Không chủ quan với bệnh tay chân miệng

LAN PHƯƠNG 01/06/2022 11:36

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2022 đến nay cả nước đã ghi nhận 5.545 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM), trong đó có một trường hợp tử vong tại Bình Thuận. Thời tiết giao mùa là thời điểm căn bệnh TCM ở trẻ em đang có nguy cơ gia tăng, dễ bùng phát dịch, đặc biệt tại TP HCM và các tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Những biểu hiện của bệnh tay chân miệng.

Bệnh có thể gây tử vong

Bệnh viện Nhi đồng TP HCM vừa cứu sống kịp thời bé gái 3 tuổi (ở Long An) vì mắc TCM. Trước đó, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, biếng ăn, chảy nước miếng nhiều vì loét họng, lòng bàn tay, bàn chân không có hồng ban bóng nước. Qua các kết quả xét nghiệm và thăm khám và bác sĩ chẩn đoán bé bị phù phổi cấp, suy hô hấp do biến chứng TCM. Bệnh nhi lập tức được các y, bác sĩ cho thở máy, truyền huyết thanh... và đã ổn định sức khỏe.

Từ giữa tháng 4 đến nay, Khoa Nhiễm - Thần kinh của Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM luôn có trung bình 9-10 trẻ nằm điều trị nội trú. Theo BS Trần Ngọc Hạnh Đan, Khoa Nhiễm - Thần kinh, hiện các ca mắc TCM nhập viện chủ yếu ở mức độ nhẹ và vừa. Tuy nhiên, khi số trẻ mắc bệnh gia tăng sẽ kéo theo các ca nặng xuất hiện.

Theo BS Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, thời tiết đang chuyển mùa hè với khí hậu nóng ẩm là thời điểm bệnh TCM ở trẻ em có nguy cơ gia tăng, có thể bùng phát dịch nếu không kịp thời phòng chống. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da (chủ yếu ở dạng phỏng nước, thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông). Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ, nhưng ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong, nên theo các chuyên gia y tế, cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Còn BS Lê Phan Kim Thoa - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, bệnh TCM là một bệnh do siêu vi trùng đường ruột, thuộc hai nhóm là coxsackievirus và enterovirus. Vi trùng sẽ xâm nhập vào cơ thể của trẻ qua đường tiêu hóa khi tay chân của bé bẩn hoặc người tiếp xúc, người chăm sóc bé không giữ bàn tay sạch. Tại bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM có giai đoạn 50% trường hợp bệnh nhi nhập viện trong khoa Nhi do TCM, đa số là những bé dưới 3 tuổi.

Về mức độ nguy hiểm của bệnh TCM, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh TCM là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh rất dễ lây cho người khác nếu hành vi vệ sinh không đảm bảo. Tại Việt Nam, bệnh có quanh năm và tăng mạnh vào tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng10. Bệnh có thể gây thành dịch lớn.

Theo đó, bệnh TCM có nguy cơ lây nhiễm mạnh nhất trong tuần đầu tiên sau khi một bệnh nhân nhiễm bệnh và có thể kéo dài vài tuần do virus khu trú trong chất thải. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Nguy cơ lây lan cao

Theo các chuyên gia y tế, cơ chế lây bệnh của TCM thường là lây trực tiếp qua đường tiêu hóa khi ăn uống chung hay tiếp xúc với dịch của trẻ mắc bệnh, lây gián tiếp qua bàn tay hoặc vật dụng nhiễm virus, do đó rất dễ lây trong môi trường sinh hoạt chung của trẻ ở lớp học, nhà trẻ. Chỉ cần một trẻ bị bệnh TCM là những trẻ xung quanh có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào.

Bệnh TCM chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ thì các triệu chứng càng nghiêm trọng hơn. Đáng lưu ý, trẻ mắc TCM đa số dưới 5 tuổi, trùng vào thời điểm trẻ mọc răng và đôi khi trẻ chỉ có biểu hiện loét miệng làm cho trẻ chảy nước miếng hay biếng ăn nên nhiều cha mẹ nhầm lẫn trẻ bị mọc răng, không phát hiện bệnh kịp thời.

Ngoài nhầm lẫn với sốt mọc răng, nhiệt miệng, TCM còn hay bị chẩn đoán nhầm với sốt phát ban, thậm chí là thủy đậu do các nốt bóng nước trên cơ thể. Nếu trẻ chỉ bị viêm loét miệng bình thường thì vết loét thường nhỏ, đường kính 1 - 3mm, xuất hiện đơn độc hay thành từng đám ở niêm mạc má, môi, nướu hoặc dưới lưỡi, hình tròn hoặc bầu dục, màu trắng xám hay vàng, với quầng đỏ xung quanh. "Đối với những trường hợp khó đôi khi bác sĩ cần phải có kinh nghiệm về bệnh TCM mới có thể chẩn đoán bệnh", BS Lê Phan Kim Thoa nói.

Cũng theo BS Thoa, TCM không có thuốc điều trị đặc hiệu và đến nay cũng chưa có vaccine phòng ngừa nên việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ và theo dõi biến chứng. Khi trẻ nghi ngờ mắc TCM, cha mẹ nên cho trẻ đi khám để có chẩn đoán sớm. Đối với TCM, trẻ phải tái khám thường xuyên, thường là cách khoảng 1-2 ngày để phát hiện kịp thời biến chứng nếu có. Trẻ mắc bệnh TCM tổn thương ở niêm mạc miệng gây đau sẽ khiến trẻ ăn kém, có thể dẫn đến hạ đường máu. Vì vậy, các gia đình nên dùng thuốc sát trùng niêm mạc miệng như nước muối; cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo loãng, sữa…; vệ sinh da tránh bội nhiễm vi khuẩn, tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè; dùng dung dịch Betadin bôi các tổn thương ngoài da sau khi tắm.

Theo Bộ Y tế, so với cùng kỳ năm 2021, số mắc giảm 83,3%, tử vong giảm 9 trường hợp. Tuy nhiên, số mắc có xu hướng gia tăng chủ yếu khu vực miền Nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Sóc Trăng. Bộ Y tế nêu rõ, bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh lưu hành quanh năm lây truyền qua đường tiêu hóa và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố, thường ghi nhận số mắc gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm.

Dự báo dịch bệnh TCM có xu hướng gia tăng trong thời gian tới đây do tính chất lây truyền, kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên; việc giao lưu đi lại, thể thao, du lịch,... gia tăng trở lại sau khi đã kiểm soát dịch Covid-19 và hiện chưa có vaccine phòng bệnh.

Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh TCM, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh trên địa bàn, tập trung vào các vùng có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch...

UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.

Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế người nhà vào thăm bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong…

Trẻ bị tay chân miệng thường có những biểu hiện điển hình như loét miệng, lòng bàn tay bàn chân có những nốt phát ban hoặc bọng nước. Tuy nhiên có những trẻ chỉ nổi nốt ở ngoài da tay chân mà miệng không có biểu hiện và ngược lại. Một số trường hợp tay chân miệng có thể nổi cả ở trên mông, trên đầu gối hoặc là ở cùi chỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không chủ quan với bệnh tay chân miệng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO