Không chủ quan khi có thuốc

Miên Thảo 03/03/2022 07:40

Những ngày này, Molnupiravir là loại thuốc được rao bán và tìm kiếm nhiều nhất. Trước đó, để đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch Covid-19 của người dân, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã cấp giấy phép lưu hành có điều kiện cho thuốc điều trị Covid-19 chứa Molnupiravir sản xuất trong nước, gồm 3 loại. Ngay lập tức, trên nhiều Facebook cá nhân, chợ thuốc online đã rao bán công khai thuốc Molravir 400mg xuất xứ Việt Nam, với giá từ 270.000 đến 280.000 đồng/hộp.

Nhiều nhà thuốc thông báo bán thuốc Molnupiravir trị Covid-19.

Đáng chú ý, đây là loại thuốc phải có chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, người dân vẫn theo nhau tự tìm kiếm trên mạng cũng như tìm tới các hiệu thuốc. Và thật đáng lo khi nhiều hiệu thuốc cũng không cần có chỉ định của bác sĩ vẫn cứ bán, và cũng không hướng dẫn cách sử dụng ra sao. Trong khi đó, theo Cục Quản lý dược, người dân chỉ nên sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sĩ theo đúng chỉ định, các giới hạn sử dụng và các cảnh báo thận trọng của thuốc.

Đại dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài, lo lắng cho sức khỏe, tính mạng là điều dễ hiểu và chính vì thế người dân tự tìm đến hiệu thuốc sau khi “tham khảo” ý kiến “bác sĩ mạng” hoặc truyền tai nhau loại thuốc này, đơn thuốc kia có khả năng ngăn chặn hoặc chữa khỏi Covi-19. Đã có thời gian người ta đổ xô đi mua Xuyên tâm liên và các loại thuốc cảm, thuốc ho, thuốc xịt họng, thuốc uống “vị tỏi cô đơn”, những bó lá xông…

Bất cứ thứ gì được cho là chặn được Covid-19 thì cũng mua và dĩ nhiên giá cả cũng khó lường. Nhiều người mua “cả đống” thuốc về nhà dự phòng, nhưng rồi cũng không dùng đến hoặc dùng một đôi lần thì… chán nên bỏ đấy rất lãng phí.

Covid-19 là bệnh lây nhiễm rất nhanh, trên thế giới chưa có phác đồ điều trị cũng như thuốc đặc trị dứt điểm căn bệnh này. Tất nhiên, cùng với vaccine thì cũng đã có một số loại thuốc uống sử dụng trong quá trình điều trị bệnh nhân Covid, và nhiều loại thuốc chữa triệu chứng. Nhưng, tất cả những loại thuốc ấy phải được sử dụng đúng, không được uống tùy tiện, lại càng không thể nghĩ đơn giản là uống càng nhiều thì càng nhanh khỏi.

Thuốc nào cũng có tác dụng phụ, ít hoặc nhiều, vì thế phải tuân thủ nghiêm túc chỉ định của bác sĩ, không tự mình làm bác sĩ cho mình và người thân và cũng không nên vội tin “bác sĩ mạng” hay là những bài thuốc truyền tai nhau không có cơ sở khoa học.

Cách đây chưa lâu, Molnupiravir được cho là “hàng xách tay” từ nước ngoài về và bán từ 2,6 triệu đồng tới 7 triệu đồng 1 liều. Thế nhưng vẫn khó kiếm. Nay Molnupiravir đã sản xuất trong nước, giá khá rẻ thì hy vọng cho cuộc chiến chống Covid-19 lại càng tích cực hơn. Đó là điều rất tốt khi mà cùng với tỉ lệ bao phủ vaccine cao thì lại có thêm thuốc uống trị bệnh, như hai gọng kìm trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, cùng với việc cẩn trọng khi mua thuốc tự điều trị thì cần cảnh báo sự chủ quan có thể xảy ra, vì cho rằng vừa tiêm vaccine vừa có thuốc uống thì… không còn sợ Covid.

Đó sẽ là sai lầm lớn khi dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát dữ dội. Tại Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phía Nam, sau những tháng dịch khủng khiếp trong năm 2021, nay dịch lại có dấu hiệu trở lại khi số ca mắc mới tăng dần.

Tại miền Trung, một số địa phương lại tồn tại trạng thái dịch “đi ngang” quá lâu, mà điển hình là tỉnh Khánh Hòa. Nhưng đáng lo ngại hơn là với Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc khi số mắc mới tăng rất nhanh. Các chuyên gia y tế cho rằng, tại Hà Nội, dịch chưa tới đỉnh nên số ca mắc mới dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng. Y tế cơ sở, các bệnh viện sẽ tiếp tục phải chịu áp lực và người dân vẫn phải thực hiện nghiêm túc quy định 5K.

Tin tưởng vào vaccine và thuốc điều trị, nhưng cũng không thể vì thế mà chủ quan, mà thả lỏng vì thái độ ấy sẽ khiến nhiều người mắc hơn và dịch sẽ kéo dài, tác động tiêu cực tới việc hồi phục, phát triển kinh tế - xã hội cũng như cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không chủ quan khi có thuốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO