Không có giám sát, tiền điện bị ghi vống?

Minh Phương 27/06/2020 09:34

Nhiều ý kiến cho rằng, lâu nay ngành điện luôn bị những “tai tiếng’ trong việc ghi hóa đơn, hay câu chuyện về giá điện thiếu hợp lý... một phần là do chưa có cơ chế giám sát đối với hoạt động của ngành điện.

Nếu ghi sai chỉ số công tơ, ai giám sát EVN?.
Nếu ghi sai chỉ số công tơ, ai giám sát EVN?. (Ảnh: Quang Vinh).

Tình trạng hóa đơn tiền điện tháng 5 và tháng 6 của người dân ở nhiều địa phương tăng cao bất thường khiến dư luận xã hội không khỏi đặt vấn đề: Không có sự giám sát, liệu ngành điện có cố tình ghi vống số tiền điện để kiếm chác, hưởng lợi? Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại cho rằng dù có ghi sai cũng không ai được hưởng lợi cả.

Tiền chênh lệch tự “bốc hơi”?

Sau khi hàng loạt khách hàng lên tiếng về việc hóa đơn tiền điện tăng bất thường, ngay lập tức EVN đã tổ chức đoàn kiểm tra tại Công ty Điện lực Thanh Xuân (thuộc Tổng công ty Điện lực Hà Nội) nhằm làm rõ những băn khoăn, nghi ngờ của dư luận xã hội liên quan đến vấn đề này.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh của EVN trình bày: Quá trình từ lúc ghi chỉ số, lập hoá đơn, phát hành hoá đơn, thông báo và khách hàng trả tiền điện... tất cả đều độc lập. Người ghi số điện hoàn toàn không tính hoá đơn, người lập hoá đơn thì không thu tiền điện...

Với cách giải thích đó, đại diện EVN khẳng định: “Không ai được hưởng lợi để cố tình làm sai”. Vậy không lẽ số tiền thu chênh lệch của khách hàng sẽ tự có chân chạy hay sẽ tự bay hơi?

Khỏi nói cũng biết những ngày qua dư luận bức xúc như thế nào vì tình trạng có quá nhiều hộ dân các tỉnh, thành bị vống số tiền phải nộp cho hóa đơn điện, lên đến vài chục lần. Theo nhiều hộ sử dụng điện, ngay cả khi trong tháng xảy ra dịch Covid-19, tất cả người lớn trẻ em đều ở nhà, các thiết bị điện được sử dụng tối đa thì hóa đơn tiền điện cũng không “căng” như tháng 5 và tháng 6.

Do đó, tiếng là được “nhà đèn” hỗ trợ tiền điện, song thực tế khách hàng lại phải chịu chi phí cao hơn cả khi không được hỗ trợ.

Đáng nói, có hộ bình thường chỉ sử dụng hết hơn 100 kwh/ tháng nay hóa đơn tiền điện cũng bị đội lên đến mấy chục triệu đồng. Thừa nhận những sai sót của ngành điện, ông Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, trong việc ghi chỉ số công tơ, vẫn còn một số nhân viên chưa làm tròn trách nhiệm.

Ông Dũng chia sẻ thêm, người đi ghi thì vậy, nhưng người ngồi ở văn phòng thấy tăng vài chục lần mà không phát hiện ra thì đó là thiếu trách nhiệm. Như vậy, rõ ràng, chính ngành điện cũng đã phải thừa nhận về những “sai sót” nhưng không thể lý giải theo kiểu nghe thì nghe không nghe thì thôi.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao càng hiện đại hóa (thay hàng loạt công tơ điện tử) nhà đèn lại càng mắc sai sót? Liệu có phải là sự cố tình nhầm lẫn để tăng doanh thu?

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thẳng thắn bày tỏ quan điểm, dư luận hoàn toàn có quyền bày tỏ sự bức xúc khi bỗng nhiên nhận được hóa đơn tiền điện tăng vọt lên hàng chục lần.

“Bình thường tôi chỉ trả khoảng 400.000 đồng/ tháng, bỗng dưng tháng này lên vài chục triệu đồng, trong khi lượng điện tiêu thụ vẫn thế, rõ ràng là có vấn đề...”, ông Long đặt nghi vấn.

Nhận định về quan điểm của ngành điện khi cho rằng: Không ai được hưởng lợi để cố tình làm sai, ông Long nêu quan điểm: “Hóa đơn tiền điện tăng cao, đối tượng hưởng lợi tất nhiên không phải ở những người ghi công tơ. Nhưng nếu ai đó cho rằng, ngành điện không được hưởng lợi gì là rất vô lý. Bởi nhà đèn cũng kinh doanh, khi bán được càng nhiều hàng đương nhiên càng có lợi. Đằng này khách hàng không sử dụng nhiều điện mà vẫn phải trả tiền cao, không lẽ EVN không có lợi?...”.

EVN cần phải được giám sát

Câu chuyện cần nhấn mạnh ở đây, theo ông Long, đó là ngành điện cần xem lại phương thức ghi chỉ số công tơ của mình.

“Đối với những ngành khác thì không sao, nhưng đối với riêng ngành điện, chỉ cần ghi chậm vài ba ngày, lập tức chỉ số công tơ đã nhảy lên bậc cao hơn, từ đó tất yếu tiền điện sẽ ở mức khác. Chỉ cần tháng trước ghi chỉ số ngày mùng 7 nhưng tháng sau ghi ngày 12 là số tiền trong hóa đơn đã khác rồi”, ông Long khẳng định.

Nhiều ý kiến cho rằng, lâu nay ngành điện luôn bị những “tai tiếng’ trong việc ghi hóa đơn, hay câu chuyện về giá điện thiếu hợp lý... một phần là do chưa có cơ chế giám sát đối với hoạt động của ngành điện.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), từ trước đến nay, người dân không tin vào ngành điện, lý do thì nhiều, nhưng đầu tiên chính là sự công khai, minh bạch đầu ra đầu vào của giá điện.

“Hiện việc ghi chỉ số công tơ có sai sót, cũng chỉ ngành điện vào thanh kiểm tra, hoàn toàn không có một tổ chức độc lập nào làm việc đó, nên rất thiếu khách quan. Nếu có sai sót, kiện cáo gì thì EVN xin lỗi thế là xong, hòa cả làng. Chính bởi vậy, lâu nay dư luận vẫn luôn nghi ngờ về tính minh bạch của EVN...”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Còn nói về cách tính biểu giá bán lẻ điện với 6 bậc như hiện nay, không ít người cho rằng, đó là nguyên nhân gây ra bức xúc của dư luận xã hội đối với ngành điện. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải loại bỏ cách chia bậc thang tới 6 bậc, vì chia ra 6 bậc trong khi giá điện ở bậc 6 cao hơn rất nhiều so với bậc 2, vô hình chung càng nắng nóng, nhà đèn càng có cơ hội thu tiền điện giá cao vì hầu hết các hộ khách hàng đều sử dụng đến mức của bậc 6.

Chính bởi vậy, có đề xuất nên gộp lại thành một bậc. Tuy nhiên, bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề xuất này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, như vậy sẽ không khuyến khích được người dân, DN tiết kiệm điện.

Ông Long lý giải thêm: Nếu đưa về một bậc thì người nghèo và người giàu tiêu thụ điện đều phải trả chi phí như nhau. Như vậy là không công bằng với người nghèo, còn người giàu thì tha hồ sử dụng điện. Việc chia ra bậc thang giá điện có bậc cao bậc thấp là để mức thấp nhất đảm bảo an sinh xã hội, người nghèo sử dụng ít điện sẽ chỉ trả 95% giá điện hiện hành. Các nước cũng chia bậc thang giá điện như vậy.

Tuy nhiên, ông Long cho rằng, điều quan trọng là quy định chỉ số tiêu thụ điện ở từng bậc và giá bán lẻ ở từng bậc sao cho hợp lý so với giá điện bình quân. Có như thế thì người nghèo mới không chịu thiệt, còn người giàu tiêu dùng nhiều điện phải trả nhiều hơn để tăng cường ý thức tiết kiệm.

Về cách tính biểu giá bán lẻ điện với 6 bậc như hiện nay, không ít người cho rằng, đó là nguyên nhân gây ra bức xúc của dư luận xã hội đối với ngành điện. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải loại bỏ cách chia bậc thang tới 6 bậc, vì chia ra 6 bậc trong khi giá điện ở bậc 6 cao hơn rất nhiều so với bậc 2, vô hình chung càng nắng nóng, nhà đèn càng có cơ hội thu tiền điện giá cao vì hầu hết các hộ khách hàng đều sử dụng đến mức của bậc 6.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không có giám sát, tiền điện bị ghi vống?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO