Không chịu sức ép

Hoàng Mai 19/07/2016 23:57

Ngày 18/7, Văn phòng Trung ương Đảng phát đi Công văn số 1578-CV/VPTƯ do Phó Chánh Văn phòng Trần Văn Thành ký, truyền đạt ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi các cơ quan chức năng trong đó có Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam… về các công việc cần làm sau Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, liên quan đến vụ việc của nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh.

Không chịu sức ép

Tranh minh họa.

Công văn truyền đạt ý kiến của Tổng Bí thư được phát đi 1 tuần sau Kết luận phiên họp thứ 4 và thứ 5 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Hà Nội. Cũng cần nói thêm là, vấn đề của nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang đứng đầu trong những vấn đề nổi cộm mà Ủy ban Kiểm tra nêu lên có lẽ đã cho thấy phần nào tầm quan trọng trong giải quyết vụ việc.

Bản thân vụ việc này đã được đích thân Tổng Bí thư đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo trực tiếp việc điều tra làm rõ đến 2 lần (Công văn ngày 18/7 là lần chỉ đạo thứ 2).

Lần theo vụ việc của chiếc xe Lexus biển xanh và là chiếc xe được cấp đến 2 biển số mới thấy nhờ “giọt nước tràn ly” này mà cơ quan chức năng đã tìm ra vô số sai phạm của cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh và của cả cơ quan quản lý nhà nước liên quan.

Cái gay là ở chỗ, sai phạm dường như mang tính hệ thống; mà ngay đến khi bị sờ gáy các cơ quan liên quan vẫn một mực ca cái điệp khúc “đúng quy trình”. Nào thì, đúng quy trình khi bổ nhiệm; khi luân chuyển và đúng mọi trình tự. Có lẽ cũng cần nhắc lại đôi chút về thành tích lãnh đạo dẫn đến thua lỗ hơn 3.000 tỉ đồng từ thời ông Thanh nhận trách nhiệm dẫn dắt PVC rồi chả biết bằng cách nào mà ông này “chạy luân chuyển” giỏi đến thế!

Đúng như các cụ xưa đã nói, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn” và có thể chuyện của chiếc xe Lexus biển xanh chỉ là giọt nước tràn ly; nhưng rõ ràng nếu không có sự kiên quyết đấu tranh đến cùng với tham nhũng từ cơ quan cao nhất của Đảng và những thông điệp chuyển đi từ người lãnh đạo cao nhất của Đảng trong công văn chỉ đạo điều tra vụ việc hồi đầu tháng 6, có lẽ công tác điều tra, xác minh không được tiến hành nhanh và khẩn trương đến thế.

Chưa đầy 45 ngày, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nêu lên một kết luận về vụ việc gồm 4 điểm và một yêu cầu gồm 5 điểm mà việc xem xét quyết định hình thức kỷ luật với ông Trịnh Xuân Thanh được xem như yêu cầu đầu tiên. Rồi đây, những vấn đề liên quan đến việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh sẽ còn được mổ xẻ, để xem quy trình chặt là thế mà có kẽ hở nào để người ta lách qua khe cửa hẹp dễ dàng và nhiều vấn đề liên quan đến chỉ đạo điều hành của ông này cũng sẽ được xem xét.

Sở dĩ, có sự vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng ấy chính là bởi BCH TƯ Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thể hiện quyết tâm chống cho được tham nhũng đang làm yếu đi nền kinh tế đất nước; làm biến dạng những chủ trương chính sách đúng của Đảng, Nhà nước; làm méo mó nhân cách của một bộ phận cán bộ lãnh đạo trong hệ thống. Một sự quyết liệt kể từ thời Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đến nay đã cho thấy một sự kiên trì của Đảng ta và của cả người đứng đầu Đảng cầm quyền.

Với riêng vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, trong Công văn đề ngày 18/7 truyền đạt chỉ đạo của Tổng Bí thư còn nhấn mạnh: “Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cần chỉ đạo chặt chẽ các đoàn kiểm tra xem xét, kết luận bảo đảm đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, công tâm, khách quan, trong sáng, không chịu bất kỳ một sức ép nào của bất cứ tổ chức, cá nhân nào; chỉ đạo tiến hành khẩn trương các công việc được giao và báo cáo kết quả với Ban Bí thư”.

Chỉ đạo này cho thấy rõ thêm quyết tâm chống tham nhũng của Đảng ta và cũng thấy rõ, sẽ không thể có chuyện một tổ chức hay cá nhân nào tạo ra một vùng cấm hữu hình hay vô hình trong chống tham nhũng. 3.000 tỉ đồng thất thoát không phải là một số tiền nhỏ và vì thế không thể vì sự nể nang, sự tác động nào đó mà xuê xoa, cho qua.

Bởi nếu thế uy tín của Đảng mà lại là Đảng cầm quyền sẽ có nguy cơ giảm sút; niềm tin vào Đảng có thể sẽ lại tiếp tục chịu sức ép mai một. Đây mới thực sự là một nguy cơ, một mối nguy hại cần nhận diện rõ để Đảng tiếp thêm sức mạnh trong đấu tranh với tệ nạn tham nhũng đang làm biến chất một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Tin rằng, với chỉ đạo cụ thể của Tổng Bí thư việc chỉ ra cái xấu, cái tiêu cực ở vụ việc này sẽ không còn quá khó như “mò kim đáy bể”. Và, khi phép công được thực hiện đúng với chuẩn mực của nó, nhân dân sẽ thấy rõ quyết tâm loại bỏ những con người không biết giữ phẩm chất ra khỏi đội ngũ Đảng, ra khỏi bộ máy lãnh đạo.

Chống tham nhũng không phải là dễ, nhưng hy vọng vụ việc này sẽ tạo ra một tiền lệ tốt trong cuộc đấu tranh chống lại cái xấu, cái tiêu cực và sẽ góp phần khích lệ nhân dân trong phát hiện tham nhũng; khích lệ những người được giao trọng trách chống tham nhũng yên tâm phá đi rào cản lớn nhất của sự phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không chịu sức ép

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO