công ty nào dại sẽ phá sản nhanh chóng.

Nhưng trên thực tế ra sao? Không đơn giản như thế đâu. Có ai đó đã nói:

Đố ai cân được linh hồn,
Để tôi bàn chuyện dại khôn ở đời.

Mà linh hồn thì làm sao cân được, có ai nhìn thấy bao giờ đâu. Dại, khôn cũng thế thôi, vì như có ai đã nói: Theo toán học đơn thuần thì 1 + 1 = 2, nhưng theo toán học cuộc đời thì 1 + 1 có khi bằng 1, lại có khi bằng 3. Bởi thế nên rất khó sắp xếp cái khái niệm: Khôn, Dại, Thắng, Thua trong thực tế đời sống nhân sinh.

Theo nhà triết học Edward Young (1683 – 1765) thì cái dại cái khôn không phụ thuộc vào độ tuổi khi ông khẳng định: “Đã khôn thì từ lúc lên ba đã khôn, đã dại thì đến già đầu vẫn dại”. Như thế, không phải học nhiều sẽ khôn, học ít sẽ dại, trẻ chưa chắc dại hơn già, tranh giành chưa chắc khôn bằng nhường nhịn. Chả thế mà có ai đó đã tổng kết đáng giật mình là: “Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống”. Tổng kết này không biết có đúng trong mọi trường hợp không, nhưng với trường hợp sau đây thì rất đúng:

Cách đây 10 năm có một khu đất làng được nhà nước đền bù để quy hoạch làm cầu và đường giao thông. Nhà nào cũng được bồi thường lên đến 3 -4 tỷ đồng. Người khôn ngoan lập tức chơi chứng khoán, phất lên như diều, tiền của ào ạt chảy vào túi. Đến năm sau, chứng khoán sụt giảm, bao nhiêu tiền của đi tong, chỉ còn giá trị vài phần trăm so với lúc ban đầu, tức là sau khi mất hết nhà cửa ruộng vườn rồi, trở nên tay trắng hoàn toàn. Người dại chia tiền cho con ăn chơi, mua vàng, mua kim cương, mua xe phân khối lớn, ăn chơi nhảy múa xả láng. Lúc hết tiền, đành đi làm thuê làm mướn tận miền Nam, có người phải xuất khẩu lao động rất vất vả. Người biết tính toán đã mua ngay một mảnh đất nhỏ, xây nhà hai tầng. Tầng trên để ở, tầng dưới mở cửa hàng: Chồng thì cắt tóc, vợ làm thợ may phục vụ bà con bình dân. Cứ thế phát triển tốt. Nhờ ăn dụm để dành, anh chồng đã mua được chiếc ô tô mới để chạy hợp đồng với hãng taxi có tên tuổi, mỗi tháng kiếm được hơn chục triệu đồng.

Như vậy, điều cần biết là trường nào là trường dạy khôn ngoan tốt nhất để ta ghi tên xin học? Rất tiếc không có trường đào tạo khôn ngoan, mà như nhà triết học cổ đại Eschyle (Năm 525 đến 456 trước Công nguyên) đã chỉ dạy: “Trường đau khổ là nơi dạy khôn ngoan tốt nhất”. Mà trường đau khổ lại chỉ thu học phí bằng mồ hôi và nước mắt. Ai dám xin vào học ở trường đau khổ ấy để trở thành khôn ngoan lúc ra trường? Chắc là rất ít. Lại đến khi ra trường, những người khôn ngoan nhất là những ai? Xin theo dõi Tổng kết sau đây của nhà triết học Nicolas Boileau (1636 – 1711): “Kẻ khôn ngoan nhất là kẻ không bao giờ nghĩ rằng mình khôn”. Thế mới khó. Từ cái ý này của Boileau, soi sáng đến các sự việc diễn ra hàng trăm năm, người ta mới thấy cái ranh giới giữa người khôn, người dại, người thắng, người thua là hết sức mong manh. Nó chỉ đúng với từng giai đoạn, từng thời kỳ của cuộc sống con người. Việc tưởng thắng, tưởng khôn hôm nay biết đâu lại trở thành việc thua, việc dại ngày mai. Ngày xưa, thi sĩ Trần Tế Xương (1869 – 1907) đã từng viết:

Nay kẻ nên khôn đều có dại,
Làm người có dại mới nên khôn.

Cũng cùng cái suy tư ấy, Đại thi hào Nga – Maxime Gorki (1868 – 1936) đã khẳng định: “Cái khôn ngoan của cuộc sống thì luôn to lớn và sâu xa hơn cái khôn ngoan của từng cá thể con người”. Qua những dạy bảo của các bậc tiền bối đã nêu ở trên cho thấy rõ: Sức lực con người là có hạn, trí tuệ con người là có hạn, chớ nên tính toán thiệt hơn, thắng thua, khôn dại chỉ thêm chuốc lấy cái hận, cái uất ức trong lòng mà thôi. Những ai muốn khôn, muốn thắng chỉ cần nhớ trong lòng mấy lời dặn dò sau đây:

Lời dạy của La Rochefoucauld: “Kẻ nào cho rằng chỉ có một mình mình là khôn là một thằng điên rất nặng”. Điều này mọi người đều thấy quá rõ trong các việc xẩy ra hàng ngày. Những người tự cho là khôn, là thắng đều có kết cục thảm hại. Chả thế mà có ai đã nói: “Người đàn bà thất bại là người đàn bà luôn chiến thắng chồng con”. Thật quá chí lý, quá nhiều kinh nghiệm.

Xin mượn lời của thi sĩ G. Herbert (1593 – 1633) để kết luận cho trang viết: “Một người khôn ngoan chẳng bao giờ nên để ý đến những gì mà anh ta không thể có”.­

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khôn và dại, thắng và thua