Không để thực phẩm bẩn 'lọt cửa'

QUỐC ĐỊNH 15/11/2022 07:56

Thống kê mỗi năm TP Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn thực phẩm các loại, trong đó chỉ có khoảng 1/3 lượng thực phẩm do thành phố tự chủ, số còn lại chủ yếu hàng hóa nhập từ các địa phương khác. Điều đáng lo ngại là một phần không nhỏ thực phẩm bẩn được “tuồn” qua các cửa ngõ mà không được kiểm soát.

Thực phẩm không rõ nguồn gốc bị cơ quan chức năng bắt giữ tại một điểm tập kết tại TPHCM.

Khó kiểm soát nguồn gốc thực phẩm

Vấn đề nhiều người tiêu dùng luôn băn khoăn là việc truy xuất nguồn gốc. Trên thực tế, thời gian qua, không phải tỉnh nào đưa nông sản về TPHCM tiêu thụ cũng truy xuất được, không ít sản phẩm ghi nguồn gốc sản phẩm ở cấp xã, huyện nhưng không ghi địa chỉ cụ thể. Hơn nữa, việc thu gom thịt, rau từ những nguồn nhỏ lẻ cũng khiến việc truy xuất nguồn gốc gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Bình Phương - Phó Giám đốc Kinh doanh tiếp thị, Công ty CP Quản lý & Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho biết, mỗi ngày chợ tiếp nhận hàng nghìn tấn hàng hóa các loại từ nhiều địa phương khác nhau nên lực lượng quản lý cũng không kiểm soát được hết.

Theo ông Phương, khi các chuyến hàng vào chợ, lực lượng quản lý chỉ có thể kiểm tra đăng ký nguồn hàng, mã hàng, số điện thoại người cung cấp hàng… tất cả ghi vào để khi cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra thì cung cấp thông tin để truy xuất ngược lại. Việc kiểm tra chất lượng, nguồn gốc, đóng gói, thông tin nhãn mác, bao bì trước khi đưa hàng lên xe là trách nhiệm của địa phương nơi xuất xứ hàng, hoặc trách nhiệm ở các trạm kiểm dịch động vật.

Ông Nguyễn Phước Trung - nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) TPHCM cho biết: “Không chỉ thịt mà ngay cả rau cũng được thu gom thông qua thương nhân, sau đó đưa lên xe tải từ nhiều nguồn khác nhau để đưa về thành phố tiêu thụ, chưa có cơ sở để chứng minh được đó là sản phẩm của hộ nào, xã nào…”.

Việc lấy mẫu kiểm tra chất lượng sản phẩm hiện nay cũng chưa ổn. Theo đó, sản phẩm khi đến TPHCM được lấy mẫu để kiểm tra, tuy nhiên, sau khi có kết quả thì sản phẩm đó đã được đưa đi tiêu thụ hết. Trong trường hợp lô hàng không đủ tiêu chuẩn, rất khó để tìm lại. Còn nếu tìm cách giữ hàng lại sẽ khiến chất lượng bị giảm sút. Hơn nữa, nếu kết quả kiểm tra âm tính thì cơ quan chức năng phải đền bù thiệt hại cho chủ lô hàng.

Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm TPHCM cho biết, từ đầu năm đến nay, kết quả đã thanh tra, kiểm tra trên 26.000 cơ sở kinh doanh, phát hiện 2.602 cơ sở vi phạm, xử phạt 633 cơ sở với tổng số tiền hơn 9,6 tỷ đồng, tịch thu/tiêu hủy gần 13.000kg và 33.971 đơn vị sản phẩm thực phẩm không đảm bảo chất lượng/không rõ nguồn gốc xuất xứ, đình chỉ hoạt động có thời hạn 2 cơ sở; tước quyền sử dụng giấy phép 1 cơ sở. Ngoài ra, các cơ quan chức năng thực hiện rà soát việc quảng cáo thực phẩm trên các trang mạng xã hội; đến nay, đã rà soát hơn 10.000 sản phẩm thực phẩm và thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các trang web kinh doanh và phát hiện 53 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm chuyển cơ quan chức năng theo dõi, xử lý theo quy định.

Nhân rộng chuỗi thực phẩm an toàn

Quy định của chuỗi cung ứng thì sản phẩm thực phẩm từ các tỉnh đưa về TPHCM tiêu thụ phải đảm bảo một số tiêu chí do TPHCM đặt ra như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến, vận chuyển, có thể truy xuất được nguồn gốc.

Ông Nguyễn Phước Trung cho hay, TPHCM được xem như là thị trường nhập khẩu thực phẩm của các tỉnh trong vùng. Hiện tại, TPHCM cũng đã triển khai thực hiện hàng chục chuỗi thực phẩm an toàn, gắn liền với chương trình chuỗi cung ứng thịt, rau do Bộ NNPTNT xây dựng.

Theo ông Trung, vấn đề các tỉnh cung cấp hàng hóa quan tâm là chính sách hỗ trợ chuỗi. Các tỉnh cần chính sách khung của Bộ NNPTNT về chính sách hỗ trợ để có cơ sở cho các tỉnh, thành ban hành chính sách đặc thù cho chuỗi. “Cần xây dựng và phát triển chuỗi sản phẩm an toàn, cũng như phát triển nguồn rau VietGAP, đồng thời phối hợp với các tỉnh tiếp tục xây dựng và phát triển những chuỗi thực phẩm, phối hợp với các tỉnh trong việc kiểm tra, giám sát, ngăn chặn những thực phẩm không an toàn lưu thông vào thành phố” - ông Trung nhấn mạnh.

Đại diện Ban chỉ đạo liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM đề nghị, cần tuyên truyền, nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm cho người dân, đồng thời nhà sản xuất kinh doanh cũng có kiến thức để tạo ra sản phẩm có chất lượng an toàn, bên cạnh đó ngành y tế cũng phối hợp với Sở NNPTNT, Sở Công thương trong công tác hướng dẫn những nhà sản xuất, những nhà kinh doanh làm sao tạo ra được những sản phẩm an toàn bằng cách phối hợp tạo nên một chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm, từ khâu sản xuất tới khâu phân phối đến các chợ. Và trên tinh thần đó, người dân có những địa điểm lựa chọn sản phẩm tốt.

Cũng bàn về trách nhiệm của doanh nghiệp, ông Nguyễn Diệp Pháp - Giám đốc một doanh nghiệp thực phẩm tại TPHCM cho rằng, doanh nghiệp kinh doanh phải thực hiện đúng tiêu chuẩn sản xuất: từ giống, quản lý dữ liệu nhật ký trồng trọt, dữ liệu hóa hết các thông tin trồng trọt từ gieo giống đến lúc thu hoạch, giúp cho người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc.

Hiện TPHCM đã phối hợp, ký kết với 50 cơ sở tại các tỉnh, thành xây dựng được trên 20 sản phẩm thuộc rau - củ - quả, thủy sản, thịt heo, thịt gia cầm… tham gia chuỗi thực phẩm an toàn với tổng sản phẩm trên khoảng hơn 40 nghìn tấn/năm. Đã có gần 500 điểm kinh doanh đăng ký công bố điểm kinh doanh sản phẩm an toàn.

TS Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT) cho biết, sản phẩm Việt Nam, nhất là hàng nông sản vào các chợ đầu mối (nơi tập trung, phân phối đi khắp nơi trong thành phố) hầu hết bao bì trắng, không có thông tin. Trong khi đó, nhiều mặt hàng có xuất xứ từ nước ngoài, chưa biết chất lượng thế nào nhưng hàng của họ thường có đóng gói, trên bao bì ghi thông tin đàng hoàng nhưng khi đưa ra chợ, các tiểu thương lại bóc hết thông tin trên bao bì, gây khó khăn cho việc kiểm soát.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không để thực phẩm bẩn 'lọt cửa'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO