Không yêu trẻ thì hãy chọn nghề khác

Lê Hải 12/02/2017 10:25

Ngay những ngày sau Tết, vụ bạo hành học sinh tại cơ sở mầm non Sen Vàng (Hà Nội) khiến dư luận xã hội vô cùng bức xúc chưa lắng xuống thì ngày 9-2, một vụ bạo hành trẻ em lại được phát giác ở Trường mầm non Thanh Xuân Nam (phường Đông Hương, TP Thanh Hóa).

Giáo viên mầm non cầm dép đánh vào mặt học sinh.

Được biết, các cô giáo mầm non trong hai vụ việc đã bị công an triệu tập và sẽ bị xử lý nghiêm túc tùy mức độ vi phạm. Thậm chí ngôi trường mầm non nơi các em bị bạo hành cũng đã được giải thể. Tuy nhiên, vụ việc đã làm tăng thêm nỗi lo lắng của phụ huynh có con trong độ tuổi mầm non.

Bởi lẽ, là cha mẹ không ai có thể chấp nhận được khi những đứa trẻ chưa đầy 3 tuổi lại bị cô giáo dùng dép tát vào đầu, vào mặt, dùng đầu gối thúc vào bụng và dùng đũa đánh đến thâm tím cơ thể như thế. Nhiều phụ huynh tỏ ra hoang mang và hoài nghi, liệu ở trường con mình có bị đối xử như thế không? Không lẽ ngày nào đón con về thay vì câu hỏi “hôm nay con học con có vui không?” lại hỏi “hôm nay ở trường con có bị cô đánh không?”.

Đã có rất nhiều lý do được đưa ra để biện minh cho hành động bạo hành học sinh, lý do nào cũng có cơ sở để thuyết phục, nhưng dư luận vẫn không khỏi bức xúc khi thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra sự việc thầy cô giáo đánh học sinh dẫn đến chấn thương thân thể và tâm lý các em. Trước những hành động phản giáo dục như vậy, nhiều giáo viên đã bị lên án, thậm chí bị kỷ luật nặng. Song hậu quả tâm lý lâu dài ảnh hưởng tới học sinh dường như lại chưa được quan tâm.

Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ em rất nhạy cảm nên chỉ cần thầy cô giáo la mắng cũng đã làm trẻ sợ, hoảng loạn chưa kể đến chuyện đánh đập, sỉ vả và chế giễu trước lớp nhiều lần... Thời gian gặp gỡ, tiếp xúc giữa thầy cô và trẻ gần như diễn ra thường xuyên nên khi quá sợ thầy cô giáo, trẻ sẽ bị stress âm ỉ kéo dài.

Trên thực tế, những vụ việc cô giáo đánh trẻ như ở cơ sở mầm non Sen Vàng hay Trường mầm non Thanh Xuân Nam vừa qua không phải là cá biệt. Nhiều người bức xúc cho rằng cơ quan chức năng phải xử lý hình sự đối với hành vi bạo hành dã man của những cô giáo kia và loại bỏ vĩnh viễn khỏi ngành giáo dục. Nếu vẫn chỉ là kiểm điểm, kỷ luật thì sẽ không thể chấm dứt được tình trạng bạo hành trẻ em.

Phân tích như TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Hà Nội thì những vụ bạo hành được phát hiện rất nhiều trong thời gian vừa qua, một phần có thể do bức xúc tâm lý bên trong của mỗi giáo viên.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do hai điều: Thứ nhất giáo viên không có kĩ năng để ứng xử với những tình huống sư phạm. Năng lực thiếu, chưa được đào tạo đến nơi đến chốn. Thứ hai, về đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên chưa được rèn đến nơi đến chốn.

Cũng theo nhiều nhà tâm lý, nhà giáo dục thì việc chăm sóc, giáo dục các cháu ở lứa tuổi này hoàn toàn không đơn giản và phải chịu rất nhiều áp lực. Nếu ai không đủ yêu nghề, yêu trẻ, xin hãy chọn cho mình một công việc khác, đừng đổ lỗi cho áp lực để trút đòn roi lên đầu trẻ!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không yêu trẻ thì hãy chọn nghề khác

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO