Không mặn mà

Lê Anh Đức 25/04/2017 08:00

Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội ngày càng trở nên cấp thiết. Để làm được việc đó thì không gì khác hơn là phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật dưới mọi hình thức một cách rộng rãi. Đây chính là “cầu nối” để đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Muốn thực hiện được điều đó thì chỉ với nguồn lực của Nhà nước là không đủ, cần có thêm sức mạnh của nguồn lực xã hội.

Tại Điều 4, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 (có hiệu lực thi hành năm 2013) đã quy định rất rõ về xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Nhà nước khuyến khích và có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật. Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội của từng thời kỳ, Chính phủ quy định cụ thể chính sách hỗ trợ đối với việc thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật.

Cũng trong năm 2013, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 1133/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2013 - 2016”. Hành lang pháp lý này thể hiện chủ trương mang tính đột phá, được xem là một trong những cơ sở quan trọng nhằm huy động nguồn lực xã hội cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Tuy nhiên, để chính sách này phát huy hiệu quả trên thực tế lại không hề đơn giản, cần có các giải pháp thực hiện mang tính quyết liệt, bứt phá hơn nữa.

Thực tế đã chứng minh rằng việc xã hội hóa phổ biến giáo dục pháp luật thật sự rất khó khăn. Chẳng thế mà Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Quyết định 1133 của Thủ tướng Chính phủ đã có hiệu lực thi hành tới gần 4 năm trời, nhưng điểm lại thì việc xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế.

Trong Đề án mà Thủ tướng phê duyệt đã giao cho Hội Luật gia Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Song, thử hỏi bao nhiêu cá nhân, doanh nghiệp tham gia xã hội hóa phổ biến, giáo dục pháp luật?

Hầu như năm nào Hội Luật gia Việt Nam cũng tổ chức hội thảo để sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2013 - 2016” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tại các cuộc hội thảo có rất nhiều ý kiến hay, những bài tham luận sắc sảo đánh giá về những mặt mạnh và hạn chế trong việc triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật. Song, vấn đề ở chỗ tất cả cũng chỉ dừng lại ở việc nói hay mà chưa làm giỏi. Đây cũng chính là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến việc xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật suốt những năm qua vẫn chưa có chuyển biến.

Hội Luật gia cũng có cái khó của mình trong việc triển khai thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2013 - 2016”.

Bởi lẽ, để thực hiện nhiệm vụ này không chỉ đòi hỏi phải có lực lượng tuyên truyền viên hùng hậu với trình độ, năng lực pháp lý vững vàng ở mọi nơi, mọi lúc, mà còn cần nguồn kinh phí đầu tư tương xứng mới có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong khi đó các cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội lại không mặn mà.

Đáng buồn là qua thời gian dài triển khai thực hiện, đến nay “dấu ấn” về công tác này còn chưa rõ nét. Nguyên nhân dẫn tới việc khó khăn trong việc xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật không chỉ từ các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai, mà còn do người dân, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này.

Họ không mặn mà bởi không nhìn thấy lợi ích thiết thực trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Vẫn biết đây là dịch vụ công khó có thể thu lợi nhuận, song chí ít thì những người dám “chi” cũng mong sẽ nhận lại được gì từ việc làm trên.

Việc phổ biến, giáo dục pháp luật là hoạt động vì cộng đồng, hướng đến lợi ích của cộng đồng, của nhân dân, là hoạt động không thu phí, không đưa lại lợi ích tức thời trước mắt. Do đó, cần những chính sách cụ thể hơn để thu hút sự quan tâm, đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cho công tác này.

Trong khi đó, tại Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, Nghị định 28/2013/NĐ-CP của Chính phủ lại quy định chưa rõ nét về các cơ chế, chính sách đối với những cá nhân, tổ chức tham gia xã hội hóa phổ biến, giáo dục pháp luật.

Chẳng hạn như phạm vi, mức độ xã hội hóa công tác này đến đâu, như thế nào thì chưa được đề cập. Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện như thế nào đối với người tham gia, cách thức huy động các nguồn lực xã hội đóng góp ra sao, người tham gia hưởng lợi gì... thì hoàn toàn chưa cụ thể.

Để thật sự “mở đường” cho việc xã hội hóa phổ biến, giáo dục pháp luật tiến xa hơn, cần có thêm cơ chế và những giải pháp thực hiện mang tính quyết liệt.

Song song với việc xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan chức năng về nhiệm vụ trong công tác xã hội hóa phổ biến, giáo dục pháp luật, cũng cần cụ thể hóa sự ưu đãi, hỗ trợ đối với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để họ thấy được lợi ích từ việc tham gia phổ biến giáo dục pháp luật mà hào hứng, nhiệt tình hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không mặn mà

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO