Không thể chỉ trả lời cho có

H.Vũ (thực hiện) 11/05/2020 07:30

Một vấn đề được đặt ra là làm sao nâng cao chất lượng việc trả lời kiến nghị khi trong 1.951 kiến nghị gửi đến Chính phủ thì đã giải quyết, trả lời 1.858 kiến nghị, nhưng trong đó 1.498 kiến nghị, chiếm 80,62% được giải trình, cung cấp thông tin; và chỉ có 136 kiến nghị đã giải quyết xong, chiếm 7,32%. Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã trao đổi với Đại Đoàn Kết về vấn đề này.

Không thể chỉ trả lời cho có

Ông Phạm Văn Hòa.

PV: Thưa ông, từ con số 80,62% kiến nghị được trả lời theo kiểu giải trình, cung cấp thông tin, còn kiến nghị đã giải quyết xong chỉ chiếm 7,32%, cá nhân ông có suy nghĩ gì?

Ông Phạm Văn Hòa: Tôi cho rằng, thời gian qua những kiến nghị của cử tri phần lớn đã được các bộ, ngành trả lời. Tuy nhiên có một số bộ, ngành trả lời mang tính chất thông báo tình hình cho người dân và cử tri biết. Đây là vấn đề cần soi và xem xét lại cho phù hợp với thực tiễn và tình hình thực tế. Trước vấn đề này, những ĐBQH có trách nhiệm cần theo dõi xem phần trả lời của các bộ, ngành có phù hợp hay không? Qua đó có phản hồi. Nếu thấy phần trả lời như vậy là đúng, phù hợp thì thông báo lại cho cử tri những vấn đề đó để cử tri biết. Còn nếu bộ, ngành trả lời chung chung, trả lời kiểu cho có, với trách nhiệm của mình, các ĐBQH phải có chất vấn các bộ, ngành có liên quan để họ nhận thấy trách nhiệm của mình, và cần trả lời cho tốt hơn. Bên cạnh đó, các ĐBQH cần có suy nghĩ rằng khi mình có tiến hành chất vấn và phiếu gửi chất vấn. Nếu thấy phần trả lời của các bộ, ngành chưa hài lòng, không đúng theo vấn đề chất vấn cần truy vấn. Hỏi cho “đến nơi đến chốn” chứ không thể chấp nhận việc chất vấn, hay gửi phiếu chất vấn còn các cơ quan chức năng trả lời cứ “êm ru”. Nếu trả lời chung chung mà ĐBQH không nói gì là chưa thể hiện đúng chức năng nhiệm vụ quyền hạn của từng ĐBQH, chưa thể hiện hết vai trò, trách nhiệm của mình đối với cử tri.

Từ số kiến nghị được giải quyết xong chỉ chiếm hơn 7%, ông có nghĩ các bộ, ngành vẫn thiếu trách nhiệm trong trả lời cử tri? Dù những phản ánh của cử tri đều là những vấn đề rất bức xúc?

- Khi những kiến nghị, cử tri hỏi A, nhưng bộ, ngành trả lời B thì Ban Dân nguyện, đoàn ĐBQH và ĐBQH phải phản hồi và đề nghị bộ ngành đó phải trả lời cho đúng yêu cầu, kiến nghị của cử tri. Như vậy mới sát và phù hợp với yêu cầu thực tế. Không thể để xảy ra trường hợp “đánh trống bỏ dùi”, để những kiến nghị của cử tri phản ánh, còn bộ, ngành trả lời như thế nào, ra làm sao, thì tùy bộ, ngành. Nếu mình không có sự phản hồi, phản biện đối với bộ, ngành đó thì người dân đâu có biết được. Cho nên khi bộ, ngành trả lời kiến nghị của cử tri phản ánh tại các cuộc tiếp xúc, tôi cho rằng mỗi đoàn ĐBQH, mỗi ĐBQH cần chuyển cho các bộ, ngành trả lời. Đồng thời theo dõi xem những bộ, ngành nào trả lời đúng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của cử tri. Nếu trả lời chưa đúng theo nguyện vọng của cử tri phải kiến nghị, phản hồi lại để các bộ, ngành phải trả lời lại. Đó mới là đòi hỏi của thực tiễn và thể hiện hết tinh thần trách nhiệm của từng ĐBQH trước kiến nghị của cử tri.

Vấn đề “cử tri hỏi một đằng, bộ, ngành trả lời một nẻo” đã diễn ra nhiều năm qua, nhiều kiến nghị nhưng không được giải quyết. Theo ông chúng ta cần có giải pháp nào để xử lý trách nhiệm đối với những bộ, ngành trả lời kiểu... cho có?

- Khi cử tri hỏi một đằng, bộ, ngành trả lời một nẻo thì các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn ĐBQH, các ĐBQH có trách nhiệm phản hồi và đề nghị các bộ, ngành trả lời cho đúng. Nếu họ cứ “ầu ơ”, ĐBQH phải “truy” cho đến cùng để họ trả lời cho đúng thực tiễn. Nếu họ chối quanh, các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn ĐBQH và ĐBQH cần giám sát, truy vấn cho đến cùng những yêu cầu mà cử tri đề ra.

Trong một nhiệm kỳ, Quốc hội có lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Vậy với những trường hợp bộ, ngành trả lời lòng vòng thì ĐBQH có thể bỏ phiếu tín nhiệm thấp đối với tư lệnh ngành đó để đưa ra mức tín nhiệm, thưa ông?

- Đó là quyền của ĐBQH. Từng ĐBQH sẽ có quyền để bỏ phiếu tín nhiệm gồm: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp vào cuối nhiệm kỳ. Từng ĐBQH cũng phải nhìn nhận thận trọng, khách quan, công tâm, vô tư trong bỏ phiếu tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp đối với từng thành viên của Chính phủ.

Kết quả của việc lấy phiếu cũng là một căn cứ để Đảng xem xét bố trí cán bộ cho nhiệm kỳ tới. Do đó các tư lệnh ngành càng cần phải nâng cao trách nhiệm của mình trong trả lời kiến nghị của cử tri, thưa ông?

- Đúng vậy. Đây là một trong những căn cứ để bổ nhiệm, bố trí những lãnh đạo cấp cao của Trung ương. Tất nhiên tùy theo nhiệm kỳ vì có những thành viên Chính phủ sắp tới sẽ hết tuổi để tái cử, và còn những người đủ tuổi tái cử. Cho nên có hai vấn đề đó là dù ĐBQH có bỏ phiếu ra làm sao cũng không ảnh hưởng tới những cán bộ sắp hết tuổi, còn đối với người còn tuổi tái cử thì đây là vấn đề rất quan trọng.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thể chỉ trả lời cho có

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO