Khủng hoảng dân số và xu hướng ‘quyết không sinh con’

THẾ TUẤN 03/07/2022 15:40

Tới nay nhiều quốc gia trên thế giới đã phải đối diện với vấn đề già hóa dân số, khi mà tỷ lệ sinh giảm mạnh trong suốt nhiều năm. Nhật Bản từ lâu đã phải hứng chịu cuộc khủng hoảng dân số. Giờ đây, Hàn Quốc đã trở thành một trong những nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, trong khi tình hình ở Trung Quốc cũng không khá hơn. Như vậy, “nối bước” phương Tây với xu hướng cực đoan “quyết không sinh con”, tới nay một số quốc gia châu Á cũng phải đối diện với tình huống này.

Mới đây, chính quyền tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) đã ban hành chính sách mới nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng ở địa phương này sinh con.

Điểm đáng chú ý trong chính sách mới là ngoài thời gian nghỉ thai sản hiện tại theo quy định của pháp luật Trung Quốc, phụ nữ mới sinh con còn được cộng thêm 60 ngày nghỉ. Người chồng có vợ mới sinh cũng được nghỉ 20 ngày dưỡng sức.

Đặc biệt, các bà mẹ mới sinh có thể được nghỉ có lương tới khi con tròn một tuổi, được phép thỏa thuận với phía sử dụng lao động để sắp xếp công việc hợp lý hơn.

Một phụ nữ đưa con đi dạo tại khu Hongdae, Seoul, Hàn Quốc. ẢNH: REUTERS.

Vì sao tỷ lệ sinh luôn giảm?

Năm 2021, Trung Quốc không công bố tỷ lệ sinh chính thức. Song theo ước tính từ một nhóm các nhà nhân khẩu học, gồm Liang Jianzhang, Ren Zeping và He Yafu thì con số này là 1,15; giảm đáng kể so với mức 1,3 một năm trước đó.

Còn theo một thông báo của cơ quan chức năng thì tỷ lệ sinh của quốc gia đông dân nhất thế giới giảm năm thứ 5 liên tiếp, xuống mức thấp kỷ lục 7,52 ca sinh/1.000 người; từ con số 8,52 vào năm 2020.

Truyền thông địa phương dẫn lời Felizia Yao, 27 tuổi, phụ nữ độc thân tại Thượng Hải, cho biết: “Sinh con không phải là điều bắt buộc trong cuộc sống của tôi. Tôi cũng chưa sẵn sàng vì nuôi dạy con cái là một thử thách phức tạp và tốn kém. Với tình hình tài chính hiện tại của tôi, gánh nặng nuôi con đồng nghĩa với việc phải hy sinh chất lượng cuộc sống của bản thân. Vì vậy, hiện tại, tôi không có lý do gì để sinh con”.

Đây có thể coi là “điển hình” cho những trường hợp ngại sinh nở ở Trung Quốc, cho dù chính quyền có nhiều hỗ trợ cho cả cha mẹ và con nhỏ.

Còn tại Hàn Quốc, theo tờ Korea Times, vào năm 2021, trung bình một phụ nữ nước này sinh ra 0,81 đứa trẻ, mức thấp nhất kể từ khi Cơ quan Thống kê Hàn Quốc bắt đầu tổng hợp dữ liệu vào năm 1970. Vào thời điểm đó, con số này ở mức 4,53, sau đó giảm xuống mức 2 vào năm 1983. Dân số Hàn Quốc hiện nay là hơn 51 triệu người.

Dân số già hóa nhanh chóng, Hàn Quốc đã trở thành xã hội già vào năm 2017, với trên 14% người dân trên 65 tuổi. Con số này được dự đoán sẽ đạt 37% vào năm 2045, đưa Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia có dân số già nhất trên thế giới.

“Chồng tôi nói rằng có con sẽ hạn chế lựa chọn trong cuộc sống. Không chắc liệu con tôi sẽ có một tương lai hạnh phúc hay không khi môi trường tự nhiên và xã hội đang ngày càng tồi tệ, còn tôi cũng khó tiếp tục công việc khi vướng bận con cái” - Han Jia, nhân viên thiết kế nội thất, 34 tuổi, nói với Korea Times.

Theo nhà nhân khẩu học độc lập He Yafu, phụ nữ ở Đông Á có thể ít muốn sinh con hơn vì họ thường là người chịu trách nhiệm chính chăm sóc con nhỏ, điều này ảnh hưởng lớn, thậm chí gây bất lợi về sự nghiệp của họ. Nhiều phụ nữ buộc phải lựa chọn sinh ít hoặc không có con để thăng tiến trong sự nghiệp”.

Lee Sang-lim, nhà nghiên cứu tại Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc cho biết, rất khó để duy trì sự nghiệp khi có con. Và đây cũng là nguyên nhân khiến phụ nữ Hàn Quốc ngại sinh nở. Bên cạnh đó, chi phí nuôi dạy con ở Hàn Quốc cũng rất cao.

Tại Nhật Bản, mối lo về tỷ lệ sinh của nước này bắt đầu xuất hiện vào cuối những năm 1980. Tỷ lệ này đã chạm mức thấp nhất là 1,26 vào năm 2005, phục hồi nhẹ lên 1,45 vào năm 2015, nhưng đã giảm liên tục 6 năm qua, xuống mức 1,3 vào năm ngoái. Theo đó, Nhật Bản đã ghi nhận 811.604 ca sinh vào năm 2021, mức thấp kỷ lục kể từ năm 1899.

Theo giới nghiên cứu xã hội học, tỷ lệ sinh thấp ở các quốc gia phát triển bắt nguồn từ nhiều yếu tố, như mức sống, chất lượng giáo dục và quá trình đô thị hóa. Trong khi đó, tỷ lệ sinh ở các nước chưa phát triển thường có xu hướng cao hơn, do các gia đình muốn có thêm lao động để kiếm tiền, cũng như có người phụng dưỡng cha mẹ lúc già yếu.

Kêu gọi cho phép phụ nữ trên 30 tuổi chưa kết hôn sinh con

Đúng Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 năm nay, trên mạng xã hội Trung Quốc bỗng xuất hiện đề xuất kêu gọi cho phụ nữ chưa kết hôn sinh con.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, ông Hua Yawei, thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), đã kêu gọi các nhà lãnh đạo đất nước cởi mở hơn đối với những bà mẹ đơn thân và đối xử bình đẳng hơn với những đứa trẻ do phụ nữ đơn thân sinh ra.

Ông Hua cho biết, tỷ lệ sinh của Trung Quốc vào năm 2020 đã giảm 14,9% so với năm trước đó. Trong khi đó, dân số nước này chỉ tăng 480.000 người vào năm 2021. “Như vậy, rất có thể sắp tới chúng ta sẽ tăng trưởng âm”- ông Hua nói.

Vị đại biểu này cũng chỉ ra nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh giảm. Đó là không chỉ do nhiều người ngại có con do chi phí cao, mà còn do phụ nữ độc thân không đủ điều kiện sinh con và tỷ lệ vô sinh ở Trung Quốc rất cao. Ở các đô thị, nhiều nam giới và phụ nữ chưa kết hôn do họ thường gặp khó khăn trong tìm kiếm bạn đời sau khi đạt đến độ tuổi nhất định, khoảng 25 tuổi đối với phụ nữ và 30 tuổi với nam giới.

Ông Hua cho rằng nên sửa đổi luật cho phép phụ nữ độc thân trên 30 tuổi sinh con đầu lòng và được hưởng quyền lợi tương tự như các bà mẹ đã kết hôn.

Cô Rachel Xu, một phụ nữ độc thân 41 tuổi ở Thượng Hải, cho biết mình hoan nghênh những đề xuất của ông Hua. “Tôi rất yêu trẻ con, nhưng trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc có con riêng vì tôi độc thân và luật pháp không cho phép điều đó. Tôi hy vọng xã hội của chúng ta có thể cởi mở và khoan dung hơn đối với những phụ nữ độc thân có con”- cô Xu nói.

Nghiên cứu mới đây cho thấy dân số Trung Quốc có thể giảm nhanh hơn nhiều so với dự báo. Theo đó, dân số quốc gia này có thể giảm một nửa trong vòng 45 năm tới. Tờ SCMP cho biết, dự báo này được đưa ra dựa trên tỷ lệ sinh chính thức vào năm 2020. Dân số hiện tại của Trung Quốc là trên 1,4 tỷ. Năm 2019, Liên hợp quốc dự báo Trung Quốc sẽ vẫn có khoảng 1,3 tỷ dân tới năm 2065.

Một dự báo khác của các nhà nghiên cứu Đại học Washington đăng trên tạp chí The Lancet năm 2020 dự báo dân số Trung Quốc sẽ giảm một nửa vào năm 2100. Trong khi đó, tỷ lệ vô sinh ở Trung Quốc đã tăng từ 3,5% vào năm 1997 lên 16,4% vào năm 2019. Ước tính con số này sẽ tăng lên 18,2% vào năm 2023.

Tuy nhiên, theo ý kiến của Giáo sư Jian Quanbao (Viện Nghiên cứu phát triển và dân số, Đại học Xian Jiaotong) thì những cảnh báo rằng tình trạng suy giảm dân số Trung Quốc có thể đã bị đánh không đúng và hơi quá nghiêm trọng. Đặc biệt, tình hình sẽ thay đổi khi những chính sách mới khuyến khích sinh nở được áp dụng.

Nhật Bản chi trả bảo hiểm y tế cho điều trị hiếm muộn để khuyến khích sinh đẻ

Nhiều phương pháp điều trị hiếm muộn đã được hệ thống bảo hiểm y tế của Nhật Bản chi trả từ tháng 4/2022. Đây được xem là một trong những nỗ lực ngăn chặn tình trạng suy giảm dân số ở nước này. Cụ thể: hệ thống bảo hiểm y tế công của Nhật Bản sẽ hoàn trả 70% chi phí cho các phương pháp điều trị hiếm muộn nhằm khuyến khích sinh đẻ. Các phương pháp điều trị được đề cập bao gồm thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, điều này vẫn chưa đủ để có thể đảo ngược được tình trạng suy giảm dân số ở Nhật Bản, khi các bệnh nhân vẫn phải đối mặt với các chi phí đáng kể khác.

Trước đó, toàn bộ chi phí cho một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là hơn 500.000 yên/ca, cao hơn thu nhập trung bình hàng tháng của một hộ gia đình Nhật Bản. Vì thế, nhiều gia đình dù có mong muốn có con song vẫn còn e ngại vì khoản chi phí điều trị rất lớn này.

Trước chính sách hỗ trợ chi phí điều trị hiếm muộn, Nhật Bản cũng đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm cải thiện tình trạng mất ổn định dân số tại nước này, như mở rộng trợ cấp tài chính cho nhà trẻ và trợ cấp hàng tháng cho các gia đình có trẻ em. Năm 2021, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua sửa đổi Luật Nghỉ phép chăm sóc và giáo dục trẻ em, theo đó khuyến khích nam giới nghỉ phép tối đa 4 tuần để chăm sóc gia đình khi vợ sinh con.

Theo thống kê năm 2019, có đến 7% trẻ sơ sinh ở Nhật Bản được ra đời bằng phương pháp IVF, cao hơn 5% so với Mỹ. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh của Nhật Bản vẫn dao động quanh mức 1,3; thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 2,1 mà Tổ chức hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết là cần thiết để duy trì mức dân số ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khủng hoảng dân số và xu hướng ‘quyết không sinh con’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO