Không chủ quan với sốt xuất huyết

Đức Trân 02/04/2022 09:01

Theo số liệu từ Bộ Y tế, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 9.919 trường hợp sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 2 trường hợp tử vong.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. (Ảnh TL)

Nguy cơ bệnh chồng bệnh

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.

Triệu chứng phổ biến của SXH là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn, bệnh nhân có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng.

Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh. Bệnh thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.

Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.

Nguy hiểm hơn, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang lây lan ở nước ta, đã ghi nhận không ít trường hợp người dân mắc đồng thời Covid-19 và SXH.

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM tiếp nhận và điều trị trường hợp cùng lúc mắc Covid-19 và SXH. Bé trai 12 tuổi béo phì (nặng 67kg - thừa khoảng 30 cân so với mốc thông thường ở lứa tuổi này). Vào viện trong tình trạng sốt cao, xuất huyết rải rác toàn thân, giảm tiểu cầu, tăng men gan do cùng lúc nhiễm hai bệnh.

Bệnh kép gây nhiều khó khăn trong điều trị cho bé. Nguyên nhân là Covid-19 gây tổn thương phổi, viêm phổi làm suy hô hấp và rối loạn đông máu (hình thành cục máu đông); còn sốt xuất huyết gây sốc, suy giảm chức năng hệ tuần hoàn, rối loạn đông máu (chảy máu). Nếu điều trị Covid-19 bằng thuốc kháng đông, kháng viêm như thông thường, tình trạng chảy máu sẽ nặng nề hơn. Các thầy thuốc điều trị phải tính toán, cân nhắc sử dụng các thuốc, phương pháp điều trị kết hợp để tránh hai bệnh nặng hơn. Sau 1 tuần điều trị tích cực, sức khỏe bé tốt dần, đã tỉnh táo.

Một vấn đề khác cũng được ông Cường chia sẻ, nhiều người có triệu chứng của SXH nhưng đã không dám tới bệnh viện để thăm khám và điều trị hoặc chỉ đi khám sàng lọc Covid-19. Đây là một trong nguyên nhân có thể gây nên tình trạng “dịch chồng dịch”.

Ông Cường lý giải, SXH và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: Biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người. Tuy nhiên, đây là hai bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau. Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn sốt xuất huyết lây qua đường máu do muỗi truyền. Ngoài ra SXH điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Đối với bệnh nhân mắc Covid-19 thì ngoài yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với người mắc Covid-19 thì còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, mất ngửi,… nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp.

Chủ quan coi chừng biến chứng nặng, đến tử vong

Chuyên gia y tế nhấn mạnh, đa số bệnh nhân SXH thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng thì các triệu chứng của SXH cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với Covid-19 như: Sốt, đau mỏi cơ.

Trao đổi cùng Báo Đại Đoàn Kết, BS Nguyễn Hải Ghi - khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, thời gian vừa qua khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận một số bệnh nhân mắc SXH đến khám và điều trị. Cá biệt có một số bệnh nhân đến với các triệu chứng của dấu hiệu cảnh báo hoặc SXH nặng có tổn thương cơ quan. Nguyên nhân là trong giai đoạn dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều bệnh nhân có triệu chứng sốt nhưng không đến khám ngay mà tự điều trị tại nhà dẫn đến bệnh tiến triển nặng lên, vào viện trong tình trạng tổn thương gan, thận hoặc các biến chứng nặng khác.


PGS. TS Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương: Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu

Bệnh sốt xuất huyết (SXH) hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh. SXH có thể gây thành dịch lớn, bệnh nặng có thể gây tử vong.

Người bệnh SXH có thể bị suy tuần hoàn cấp, thường xảy ra vào ngày thứ 3-7 của bệnh, biểu hiện bởi các triệu chứng như vật vã; bứt rứt hoặc li bì; lạnh đầu chi, da lạnh ẩm; mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu dưới 20 mmHg) hoặc tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp; tiểu ít. Chảy máu cam nặng (cần nhét gạc vách mũi), rong kinh nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng, đông máu nội mạch nặng…

Tất cả mọi bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế gần nhất (nếu có thể) để xác định chẩn đoán và hướng dẫn điều trị ngoại trú. Khi bệnh nhân khi chưa đến bệnh viện, cần bổ sung dịch sớm, đủ bằng đường uống, uống đủ và đúng: oresol; cháo/súp; hoặc nước cháo loãng với muối… Nếu sốt cao trên 38,5 độ C, cho thuốc hạ nhiệt, nới lỏng quần áo, lau mát bằng nước ấm. Paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10 - 15mg/kg cân nặng/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ. Tổng liều paracetamol không quá 60mg/kg cân nặng/24h. Không dùng nhóm salicylate (aspirin) và analgin, ibuprofen để điều trị vì có thể gây xuất huyết, toan máu.

BS Lê Thị Hải - nguyên Giám đốc Trung tâm khám & Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Quan trọng nhất là bù nước, điện giải như uống oresol

Do đặc điểm của bệnh SXH là bệnh nhân sốt cao, mệt mỏi nên ăn uống sẽ kém đi. Đặc biệt, trong SXH sợ nhất là tình trạng sốc, thoát huyết tương ra ngoài gây tình trạng cô đặc máu cho nên trong chế độ ăn uống cho người SXH quan trọng nhất là bù nước, điện giải như uống oresol.

Do bệnh nhân sốt cao kèm mất nước nên cần phụ nước đầy đủ, người bệnh nên uống các loại nước trái cây, nước quả ép (như cam, bưởi, nước chanh, nước dừa) vì chúng chứa nhiều khoáng chất và vitamin C tăng cường sức đề kháng, giúp thành mạch bền tốt hơn sẽ làm tình trạng bệnh giảm đi. Theo kinh nghiệm, có thể nghiền lá đu đủ, sau đó lọc chắt lấy nước uống cũng có tác dụng tốt cho bệnh nhân SXH.

Về chế độ ăn, bệnh nhân cần ăn những thức ăn lỏng và mềm như: ăn cháo, soup vừa giàu dinh dưỡng lại dễ hấp thu, có thể uống thêm sữa. Không nên ăn cơm, đồ cứng khó nuốt. Đặc biệt với trẻ em bị SXH, sữa là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất, nếu trẻ còn bú mẹ thì nên tiếp tục cho con bú. Khi cho trẻ ăn uống nên chia nhỏ bữa ăn và nước uống ra, không nên cho ăn dồn dập. Tích cực bổ sung các món ăn giàu chất đạm từ trứng, thịt, sữa… thực phẩm giàu vitamin A, giàu kẽm (thịt bò, gà…) tăng sức đề kháng chống lại bệnh SXH…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không chủ quan với sốt xuất huyết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO