Không gian sáng tạo từ khu công nghiệp cũ

Minh Quân 01/11/2021 06:20

UBND thành phố Hà Nội đã chuẩn bị quỹ đất khoảng 450 hecta tại các khu công nghiệp để phục vụ cho việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội đô. Đây cũng xem là cơ hội “vàng” để xây dựng các không gian sáng tạo từ mặt bằng các khu công nghiệp cũ để lại.

Cơ hội nào cho không gian sáng tạo?

Tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO từ năm 2019, Hà Nội trong những năm qua đang nỗ lực để tạo ra các không gian sáng tạo nhằm tập trung, kết nối các nghệ sĩ, các nhà sáng tạo…

Theo số liệu thống kê, hiện nay trong nội thành Hà Nội có gần 60 không gian sáng tạo đang hoạt động như Complex 1, 282 design, Heritage Space... nhưng tất cả đều của đơn vị tư nhân. Ở đó, nếu xét về tổng thể chung thì các không gian sáng tạo của Thủ đô hoạt động khá đơn lẻ, thiếu sự đầu tư và khó lòng “cạnh tranh” với các dự án nhà chung cư, trung tâm thương mại về quỹ đất.

Cho dù, với 113 nhà máy sản xuất công nghiệp thuộc diện phải di dời đang được thực hiện từ năm 2019 đến nay được coi như nguồn quỹ đất lớn nếu Hà Nội chuyển đổi thành các không gian sáng tạo. Trong số các nhà máy cũ này một vài địa điểm đang rất có tiềm năng để chuyển đổi thành các không gian sáng tạo. Thậm chí mới đây, nhiều ý tưởng biến nhà máy cũ tại Hà Nội thành không gian sáng tạo đã được đưa ra với nhiều phương án có tính khả thi cao.

Có thể kể đến như phương án kiến tạo không gian sáng tạo Circle-Punk tại cơ sở Nhà máy Dệt kim Đông Xuân, 282 Workshop từ khu Nhà máy chế biến dầu cũ ở Long Biên, Quận đường tàu 4.0 tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm… Theo đánh giá chung, các ý tưởng đều thể hiện tính độc đáo, giải pháp mới mẻ, có độ gắn kết với văn hóa và môi trường. Nhưng tất cả những phương án trên đến nay vẫn chỉ là… ý tưởng.

Lý giải về “cái khó” này, theo ông Lê Quang Bình - điều phối viên mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” bày tỏ, hàng trăm cơ sở sản xuất công nghiệp sẽ phải di dời khỏi nội đô do ô nhiễm môi trường và không phù hợp quy hoạch. Nhưng việc di dời còn chậm trễ so dự kiến của thành phố. Theo thống kê của mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống”, trong số các nhà máy đã và đang di dời, phần lớn đã trở thành các cao ốc với mật độ dân số khá cao. Các di sản công nghiệp với kiến trúc đẹp như Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Nhà máy Dệt 8/3, khu Thượng Đình… đã trở thành những khu đô thị, tạo sức ép không nhỏ lên cơ sở hạ tầng cũ.

Ông Bình cũng cho biết, hiện các nhà máy thuộc diện di dời còn lại cũng đang “phân vân” về mục đích chuyển đổi. Đây được coi là cơ hội cuối cùng cho nội thành Hà Nội có thêm những không gian công cộng, không gian sáng tạo để phát triển thành phố một cách sáng tạo và theo hướng phát triển mạnh về công nghiệp văn hóa…

“Do đó, Nhà nước cần đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng khung pháp lý cho sự chuyển đổi, đầu tư vào việc chuyển đổi và có chính sách khuyến khích các thành phần khác tham gia vào việc chuyển đổi này” - ông Bình nói.

Phương án chuyển hóa chức năng sử dụng Nhà máy Dệt kim Đông Xuân.

Biến ý tưởng thành hiện thực

Có thể nói, tiềm năng để tạo các không gian sáng tạo của Hà Nội là vô cùng lớn, nhưng để thành hiện thực lại đang gặp những thách thức không hề nhỏ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Nghệ thuật Heritage Space chia sẻ, trên thế giới, đã có không gian nhà máy được chuyển hóa thành các trung tâm văn hóa sáng tạo. Trong đó, nghệ sĩ là những người đi đầu trong việc chuyển đổi. Ông Tuấn cũng gợi mở, sau khi di dời các nhà máy vẫn giữ lại được một số phần kết cấu hạ tầng, từ đó có thể quy hoạch và tổ chức lại không gian, khuôn viên xây dựng, rồi biến thành một khu văn hóa, giải trí, sáng tạo liên hợp. Nếu được quy hoạch rõ ràng, cụ thể, những nơi này có thể trở thành một địa chỉ văn hóa mới của đô thị, đem lại nhiều nguồn lợi khác nhau như kinh tế, khởi nghiệp sáng tạo, quảng bá hình ảnh, du lịch, đáp ứng nhu cầu giải trí, sinh hoạt cộng đồng.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thái Huyền, Phó Viện trưởng Đào tạo và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, khi chuyển đổi nhà máy cũ thành không gian văn hóa sáng tạo, cần đánh giá khả năng chuyển đổi dựa vào tình hình thực tế của cơ sở sản xuất công nghiệp với một số yếu tố. Đó là, chuyển đổi toàn phần hoặc một phần; tôn trọng và bảo tồn tối đa giá trị di sản kiến trúc công nghiệp; mục đích chuyển đổi phù hợp bối cảnh của thành phố như văn hóa, nghệ thuật, đời sống người dân; các xu hướng về thiết kế không gian mở, không gian giao lưu cộng đồng kết hợp yếu tố sinh thái phù hợp xu hướng phát triển bền vững. Từ đó lan tỏa giá trị của các di sản công nghiệp đến cộng đồng và các cấp chính quyền để bảo đảm sự đón nhận của cộng đồng, bảo đảm sự chuyển đổi được vận hành với sự tham gia của cộng đồng và các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương.

Thực tế cho thấy, trong quá trình đô thị hóa, các cơ sở công nghiệp hiện hữu đã, đang, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân và cản trở phát triển đô thị. Do vậy, việc di dời các cơ sở công nghiệp không phù hợp các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, gây mất cân đối về hạ tầng xã hội và kỹ thuật, giao thông, ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch chung là cần thiết và cấp bách.

Được biết, theo định hướng đối với việc sử dụng quỹ đất sau khi di rời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoài, sẽ là ưu tiên xây dựng các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị, không làm tăng chất thải, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Các cơ sở sản xuất công nghiệp có không gian, kiến trúc có giá trị về lịch sử, văn hóa, sẽ được nghiên cứu để thực hiện bảo tồn, tôn tạo. Với định hướng trên thì đây là cơ hội “vàng” cho các không gian sáng tạo ra đời nếu có sự chung tay của các quản lý và các nhà sáng tạo “có tâm, có tầm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không gian sáng tạo từ khu công nghiệp cũ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO