Khuyến học và thực học

Hà Trọng Nghĩa 02/10/2017 08:00

Hôm nay, là Ngày Khuyến học. Tháng 9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1271/QĐ-TTg lấy ngày 2-10 hàng năm là “Ngày Khuyến học Việt Nam” với mục đích động viên các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; tôn vinh những gương sáng hiếu học; tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác khuyến học.

Tinh thần hiếu học nâng bước trẻ em vùng cao tới trường. Trong ảnh: Học trò ở Nậm Mười (Yên Bái).

Cách đây 72 năm trước, đầu tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi chống nạn thất học. Người viết: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ. Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào bình dân học vụ… Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học”.

Tháng 10 năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi bức thư cuối cùng cho ngành giáo dục. Người căn dặn: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”. Người dạy rằng: “Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới”.

Những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới nay vẫn còn nguyên giá trị khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục.

Truyền thống ngàn đời của dân tộc là khuyến học, khuyến tài (tài năng). Bất cứ ai đi theo con đường học vấn cũng đều được xã hội tôn trọng, vì nể. Trong bất cứ thời đoạn nào của lịch sử, cho dù cả khi khó khăn nhất thì vẫn có những con người cần cù học tập. Học ở trường, học ở nhà, học bạn bè, học ở xã hội. Ham học hỏi là đức tính quý báu của người Việt Nam đã được thế giới thừa nhận. Đã có biết bao tấm gương người xưa, người nay siêng năng học hỏi, luyện rèn khiến người ta khâm phục và nể trọng.

Xưa, đó là những người vợ “quanh năm buôn bán ở mom sông” gom tiền để chồng đèn sách. Thì nay, cũng không hiếm những bà mẹ buôn đầu chợ bán cuối chợ; còng lưng trên ruộng đồng dành tiền cho con đi học cốt sao cho bằng chị bằng em. Lại cũng có những gia đình nông dân nghèo túng, nhưng khi con thi đỗ đại học đã bán cả vườn để có tiền cho con lên phố. Những tấm gương trẻ em nghèo vượt khó khiến chúng ta hết sức xúc động. Nhìn vào các em, nhiều người lớn không hỏi cảm thấy ngại ngùng...

Trong lịch sử cận hiện đại nước nhà, người ta vẫn không thể quên phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ, các phong trào xóa mù chữ, bình dân học vụ, bổ túc văn hoá nối tiếp nhau. Đó thực sự là nguồn cảm hứng cho cả dân tộc, cho ngành giáo dục, cho từng địa phương, cho mỗi dòng họ, mỗi gia đình, mỗi một người học tự tin dấn bước trên con đường học vấn gian nan vất vả nhưng hết sức vinh quang.

Vào thời điểm này đúng 1 năm, tại Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (2/10/1996 - 2/10/2016), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, “cần đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư. Các phong trào phải thực sự huy động sự tham gia của người dân, sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị, sự năng động, sáng tạo và trách nhiệm cao của nhà trường, sự chung tay, góp công góp sức của cộng đồng xã hội, đặc biệt là của các gia đình, các bậc phụ huynh”.

Thủ tướng cho rằng cần chung tay xây dựng xã hội học tập, khuyến khích hiền tài, bồi đắp nguyên khí quốc gia, vững bước hội nhập trong kỷ nguyên công nghệ số, sáng tạo toàn cầu.

Học tập là việc lành, là điều tốt. Nhưng còn tốt hơn nếu đó là thực học chứ không phải là việc chạy theo bằng cấp. Tệ hơn nữa là mua bằng cấp để dùng làm phương tiện tiến thân. Gần đây, khi nơi này nơi kia phát hiện ra vị cán bộ này, công chức kia dùng bằng giả để được bổ nhiệm, cất nhắc thì những người thực học, tôn trọng học vấn rất đau lòng.

Với một dân tộc có truyền thống hiếu học như Việt Nam thì điều đó không thể chấp nhận. Nhưng, cũng cần phải thấy rằng, chính những quy định máy móc trong công tác cán bộ, trong đó có quy định bằng cấp như một điều kiện quan trọng khiến những kẻ tà tâm, sẵn tính dối trá tìm cách có được một tấm bằng, bằng cấp càng cao càng tốt. Xã hội khuyến học chứ không khuyến khích mua bằng cấp, không được phép dùng tiền làm băng hoại sự cao đẹp của việc hết sức tử tế là học hành.

Lại cũng từ chủ nghĩa bằng cấp đã dẫn đến chuyện đua nhau vào đại học, bằng mọi giá phải vào đại học. Tấm bằng cử nhân được xem là giấy thông hành vào đời. Các trường đại học mở ra tràn lan, ngành nghề tràn lan, đến độ không đủ học sinh để tuyển vào. Điểm chuẩn nhiều trường cũng hạ xuống ở mức “siêu tưởng” cốt để có đủ người học, cũng có nghĩa là có thu nhập cho những người mở trường.

Không ai phê phán ước vọng của các bậc cha mẹ muốn cho con cái học lên, thành đạt. Nhưng quan trọng nhất không phải là tấm bằng cử nhân, thạc sĩ hay tiến sĩ, mà phải là thực học. Việc sách đèn phải cho người học kiến thức thật chứ không phải là kiến thức vay mượn nay nhớ mai quên, càng không thể là bằng cấp do dùng tiền mà có được.

Học tập không bao giờ dễ dàng. Những người chọn lối lập thân bằng con đường học vấn là những người cần cù, nghị lực và liêm chính. Kiến thức thì không thể mua được, không thể dùng trí trá làm nhòe sự rỗng tuếch. Người xưa nói rằng, trong những điều tồi tệ thì sự lừa gạt kiến thức, bằng cấp chính là sự bất lương, bởi hậu họa của nó rất lâu dài và nguy hiểm.

Nhân Ngày Khuyến học Việt Nam năm nay, tự hào về truyền thống hiếu học, truyền thống chăm lo cho sự học của dân tộc, càng thấy trách nhiệm đổi mới thực sự nền giáo dục; vun đắp ý thức thực học là vô cùng quan trọng. Điều đó không chỉ nhắc nhau một ngày, cho dù là trong Ngày Khuyến học đi chăng nữa, mà phải thường trực trong mỗi con người như đạo đức sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khuyến học và thực học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO