Không khí ô nhiễm- nhiều bệnh phát sinh

Vy Linh 16/10/2016 09:10

Cùng với sự phát triển kinh tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí đang gia tăng ở Hà Nội.

Trước tình hình đó, các chuyên gia y tế cảnh báo: Không khí ô nhiễm khiến bụi bẩn, những chất độc tính đi sâu xuyên qua màng lọc của phổi, hòa với máu gây ra nhiều bệnh nguy hiểm.

Ô nhiễm đáng lo ngại

Những ngày đầu tháng 10, người dân thủ đô vô cùng băn khoăn, lo lắng trước các thông số về ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà cơ quan môi trường Mỹ ghi nhận được tại số 7 Láng Hạ, quận Ba Đình, Hà Nội. Mặc dù các chuyên gia về môi trường và đại diện Đại sứ quán Mỹ đã trấn an dư luận rằng trị số nồng độ bụi PM2,5 do cơ quan môi trường Mỹ ghi nhận tại thành phố Hà Nội chỉ là trị số cực hạn đột xuất ở thời điểm bất thường, không đại diện cho mọi thời điểm và địa điểm trong toàn thành phố, song, chia sẻ với báo chí từ góc độ chuyên gia nghiên cứu về ô nhiễm môi trường, GS.TS Phạm Ngọc Đăng- Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cũng khẳng định, hiện nay thành phố Hà Nội đang bị ô nhiễm không khí nặng nề bởi bụi mịn và khí benzene.

Về nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm không khí ở Hà Nội, theo ông Đăng, có thể do bụi thải ra từ các ống xả của các phương tiện giao thông, bụi phát sinh từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, bụi phát sinh từ các hoạt động xây dựng, và việc đốt rác thải hoặc rơm rạ sau vụ mùa.

Cùng quan điểm, ông Hoàng Dương Tùng- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, tình hình ô nhiễm không khí ở Hà Nội hiện đang có dấu hiệu tăng lên và bụi đường, khói và tiếng ồn của xe máy, ôtô… đều thải vào bầu không khí của thành phố, trong đó có chất thải từ lượng ô tô, xe máy quá nhiều. Hiện thống kê có khoảng hơn 5 triệu xe máy và hơn 500 nghìn chiếc ôtô trên địa bàn thành phố Hà Nội. Không chỉ dừng ở đó, số lượng xe máy được dự báo sẽ tăng 11% và xe ôtô sẽ tăng khoảng 17% mỗi năm. Ước tính, tới năm 2020, sẽ có gần 1 triệu ôtô và 7 triệu xe máy tham gia lưu thông trên các đường phố Hà Nội.

Theo các chuyên gia về môi trường, Hà Nội còn có hàng trăm cơ sở công nghiệp, trong đó phần lớn các cơ sở có khả năng gây ô nhiễm không khí. Ngoài ra, còn phải kể đến mùi hôi thối nồng nặc từ các chuyến xe thu gom, vận chuyển rác ngay trên tất cả các con phố ở Hà Nội, theo gió di chuyển, quyện vào không khí. Chất lượng không khí còn được đo bởi tình trạng ô nhiễm các khí như SO2, CO… từ khói thuốc lá, khí thải từ đun than, củi…

Gây nhiều bệnh mãn tính

Về ảnh hưởng của ô nhiễm không khí, PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh- nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai -Mũi - Họng Trung ương cho hay: Với chỉ số ô nhiễm không khí cao, sức khỏe của con người sẽ bị ảnh hưởng toàn diện. Theo đó, mắt sẽ là bộ phận ảnh hưởng đầu tiên bởi đây là nơi tiếp xúc trực tiếp đầu tiên với bụi bặm. Tiếp theo sẽ là mũi, cửa ngõ của đường hô hấp. Bụi bẩn, chất độc đi vào qua mũi sẽ tác động đến tai, vòm họng, đường hô hấp và đặc biệt là phổi. Khi đó sẽ sinh ra các bệnh nhẹ thì sổ mũi, nặng hơn thì viêm phế quản, viêm phổi, viêm xoang và nặng nhất là hen suyễn.

Bác sĩ Dinh phân tích: Không khí ô nhiễm dày đặc khiến bụi bẩn, những chất độc tính đi sâu xuyên qua màng lọc của phổi, hòa với máu và ngấm vào các thành mạch gây nên tình trạng xơ vữa. Từ đó gây ra các bệnh nguy hiểm khác như đột quỵ, suy tim, cao huyết áp… Sống trong môi trường không khí ô nhiễm, thần kinh cũng bị ảnh hưởng bởi các tác động liên quan của các cơ quan trong cơ thể. Con người lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng, stress. Ngoài ra, vi khuẩn, virus, nấm mốc cũng có trong thành phần không khí ô nhiễm nên tiếp xúc dài lâu cũng có thể mắc các bệnh về da liễu như mụn, dị ứng, viêm gan. Ô nhiễm không khí còn gây ra các bệnh tiêu hóa như tiêu chảy, đau bao tử… do nguồn thức ăn, môi trường sống không được bảo đảm.

BS Vũ Văn Thành- Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính (Bệnh viện Phổi Trung ương) cũng cho biết, những hạt bụi có kích thước PM dưới 2,5 micromet có thể vào sâu trong phế quản và phế nang, hết sức nguy hiểm. Những hạt có kích thước trung bình sẽ bị giữ lại ở niêm mạc - lớp thảm nhầy nhung mao. “Chúng ta có thể hình dung niêm mạc như tấm thảm, trên bề mặt có những chất nhầy. Khi các hạt vào, thảm này có chức năng bắt giữ lại và theo nhu động ngược chiều đẩy từ dưới lên trên. Qua phản xạ ho, các hạt bị đẩy ra ngoài”- BS Thành phân tích.

Theo BS Thành, có thể hiểu đây là cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể con người. Điều đó lý giải nhiều người tuy hít phải bụi trong không khí, không phải ai cũng mắc bệnh. Song đáng lo ngại là những hạt có kích thước nhỏ dưới 2,5 micromet, “tấm thảm” trên không chặn được. Bụi sẽ lọt vào phế nang. Tích lũy đến khi đủ lượng, chúng sẽ gây bệnh.

Đồng quan điểm, theo GS.TS. Phạm Kiên Hữu- Trưởng khoa tai mũi họng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, những người sống, tiếp xúc với các chất ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe ngắn hạn và lâu dài. Vì thế ngày càng nhiều người bị mắc các bệnh có liên quan đến ô nhiễm. Mức độ mà một cá nhân bị tổn thương do các chất ô nhiễm trong không khí sẽ phụ thuộc vào tổng số tiếp xúc của người đó với các hạt bụi và các chất hóa học, hay nói cách khác là thời gian tiếp xúc và nồng độ của các chất gây ô nhiễm gây tác động ngắn hạn và dài hạn lên sức khỏe. Một số tác động ngắn hạn như phản ứng dị ứng (da, kết mạc, viêm dị ứng), viêm mũi và họng, lên cơn hen suyễn, viêm phế quản co thắt, viêm phổi, khó thở, đau đầu và buồn nôn. Về lâu dài, ô nhiễm không khí còn gây các bệnh đường hô hấp mãn tính, sau 5 -10 năm sẽ gây ung thư phổi, bệnh tim mạch, tâm phế mạn, thiệt hại cho não và dây thần kinh, gan, thận.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo một số biện pháp nhằm hạn chế tác hại của ô nhiễm không khí trong môi trường bên ngoài như đeo khẩu trang hoạt tính, kính chắn bụi mỗi khi ra đường, hạn chế ra đường trong giờ cao điểm.Khi về nhà cần thay quần áo và tắm gội ngay. Sau đó, rửa sạch mũi với nước muối sinh lý dạng phun sương hay dạng dung dịch pha rồi bơm trực tiếp vào mũi, sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mắt.

Thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, không hút thuốc lá, không khởi động xe máy bên trong nhà.Nơi đun nấu cần thoáng khí để hạn chế khói than, khói bếp khi đun nấu tích tụ trong nhà. Khi xuất hiện các triệu chứng như ho, khó thở, đau ngực, ho khạc đờm... người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để được tư vấn và điều trị kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không khí ô nhiễm- nhiều bệnh phát sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO