Không thể để báo chí ‘tự bơi’

Mai Loan - Hoài Vũ (thực hiện) 21/06/2021 09:36

Hơn 40 năm tuổi nghề, trải qua nhiều vị trí công tác khác trong ngành báo cho đến nay, nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021), nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã có những trải lòng về nghề với Báo Đại Đoàn Kết.

Nhà báo Hồ Quang Lợi. Ảnh: Quang Vinh.

PV: Với tư cách là người từng làm công tác quản lý báo chí và là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về hoạt động báo chí trong thời gian qua?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Nhìn lại năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, báo chí nước nhà đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật, gắn với các sự kiện quan trọng cũng như những nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức của đất nước.

Báo chí đã bám sát, phản ánh sống động các diễn biến của Đại hội Đảng; đã đi vào các vấn đề thực chất của đời sống xã hội trên mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, trong một năm rưỡi qua, đất nước đã đối mặt với những khó khăn gay gắt do đại dịch Covid-19. Chúng ta ngay từ đầu đã xác lập được chiến lược đúng đắn chống Covid-19. Không dừng ở cách ly, phong tỏa mà đề ra chủ trương “mục tiêu kép” vừa kiểm soát dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội. Việt Nam đã thành công ngoạn mục, trở thành điểm sáng trong phòng chống Covid-19 toàn cầu. Trong thành công chung của chống dịch Covid-19, có đóng góp rất quan trọng của báo chí - 1 trong 4 lực lượng tiên phong trên mặt trận chống dịch.

Như ông chia sẻ, báo chí có vai trò quan trọng trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Vậy đâu là thành công của báo chí trong cuộc chiến chống dịch, thưa ông?

- Báo chí đã làm tốt công tác tuyên truyền, đã làm bật lên tinh thần đoàn kết, chung ý chí, hành động của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương; tất cả hoạt động nhịp nhàng trong một guồng máy chống dịch bài bản, khoa học. Qua đó cho thấy sức mạnh của một thể chế chính trị được nhân dân ủng hộ. Tôi cho rằng đại dịch lần này chính là đợt khảo nghiệm, sát hạch rất cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, hệ thống chính quyền các cấp ở Việt Nam. Nhà nước, hệ thống chính quyền của chúng ta thực sự vì dân, luôn đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, tạo niềm tin và cảm hứng cho người dân trong cuộc sống và nhìn tới tương lai để đi tới.

Bên cạnh dịch bệnh, đất nước còn đối mặt với thiên tai, lũ lụt, hạn hán. Những thông tin, hình ảnh, thước phim được báo chí cập nhật thường xuyên không kể ngày đêm về cuộc chiến khốc liệt chống thiên tai đã tạo nên xúc cảm lớn về tình đoàn kết, tương thân tương ái của người Việt. Hình ảnh báo chí phản ánh về hàng trăm cán bộ chiến sĩ trần mình dưới nước cứu dân, trần mình dưới nắng, dưới bùn đi tìm kiếm những người dân bị mất tích trong hàng tháng trời đã cho thấy tinh thần Đảng, Chính phủ, chính quyền các cấp không quên ai, không “để ai bị bỏ lại phía sau”.

Theo ông trong bối cảnh hiện nay, người quản lý báo chí cần có những phẩm chất gì để đưa tờ báo vượt thoát khỏi những khó khăn”cơm áo gạo tiền” và tiếp tục khẳng định mình ?

- Trước hết người đứng đầu cơ quan báo chí phải có bản lĩnh chính trị. Nhưng bản lĩnh chính trị đó phải được thể hiện trong quá trình lãnh đạo, điều hành cơ quan báo chí. Tôi cho rằng, Tổng Biên tập là ngọn cờ trong cơ quan báo chí bằng sự nêu gương. Không chỉ mẫu mực về nghề, mà còn phải kết nối mọi người. Nề nếp, kỷ cương trong cơ quan báo chí cũng từ người Tổng Biên tập. Nếu ở đó có “đánh đấm”, phe cánh chắc chắn môi trường làm việc sẽ bị xô lệch, thậm chí ngòi bút có thể bị bẻ cong. Đạo đức làm nghề là vô cùng quan trọng. Nếu báo chí là tấm gương soi của xã hội thì Tổng Biên tập là tấm gương soi của chính cơ quan báo chí đó.

Trong bối cảnh đó, theo ông, Tổng Biên tập cơ quan báo chí phải làm sao để khi đi giữa “lằn ranh” của sự tử tế và sự xô bồ mà không bị ngã về hướng xô bồ?

- Trước hết báo chí phải đúng đắn trong mục đích phục vụ. Nhà báo cần phải làm nghề theo phương châm công tâm, khách quan, tôn trọng sự thật để từ đó lan tỏa cái tốt, cái đẹp, chống lại cái xấu, cái tiêu cực, bảo vệ công lý và lẽ phải. Phải xác định lý tưởng làm nghề, tâm thế làm nghề đúng đắn.

Nếu xác định mục đích sai lệch, nếu không khách quan, công tâm chính trực làm sao có thể nói rõ sự thật và bảo vệ sự thật, công lý lẽ phải! Tôi cho rằng tòa soạn như một cơ thể sống và Tổng Biên tập là người giữ nhịp độ và tạo năng lượng cho cả cơ thể đó. Do đó, Tổng Biên tập không thể độc đoán, chuyên quyền, mà phải là trung tâm đoàn kết để hội tụ khát vọng, ý chí, nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo của cả tập thể người làm báo. Đặc biệt, phải biết lắng nghe, vì “một con chim én không thể làm nên mùa xuân”.

Triển lãm ảnh báo chí trên phố đi bộ ven hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Từng làm Tổng Biên tập một tờ báo lớn, theo ông báo chí nói chung và những người lãnh đạo cơ quan báo chí nói riêng đang phải chịu những thách thức nào?

- Tôi cho rằng thách thức của báo chí, của mỗi Tổng Biên tập hiện nay không chỉ là làm sao để tờ báo có chất lượng tốt mà còn là vấn đề bảo đảm nguồn thu. Tự chủ tài chính là vấn đề nóng của báo chí hiện nay. Những năm trước, làm báo tốt là hoàn thành nhiệm vụ nhưng bây giờ báo chí đang ở trong không gian kinh tế thị trường đòi hỏi sự tự chủ, tính cạnh tranh cao. Nguồn thu của báo chí đang là câu chuyện lớn. Tuy nhiên, tôi nghĩ, báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị nên không thể để báo chí “tự bơi” một cách đơn độc trong cơ chế thị trường đầy bụi bặm, cạm bẫy... Còn bản thân báo chí thì không thể trông chờ, ỷ lại, dựa dẫm mà phải chủ động đưa ra các kế sách tăng nguồn thu, trong đó có cả việc thu phí từ chất lượng nội dung tác phẩm báo chí.

Vậy theo ông Nhà nước cần có chính sách gì để hỗ trợ báo chí ở thời buổi báo chí đang phải vật lộn trong sự sống còn của kinh tế thị trường nhưng vẫn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị ở mức cao nhất?

- Đây là vấn đề chiến lược mang tầm quốc gia, trong đó có thể chế, cơ chế, biện pháp cụ thể ở từng thời điểm. Ví như, lúc này báo chí đang “ra trận” cùng cả nước chống Covid-19, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, quảng cáo trên báo chí đang bị giảm sút nên nguồn thu của báo chí đang gặp vấn đề lớn, rất cần Nhà nước có biện pháp cụ thể để hỗ trợ; nhưng về lâu dài tôi cho rằng cần có chiến lược tổng thể trung và dài hạn cho sự phát triển bền vững của nền báo chí nước nhà.

Một vấn đề đang đặt ra hiện nay đối với báo chí là báo in đang giảm lượng phát hành, vì thế, trên thế giới và cả ở Việt Nam, nhiều cơ quan báo chí hiện đang phải chuyển hướng sang làm báo điện tử. Ông có cho rằng một lúc nào đó, báo in sẽ đến hồi “cáo chung”?

- Mỗi lần cầm trên tay tờ báo in, tôi lại nghĩ có thể đến một lúc nào đó những tờ báo in như thế này không còn tồn tại nữa thì sao. Lúc đó trong tôi trào dâng cảm xúc khó tả. Tôi nhớ đến thống kê gần đây về sự sụt giảm lượng phát hành của báo in trên thế giới và cả ở Việt Nam.

Phải nói rất thật, mỗi khi cầm tờ báo in tôi luôn cảm thấy một sự gần gũi. Đó là sự kết nối ấm áp giữa những con chữ được in trên giấy với người đọc. Vì thế, tôi tin, báo in với tôi và hàng triệu độc giả vẫn luôn có hấp lực riêng. Tôi luôn ủng hộ cái mới nhưng tôi cũng luôn có thiện cảm với báo in, một loại hình báo chí truyền thống đã ra đời từ mấy trăm năm nay. Tôi nhìn thấy trong đó một giá trị bền vững của độ tin cậy. Với tôi, báo in như một “bảo tín của niềm tin” trong thời đại số. Vì thế, tôi tin báo in sẽ không biến mất trong sự “hỗn mang” của thị trường báo chí.

Trân trọng cảm ơn ông!

“Trong hệ thống báo chí có nhiều tờ báo in nổi tiếng đã trở thành “máu thịt” của xã hội, công chúng. Trong đó có Đại Đoàn Kết -tờ báo có lịch sử vẻ vang, đáng tự hào. Báo điện tử cứ phát triển, và là sự hỗ trợ đáng kể cho báo in. Báo in nếu biết cách làm vẫn có “đất sống”. Hãy nuôi cho mình hy vọng, quyết tâm để đổi mới tờ báo in. Có nhiều báo in lớn của Việt Nam và của thế giới tuy giảm phát hành nhưng vẫn tiếp tục trụ vững để tìm hướng đi mới. Nói vậy để thấy báo in vẫn còn tương lai”- nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thể để báo chí ‘tự bơi’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO