Không đợi nước đến chân mới nhảy

Bắc Phong 04/09/2020 08:30

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 35/CT-TTg về triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó thiên tai.

 Một trận lũ ở Sơn La.
Một trận lũ ở Sơn La.

Theo dự báo của cơ quan chức năng, mùa mưa bão năm nay đến muộn với khả năng xuất hiện khoảng 7 đến 9 cơn bão, trong đó khoảng từ 4 đến 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam; nguy cơ mưa lũ lớn dồn dập và kéo dài ở khu vực miền Trung; lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi phía Bắc và Bắc Trung bộ.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay đã xảy ra 16 loại hình thiên tai. Mưa lớn, giông lốc sét, mưa đá, động đất có xu hướng gia tăng. Thiên tai đã làm làm 78 người chết và mất tích; 2.109 nhà bị sập; 62.805 nhà bị hư hại, tốc mái; 4.601 nhà bị ngập; 121.852 ha lúa, hoa màu bị ảnh hưởng. Thiệt hại khoảng 5.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, trên phạm vi khu vực và thế giới, diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường. Từ ngày 2/6 đến cuối tháng 8/2020, vùng Đông Nam Trung Quốc đã xảy ra mưa lũ lịch sử trên 634 con sông, trong đó 53 con sông đã vượt mức lịch sử, một số khu vực đã ban bố mức cảnh báo cao nhất, đặc biệt sông Dương Tử (trong đó có đập Tam Hiệp lớn nhất thế giới) đã xảy ra 5 đợt lũ lớn liên tiếp. Trung Quốc và Việt Nam có hình thái địa lý “núi liền núi, sông liền sông” nên việc lũ lụt lớn tại Trung Quốc không thể không ảnh hưởng tới Việt Nam, đặc biệt khi những hồ đập chứa nước lớn xả lũ sẽ làm cho lưu lượng nước trên các dòng sông nước ta dâng cao và nhanh.

Trước những diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai; các cấp, các ngành, các địa phương đề cao cảnh giác, không được lơ là, chủ quan; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc khi chúng ta bước vào mùa mưa lũ. Làm tốt điều này cũng là để giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Những năm qua, chúng ta đã phải hứng chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ, từ đó dẫn tới sạt lở, vùi lấp. Tại khu vực miền núi phía Bắc, hoàn lưu bão hay là những trận mưa lớn kéo dài đã gây ra nhiều thảm họa, không chỉ hủy hoại tài sản, hoa màu của người dân mà trong nhiều trường hợp còn cướp đi sinh mạng con người. Người dân khu vực này thường làm nhà gần suối nên khi lũ đổ về đột ngột bao giờ cũng kéo theo hiểm nguy cùng với những con người vô tội bị cuốn trôi, nhấn chìm trong dòng nước dữ. Những đợt mưa từ đầu cho đến nửa cuối tháng 8 vừa qua, tuy không thật lớn nhưng cũng đã kịp gây ra bao thiệt hại cho nhiều địa phương miền núi phía Bắc, trong đó có Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La.

Nhưng, cũng không thể chỉ phòng, chống mưa lũ ngập lụt ở các tỉnh miền núi phía Bắc, vì thực tế cho thấy khi nước từ thượng nguồn đổ về thì hệ thống đê tại hạ du cũng lập tức bị đe dọa. Hệ thống đê điều tuy vẫn được thường xuyên tu bổ nhưng cần phải biết rằng “tổ kiến hổng, sụt toang đê vỡ”. Không thể chủ quan đợi nước đến chân mới nhảy, hậu quả sẽ không thể đo đếm.

Nhân đây, cũng cần thêm một lần cảnh báo rằng những năm gần đây mùa bão thường kéo dài và có xu hướng chuyển dịch về phía Nam, đặc biệt là đối với các tỉnh miền Trung, suốt từ Thanh Hóa trở vào cho đến Khánh Hòa. Đây là vùng duyên hải bão dễ đổ bộ và quần thảo trước khi suy yếu thành vùng áp thấp. Đây cũng là nơi có số lượng thuyền bè lớn, có nhiều cơ sở nuôi hải sản nên khi bão ập tới việc chống đỡ là rất khó khăn và thiệt hại là rất lớn.

Theo cơ quan chức năng, từ nay cho tới hết tháng 11, duyên hải miền Trung khả năng phải đón chịu nhiều cơn bão. Tại khu vực này, chỉ mấy tháng trước thôi lại diễn ra nắng nóng dữ dội, khô hạn kéo dài, ruộng đồng nứt nẻ, người dân thiếu nước sinh hoạt. Có thể nói, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, miền Trung đã và còn phải hứng chịu nhiều khó khăn.

Nói vậy không phải là khu vực Nam bộ không bị ảnh hưởng của mưa bão, từ nay tới cuối năm. Không ai có thể đoan chắc Nam bộ sẽ “thoát” khỏi bão, vì biến động của thời tiết là rất thất thường, hiện tượng cực đoan ngày một rõ hơn. Vì thế, việc chủ động phòng chống thiên tai tại “vùng đất yên ả” này vẫn phải được đề cao. Nếu chủ quan, khi bão ập vào thì xoay xỏa sẽ rất khó khăn và tổn thất cũng sẽ rất lớn.

Không đợi nước đến chân mới nhảy, ngay từ bây giờ phải thường trực ý thức ứng phó với thiên tai, nhất là với những cơn bão cuối năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không đợi nước đến chân mới nhảy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO