Không 'đánh trống bỏ dùi'

Hoàng Mai 05/05/2017 08:00

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (BCĐ) vừa ký ban hành Kế hoạch số 64-KH/BCĐTW và Quyết định số 65-QĐ/BCĐTW thành lập các Đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đối với 20 Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Việc ban hành những quyết định này chính là một bước nhằm cụ thể hóa kế hoạch công tác năm 2017 được BCĐ đề ra trong cuộc họp thường trực BCĐ hôm 17/4.

Tại cuộc họp kể trên của BCĐ, các thành viên đã bàn bạc, đồng ý kế hoạch và quyết định thành lập 8 Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo tiến hành kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm tại 20 tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đắk Nông, Kon Tum, Vĩnh Long, Ninh Thuận, Trà Vinh, Sóc Trăng. Cũng theo như kế hoạch đã được đề ra thì việc kiểm tra, giám sát nhằm nắm tình hình, đánh giá vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng và kết quả công tác phát hiện và xử lý tham nhũng; góp phần “nhận diện” và xử lý các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Trọng tâm được BCĐ nhấn mạnh là kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là những vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm. Mục tiêu hướng tới chính là làm sao để chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý tham nhũng thời gian tới.

Thực ra, quyết tâm chống tham nhũng lãng phí luôn được Đảng ta đặt ra và thực hiện từ lâu nay qua nhiều nhiệm kỳ Đại hội. Tuy nhiên, kể từ ĐH XI đến nay quyết tâm này đã được cụ thể hóa mạnh mẽ hơn.

Nhớ lại cách đây tròn 5 năm, tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Trung ương đã quyết định thành lập BCĐ trực thuộc Bộ Chính trị tái lập Ban Nội chính Trung ương với mong muốn Ban này vừa thực hiện chức năng một ban Đảng; vừa là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.

Vào thời điểm ấy, việc thành lập BCĐ và tái lập Ban Nội chính Trung ương chính là một bước đi cụ thể nhằm thực hiện mong muốn của Trung ương được Hội nghị lần thứ 4 khóa XI đề ra.

Trung ương khi ấy đã nhấn mạnh, phải kiên trì và đẩy mạnh nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), chú trọng cả phòng và chống tham nhũng, lãng phí; tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sớm khắc phục các nguyên nhân vừa nêu trên.

Quyết định thành lập BCĐ và các quyết định liên quan ra đời trên cơ sở Trung ương đã bàn bạc, đánh giá công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng kể từ trước năm 2012.

Tại Hội nghị lần thứ 5 khóa XI, Trung ương đã nhất trí đánh giá, từ khi Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) được ban hành, các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và cả hệ thống chính trị đã chủ động, tích cực vào cuộc. Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí đã có chuyển biến tích cực, nhất là trong phòng ngừa, công khai, minh bạch hóa hoạt động của bộ máy nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, quản lý tài sản công.

Trên một số lĩnh vực, tham nhũng, lãng phí từng bước được kiềm chế. Tuy nhiên, Trung ương cũng thẳng thắn nhận định: Công tác này chưa đạt được yêu cầu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng”.

Nhìn lại hoạt động của BCĐ và của cơ quan thường trực BCĐ suốt 5 năm qua mới thấy, khối lượng công việc là không hề nhỏ. Dù rằng, số lượng vụ việc do BCĐ Trung ương trực tiếp theo dõi chỉ đạo không nhiều nhưng đó đều là những vụ lớn, có nhiều tình tiết phức tạp đòi hỏi phải “bóc gỡ” khá mất công. Và, một điểm nữa rất quan trọng; đó là, đã là vụ án lớn thì mức độ ảnh hưởng và mức độ sai phạm kiểu dây chuyền là khó tránh khỏi.

Vì thế, làm sao để theo dõi, điều tra đưa ra truy tố xét xử phải đúng người, đúng tội, đúng vụ việc là một yêu cầu không hề thấp; mà tuyệt nhiên không thể nóng vội.

Đó cũng chính là lý do, vì sao, trong rất nhiều cuộc tiếp xúc cử tri kể từ sau khi Trung ương quyết định lập BCĐ, khi mà nhiều cử tri tỏ ra nôn nóng vì thấy chống tham nhũng dường như chưa mấy hiệu quả, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đảng ta rất quyết tâm chống tham nhũng, lợi ích nhóm và đây là cuộc chiến đấu cam go nhưng không thể không làm. Đảng, Nhà nước có tha thứ đâu cho nên dứt khoát phải đấu tranh kiên cường, nhưng phải kiên trì bằng nhiều biện pháp, bằng pháp luật”.

Cũng tại cuộc tiếp xúc cử tri ngay trước thềm kỳ họp thứ 2 QH khóa XIV nói về tham nhũng, lãng phí, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh: Đây là vấn đề nhức nhối không chỉ ở nước ta mà nước nào, giai đoạn, thời kỳ nào cũng có. Nhiều nước mất chính quyền, chế độ cũng vì tham nhũng.

Tham nhũng là ăn cắp của công, của Nhà nước; còn lợi ích nhóm là câu kết, móc ngoặc với nhau để làm hại Nhà nước và thực tế, không phải bây giờ mới xảy ra mà từ lâu rồi.

“Ở nhiệm kỳ nào Đảng ta cũng có Nghị quyết chống suy thoái, tức là chống ăn cắp của công, lãng phí, nhưng bây giờ nó rất nghiêm trọng là vì kinh tế thị trường, cạnh tranh lẫn nhau, xin-cho là phải quà cáp, biếu xén thì xảy ra tham nhũng”- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói và cho biết thêm, “tinh thần là có công thì thưởng công, còn có tội thì phải xử tội, chứ không phải xử nặng mới là nghiêm”.

Với tinh thần ấy, 5 năm qua nhiều vụ án lớn đã được lôi ra ánh sáng và hiện BCĐ vẫn đang tiếp tục đưa vào tầm ngắm nhiều vụ án khác mà trong cuộc họp mới đây nhất của BCĐ hôm 17/4, BCĐ đã nhất trí trong năm 2017 sẽ có kế hoạch kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 12 vụ án thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo.

Còn trước đó, trong năm 2016, từ những vụ án do BCĐ theo dõi, chỉ đạo khi được đưa ra xét xử, đã có 2 bị cáo lĩnh án tử hình, 1 bị cáo tù chung thân, 10 bị cáo tù có thời hạn từ 20 tháng đến 24 năm tù. Bên cạnh đó, từ các vụ án ấy, các cơ quan tư pháp đã khởi tố 11 bị can về các tội “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), trong đó riêng Trịnh Xuân Thanh bị khởi tố về cả 2 tội.

Chính trên những gì đã đạt được trong công tác phòng chống tham nhũng, nên việc thành lập các đoàn kiểm tra mới đây để kiểm tra, giám sát tại 20 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã được Tổng Bí thư, Trưởng BCĐ lưu ý rất rõ: “việc kiểm tra, giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí” và kết quả được yêu cầu báo cáo trước ngày 30-10 năm nay. Sự quyết liệt ấy, sự “không đánh trống bỏ dùi” ấy hy vọng sẽ đem lại kết quả cao trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không 'đánh trống bỏ dùi'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO