Không thể nhẹ tay

Bắc Phong 25/02/2022 14:14

Thời gian gần đây, xăng dầu liên tục tăng giá. Đã xuất hiện một số cây xăng “găm hàng” không bán, nhằm trục lợi.

Không ít cửa hàng “găm hàng” không bán đợi xăng dầu lên giá.

Việc Đoàn thanh tra của Bộ Công thương kiểm tra cửa hàng xăng dầu của Công ty TNHH Hữu Lộc tại ấp An Hoà (xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), phát hiện trong số 4 trụ cây xăng ở đây có 2/4 cây xăng vẫn còn tồn khoảng 7.000 lít xăng E5 trong bể chứa nhưng vẫn treo biển không bán; là một minh chứng, cần phải được xử lý nghiêm.

Đoàn công tác của Bộ Công thương cho biết, tại địa bàn tỉnh Vĩnh Long, đã thấy xuất hiện các biển treo “hết xăng”. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, có cây xăng vẫn còn hàng nhưng không mở bán. Theo ông Lê Việt Long- Trưởng đoàn Thanh tra thì sẽ truy đến cùng, kiên quyết xử lý nghiêm minh, dứt điểm, đúng luật. Bởi vì, tình trạng này sẽ khó khăn cho điều hành cung ứng xăng dầu và tổn hại nặng nề cho chương trình phục hồi kinh tế.

Trước đó, tại cuộc họp của Chính phủ chiều 8/2, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ Công thương thực hiện thanh tra, kiểm tra ngay đối với các đơn vị liên quan đến cung ứng, phân phối xăng dầu, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động trong thời gian qua để phát hiện, xử lý nghiêm hành vi găm hàng nhằm trục lợi và các vi phạm khác (nếu có) trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Báo cáo nhanh từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), từ ngày 28/1 đến ngày 21/2, qua 16.000 lượt kiểm tra, giám sát của lực lượng quản lý thị trường cho thấy, hàng trăm cửa hàng xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động với nhiều lý do. Tình trạng trên chủ yếu xảy ra ở các tỉnh phía Nam, với 29 cửa hàng ngưng hoạt động do hết xăng, 215 cửa hàng ngưng hoạt động với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Cũng theo đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, riêng tại Hà Nội, lực lượng đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát đối với 493 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn và chưa phát hiện, kiểm tra, xử lý vụ việc vi phạm nào liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu nhưng có 3 cửa hàng đang ngừng bán hàng với các lý do khác nhau. Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh có 548 cửa hàng nhưng có 5 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang tạm ngưng hoạt động, 22 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thiếu xăng RON 95 để bán, dù rằng cửa hàng vẫn mở cửa hoạt động kinh doanh bình thường và đang chờ nhập xăng để tiếp tục kinh doanh.

Việc các cửa hàng kinh doanh xăng dầu “tự động” ngừng bán đã gây bức xúc dư luận. Đây là lối kinh doanh xấu, đầu cơ để trục lợi khi tình hình khó khăn. Những hành vi này đã được pháp luật quy định xử phạt. Tại Điều 31, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP đã quy định mức phạt tiền thấp nhất là 5 đến 10 triệu đồng và cao nhất là 80 đến 100 triệu đồng về hành vi đầu cơ hàng hoá cùng với mức xử phạt bổ sung gồm: (i) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm; (ii) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 6 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; (iii) Đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm từ 6 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, Điều 32, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP cũng quy định cụ thể việc xử phạt hành vi găm hàng không có lý do chính đáng. Trong trường hợp nếu găm hàng với mục đích tư lợi bất chính thì các cửa hàng xăng dầu còn phải chịu trách nhiệm hình sự với mức án phạt quy định theo Điều 196, Bộ luật Hình sự: Bị phạt tiền thấp nhất từ 30 đến 300 triệu và cao nhất là 1,5 đến 5 tỉ đồng, đồng thời bị phạt tù thấp nhất từ 6 tháng đến 3 năm và cao nhất là 7 đến 15 năm. Đối với pháp nhân thương mại thì sẽ bị phạt tiền thấp nhất là 300 triệu và cao nhất là 9 tỉ đồng.

Quy định của pháp luật đã rõ ràng, mức phạt “kịch khung” cũng cao. Nhưng tại sao nhiều cửa hàng xăng dầu vẫn vi phạm? Phải chăng do từ trước tới nay cũng đã từng phát hiện một số cây xăng “găm hàng” nhưng mức phạt lại quá thấp, “giơ cao đánh khẽ” nên không có tác dụng răn đe. Vì thế, dư luận cho rằng, trong lần kiểm tra này, đoàn Thanh tra của Bộ Công thương cần mạnh tay hơn, làm hết trách nhiệm và thực hiện đúng quy định pháp luật. Không chỉ để xử phạt những doanh nghiệp sai phạm mà còn để ổn định và lành mạnh thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thể nhẹ tay

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO