Mỗi khi ở nơi nào đó có rừng bị phá, động vật hoang dã bị săn bắn, bẫy bắt, dư luận lại được nghe những cụm từ “lực lượng mỏng”, “địa bàn rộng”, “lâm tặc tinh vi”... từ cán bộ có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng. Những cụm từ khá quen thuộc này được lặp lại sau khi các phương tiện truyền thông đăng tải hình ảnh thương tâm về động vật hoang dã ở Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sơn Trà liên tục bị dính bẫy kẹp (một loại bẫy có công năng và hình dạng như chiếc cùm sắt, cực kỳ nguy hiểm đối với cả con người).
Sau khi Báo Đại Đoàn Kết đăng tải phản ánh động vật hoang dã (chồn bạc má) dính bẫy kẹp ở KBTTN Sơn Trà vào ngày 4/4; ngày 2/5, chúng tôi tiếp tục được một nhiếp ảnh gia cung cấp hình ảnh 1 cá thể khỉ bị bẫy kẹp dính chặt vào tay, đang đau đớn chạy trốn. Nhiếp ảnh gia cho biết, anh chụp được bức ảnh nói trên vào lúc 15h chiều 1/5 tại một đoạn dốc của tuyến đường công vụ Yết Kiêu - Hố Sâu. Trên facebook cá nhân, nhiếp ảnh gia đã sử dụng 2 chữ “bất lực” khi mô tả “con khỉ đang cố gắng tự giải thoát khỏi bẫy nhưng không thành công” ở KBTTN Sơn Trà.
Liên quan đến hình ảnh cá thể khỉ dính bẫy kẹp nêu trên, ngày 3/5, chúng tôi được ông Ngô Trường Chinh - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cho biết, chiều 2/5 sau khi tiếp nhận thông tin qua điện thoại, ông đã cử 2 cán bộ đến hiện trường nhưng không còn gặp cá thể khỉ dính bẫy kẹp như phản ánh. Trong cuộc trao đổi, ông Chinh cũng cho biết, cùng với phương án trình cấp trên tăng cường nhân sự, Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn đang phối hợp với các lực lượng chức năng để đấu tranh, xử lý.
Trước đó, vào trưa 1/4, trong lúc chụp ảnh Vọọc chà vá chân nâu trên cây hoa vàng, có nhiều người phát hiện chú chồn bạc má dính bẫy kẹp, giãy giụa, cầu cứu. Tìm kiếm xung quanh, nhóm người này phát hiện thêm nhiều bẫy kẹp khác. Chiều 2/4, một nhóm tình nguyện viên đã bàn giao cho cán bộ của Hạt kiểm lâm 14 bẫy kẹp, 1 bẫy rút. Cùng thời điểm, mạng xã hội cũng lan truyền hình ảnh cá thể Voọc chà vá chân nâu đặc biệt quý hiếm ở KBTTN Sơn Trà bị mất một tay (nghi do dính bẫy kẹp).
Theo báo cáo của Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, 3 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng đã phát hiện 380 bẫy thú các loại. Trao đổi với chúng tôi vào sáng 4/4 (sau thời điểm các nhiếp ảnh gia và tình nguyện viên giải cứu cá thể chồn bạc má bị dính bẫy kẹp), Hạt trưởng Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn Ngô Trường Chinh cho biết, do lực lượng mỏng, chỉ có dưới 10 người nhưng phải quản lý bảo vệ diện tính rừng khoảng 4.000ha; KBTTN Sơn Trà cũng đồng thời là khu vực tham quan du lịch, hàng ngày có nhiều người vào ra nên khó kiểm soát.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài cơ cấu nhân sự đảm bảo quản lý bảo vệ rừng của Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn; người vào ra KBTTN Sơn Trà còn buộc phải đăng ký tại trạm kiểm soát của Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng.