Không đổi mới, khó cạnh tranh

Minh Phương 03/12/2020 07:30

Dưới tác động sản lượng đường giá rẻ ồ ạt tràn vào thị trường trong nước, giá đường thị trường nội địa của Việt Nam đã giảm xuống mức rất thấp, dẫn đến giá mía sụt giảm mạnh.

Sau nhiều năm duy trì chính sách bảo hộ đối với ngành mía đường, Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với ngành đường từ ngày 1/1/2020: Không giới hạn lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN và áp dụng mức thuế nhập khẩu 5%.

Như vậy, tính đến thời điểm này, đã qua 11 tháng thực hiện cam kết. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2020, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam tăng rất mạnh. Sau khi trừ đi lượng đường đã xuất theo loại hình sản xuất xuất khẩu, số lượng đường nhập khẩu thâm nhập vào thị trường trong nước lên đến 884.285 tấn, còn lớn hơn cả lượng đường sản xuất từ mía trong nước. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm 87,67%. Bên cạnh đó, lượng đường nhập khẩu từ các nước như Malaysia, Campuchia, Indonesia, Myanmar cũng gia tăng…

Dưới tác động sản lượng đường giá rẻ ồ ạt tràn vào thị trường trong nước, giá đường thị trường nội địa của Việt Nam đã giảm xuống mức rất thấp, dẫn đến giá mía sụt giảm mạnh. Thực tế này khiến cho ngành mía đường lâm vào tình trạng khó khăn: Nông dân bỏ ruộng vì trồng mía bị thua lỗ, nguồn nguyên liệu mía do đó thiếu trầm trọng dẫn đến số lượng nhà máy đường cũng bị hao hụt nặng nề, từ 40 nhà máy hoạt động nay chỉ còn 29 nhà máy.

Theo Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ, không nằm ngoài tầm ảnh hưởng tiêu cực từ Covid-19 và ATIGA, đường cuả Công ty này và các doanh nghiệp mía đường ở ĐBSCL đang bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi đường nhập chính ngạch từ nước ngoài, nhất là Thái Lan (được hưởng chính sách ưu đãi khi xuất khẩu). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ở ĐBSCL cũng bị cạnh tranh mạnh từ đường nhập lậu được bán với giá quá thấp so với giá đường được chế biến từ cây mía của nông dân.

Thực trạng này đẩy người dân trồng mía và doanhg nhiệp vùng ĐBSCL vào tình thế lao đao. “Khó khăn chồng khó khăn khi mà doanh nghiệp không chỉ trầy trật trong tiêu thụ mà còn gặp khó về tài chính. Doanh nghiệp phải vay tiền ngân hàng với lãi suất thương mại, mặc dù đường không bán được, bị tồn kho nhưng đến hạn phải trả lãi ngân hàng” - theo đại diện Tổng Công ty Mía đường Cần Thơ.

Tương tự, những tác động tiêu cực từ ATIGA cũng đang khiến nhiều DN mía đường khác dở sống dở chết. Xin nêu một ví dụ: Theo Công ty Mía đường Đắk Lắk, ATIGA khiến giá đường giảm sâu từ trên 14.000 đồng/kg niên vụ 2017-2018 xuống còn 10.500 – 11.000 đồng/kg trong niên vụ 2018-2019, cả nhà máy và nông dân đều thua lỗ rất nặng nề dẫn đến việc giảm đến 60% diện tích mía. Trong niên vụ 2019-2020 nhà máy thì cạn kiệt vốn đầu tư do thua lỗ, ngân hàng đóng băng tín dụng, nông dân thì không còn mặn mà với cây mía nên phá bỏ gốc mía, giảm đầu tư chăm sóc nên diện tích mía chỉ còn 2.004 ha, năng suất bình quân 45 tấn/ha. Sản lượng mía ép 78.000 tấn (12.000 tấn mía dùng để làm giống), sản lượng đường 7.900 tấn. Sản lượng mía và đường vụ này là sản lượng thấp nhất trong 15 năm qua của Công ty.

Trước thực tế này, theo ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, để cứu ngành mía đường trong nước và sinh kế của người nông dân trồng mía, Việt Nam hoàn toàn có thể quyết định áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với luật pháp quốc tế và các quy tắc giao thương của WTO đối với ngành đường là việc làm chính đáng nhằm bảo vệ ngành sản xuất, giúp tăng thu ngân sách và bảo vệ việc làm cho người trồng mía.

Tuy nhiên theo TS Lê Đăng Doanh, đã đến lúc ngành mía đường cần phải cơ cấu lại, nâng cao năng suất, đầu tư hiệu quả giảm giá thành để có thể cạnh tranh sòng phẳng.

“Cả khâu đầu tư gieo trồng lẫn chế biến của ngành mía đường đều phải tái cơ cấu lại. Hiện nay, nhiều nhà máy mía đường thua lỗ là do năng suất quá thấp, chỉ đạt 50 tấn/ha, trong khi ở nhiều nước lên đến 100 tấn/ha. Nếu các doanh nghiệp mía đường Việt Nam không cải thiện phương pháp canh tác để nâng cao năng suất và chất lượng cây mía nhằm hạ giá thành, thì chắc chắn họ sẽ khó sống do không thể cạnh tranh” - theo ông Doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không đổi mới, khó cạnh tranh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO