Khu vực lao động phi chính thức: Khó tiếp cận các gói hỗ trợ

Lê Bảo 24/11/2021 08:00

Theo báo cáo Tổng cục Thống kê, trong quý II/2021, tỷ lệ lao động phi chính thức đạt mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây, ở mức 57,4%. Đây là thách thức rất lớn vì vậy, cần sớm có chính sách để lao động phi chính thức dễ tiếp cận chính sách hơn.

Chính sách chưa bao phủ hết

Đại dịch Covid-19 được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đánh giá là “cuộc khủng hoảng toàn cầu tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai”. Nhiều nhóm lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp, trong đó các nhóm dễ bị tổn thương, như: lao động di cư, lao động khu vực phi chính thức...

Tại Việt Nam từ đầu năm 2021, Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hàng chục triệu lao động. Riêng trong quý III, người lao động bị tác động nhiều nhất với 4,7 triệu lao động bị mất việc làm, 14,7 triệu lao động tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; trên 10 triệu lao động giảm giờ làm, tạm dừng việc làm. Trước những ảnh hưởng bởi Covid -19, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt năm 2021, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021, Quyết định số 23/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19…

“209 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã thực hiện hơn 1.700 chính sách hỗ trợ khác nhau trong đại dịch. Việt Nam đóng góp khá nhiều trong số đó, với các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 42, Nghị quyết 68, Nghị quyết 116..., với khoảng hơn 50 chính sách khác nhau của các địa phương và các bộ, ngành mang tính chất đặc trưng cho các công việc. Những chính sách hỗ trợ này đã đem lại những “trợ lực” để người lao động, doanh nghiệp vượt khó” – Tổ chức ILO tại Việt Nam nhận định.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của giới chuyên gia, các chính sách hỗ trợ vẫn chưa đủ lớn để bao phủ tất cả đối tượng chịu ảnh hưởng, trong đó có lao động phi chính thức. Ở một số quốc gia trong khu vực có lực lượng lao động phi chính thức lớn như Thái Lan, nhiều gói hỗ trợ cho đối tượng này đã được đưa ra. Vào tháng 4/2020, Thái Lan công bố gói hỗ trợ là 117 tỷ bath, tương đương khoảng 3 tỷ USD, hỗ trợ tất cả người lao động phi chính thức với mức 5.000 bath, tương đương với khoảng 125 USD.

Đánh giá về việc triển khai các chính sách hỗ trợ, PGS. TS Giang Thanh Long - Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, vẫn còn một số lượng khá lớn lao động phi chính thức chưa tiếp cận hoặc tiếp cận chậm với các chính sách hỗ trợ. Nguyên nhân là do một số chính quyền địa phương áp dụng cách làm thủ công, đó là lên danh sách, xác nhận đối tượng. Theo ông Long, làm như vậy có thể xác định sai đối tượng, hoặc người lao động được nhận hỗ trợ chậm.

Số hóa dữ liệu

Trước những hạn chế trên, theo ông Long, việc số hóa tất cả các dữ liệu, trong đó có hoạt động đăng ký người lao động, giữ vai trò quan trọng nhằm xác định đối tượng cần hỗ trợ. Minh chứng, ông Long cho hay, điều kiện của Thái Lan cũng giống Việt Nam, rất khó khăn trong xác định số người lao động phi chính thức. Song thay vì để chính quyền địa phương vào cuộc, Thái Lan yêu cầu Bộ Lao động, hay bất kỳ một đơn vị nào liên quan đến lao động phải đi xác minh, người lao động đăng ký để nhận những gói hỗ trợ đó vào các ngân hàng, thí dụ như ngân hàng nông nghiệp, ngân hàng chính sách hoặc trên các website do Bộ Lao động của Thái Lan đưa ra, như những website chuyên đăng ký về lao động thất nghiệp. Sau khi có thông tin, việc xác định thông tin được chính quyền địa phương làm khá đơn giản. Sau khi công bố website, chỉ sau 1 tuần đã có 28 triệu người đăng ký nhận. Sau khi sàng lọc, chỉ còn 14 triệu người được hưởng chính sách, còn lại 14 triệu người trùng với các chính sách khác.

“Rõ ràng việc số hóa tất cả các dữ liệu, trong đó có hoạt động đăng ký người lao động, giữ vai trò quan trọng nhằm xác định đối tượng cần hỗ trợ. Đây cũng là cơ hội tốt để cộng đồng nhận thấy, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là “tấm nệm” hỗ trợ cho người lao động khi đời sống gặp khó khăn. Đồng thời, cũng lan tỏa những điểm ưu việt của các chính sách an sinh xã hội này, thu hút thêm người lao động tham gia bảo hiểm xã hội” – ông Long nhấn mạnh.

Còn theo ông Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty Economica Việt Nam, đại dịch cũng khiến chúng ta nhận ra rất nhiều chính sách cần được thiết kế trong hỗ trợ doanh nghiệp. Hơn bao giờ hết, chính sách cần được thiết kế phù hợp hơn với cơ chế vận hành của thị trường. Chính sách cần đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, hỗ trợ khu vực kinh tế phi chính thức trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khu vực lao động phi chính thức: Khó tiếp cận các gói hỗ trợ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO