Kịch bản phát triển sau khi điều chỉnh chỉ tiêu

H.Vũ (thực hiện) 25/05/2020 08:00

Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu vĩ mô khác như: thu ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách nhà nước, nợ công. Vấn đề được đặt ra là kịch bản và giải pháp phát triển kinh tế xã hội sẽ như thế nào sau khi điều chỉnh. Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần thực hiện tốt các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, an sinh xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính.

Kịch bản phát triển sau khi điều chỉnh chỉ tiêu

Ông Đỗ Văn Sinh. Ảnh: Quang Vinh.

PV: Thưa ông, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, như chỉ tiêu tăng trưởng như GDP, nợ công, và thu chi ngân sách. Cá nhân ông nhìn nhận như thế nào về việc đề xuất trên của Chính phủ?

Ông Đỗ Văn Sinh: Tôi đồng tình với những đề xuất của Chính phủ vì hiện nay chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế. Đó là, nền kinh tế đang suy giảm, đang trong vòng xoáy chung của thế giới- do nền kinh tế của ta có độ mở rất lớn. Kinh tế thế giới suy giảm và chúng ta không thể nằm ngoài vòng xoáy. Trong quý 1 năm 2020, mặc dù đã cố gắng mọi cách nhưng tăng trưởng chỉ 3,8%, dù tốc độ đó là khá so với khu vực và thế giới. Trong quý 2, dự báo mức độ sẽ tiếp tục suy giảm.

Cho nên đề xuất trên của Chính phủ là điều chúng ta cần xem xét, đánh giá lại để Quốc hội cùng với Chính phủ đề ra các giải pháp và tôi mong Quốc hội sẽ đồng ý để thực hiện những đề xuất này.

Thậm chí theo tôi, Quốc hội còn cần giao cho Chính phủ cơ chế linh hoạt để chủ động tổ chức, điều hành từ nay cho đến cuối năm nhằm đạt được những mục tiêu cao nhất. Bởi không thể dự báo khi nào sẽ dập dịch hoàn toàn. Trong nước đã dập rồi nhưng vấn đề là không để cho dịch quay lại nữa. Nhưng quan trọng hơn là tình hình thế giới, lúc nào thế giới dập dịch được hoàn toàn vẫn là điều khó dự báo.

Hiện Chính phủ đã đưa ra 2 kịch bản để phát triển kinh tế - xã hội sau dịch. Nếu giờ điều chỉnh một số chỉ tiêu, chúng ta sẽ phải làm lại kịch bản, thưa ông?

-Chính phủ đề ra 2 kịch bản và nó phụ thuộc lớn vào thời điểm dập dịch của thế giới. Hiện nay chúng ta đã làm tương đối tốt. Nhưng kịch bản tốt là kịch bản thế giới dập dịch vào quý 3, hoặc kịch bản dập dịch vào quý 4. Tương ứng với 2 trường hợp như vậy, Chính phủ đưa ra các chỉ tiêu dự báo khoảng 4,5%, nghĩa là ở mức giữa, từ 3,4% đến 5,2%. Trong trường hợp như vậy có thể phấn đấu được nhưng đòi hỏi một phải hết sức quyết liệt.

Tôi cho rằng nếu chúng ta đạt được ở mức 4,5% đã là quá tuyêt vời. Vì hiện nay tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang tiếp diễn. Ví như Trung Quốc lại bắt đầu có ổ dịch mới bùng phát. Cho nên nếu chúng ta đạt được chỉ tiêu 4,5% cũng là một sự cố gắng, quyết tâm lớn.

Như vậy các chỉ tiêu khác cũng sẽ bị giảm theo khi chỉ tiêu tăng trưởng GDP giảm?

-Đương nhiên. Hiện nay, theo chỉ tiêu kịch bản đưa ra, nếu đạt được 4,5% thì rõ ràng thu ngân sách sẽ bị giảm khoảng 163 ngàn tỷ đồng. Các khoản chi phải tăng lên vì thực hiện hàng loạt các chính sách. Trong bối cảnh đó chúng ta sẽ bội chi khoảng 70 đến 75 ngàn tỷ đồng. Cho nên tỷ lệ bội chi sẽ cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra. Xét về bối cảnh tương quan trong nước và thế giới tôi cho rằng như vậy đã là tốt.

Nếu giảm thu thì chúng ta cũng phải giảm chi, vì nếu không giảm chi thì ngân sách không thể nào “cõng” nổi?

-Luật Ngân sách nhà nước quy định như vậy. Còn Chính phủ đang báo cáo để đưa ra các giải pháp. Một là giảm chỉ tiêu tăng trưởng GDP, thứ hai là giữ các mục tiêu chi, đặc biệt là chi cho đầu tư phát triển nên dự báo bội chi ở mức 70 đến 75 ngàn tỷ đồng. Dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng theo quan điểm của tôi, chúng ta không nên giảm chi cho đầu tư phát triển; vì chúng ta đã kế hoạch hóa toàn bộ đầu tư công giai đoạn 2016-2020. Như vậy tất cả các dự án đã được phê duyệt.

Đây là năm cuối của nhiệm kỳ thì phải quyết liệt thực hiện mục tiêu đó. Bởi khi các dự án hoàn thành theo đúng kế hoạch sẽ góp phần lan tỏa ra xã hội, đóng góp cho tăng trưởng. Nếu giờ chúng ta dừng lại sẽ dẫn đến 2 hệ lụy. Thứ nhất, các công trình sẽ dở dang dẫn đến không phát huy hiệu quả.

Thứ hai khi dừng lại thì thời gian tới chắc chắn chúng ta sẽ điều chỉnh giá, lúc đó vốn lại đội lên. Rõ ràng lại thiệt kép, cho nên quan điểm của tôi là có thể bội chi nhưng không nên dừng chi cho đầu tư phát triển. Trong bối cảnh đó, chi thường xuyên có thể tiếp giảm một chút về chi hành chính của các cơ quan nhà nước như hội họp, đoàn đi công tác. Tuy nhiên số này là không nhiều.

Cho nên Chính phủ mới đề xuất tạm thời chưa tăng lương cơ bản từ 1/7 và tôi đồng tình với đề xuất này. Bởi trong thời gian qua, chúng ta có nhiều giải pháp để hỗ trợ cho những đối tượng gặp hoàn cảnh khó khăn.

Là cán bộ công chức viên chức thì chúng ta cũng phải có trách nhiệm chia sẻ trong lúc này, tạm thời chưa tăng lương để dành nguồn lực chi cho phát triển kinh tế. Tôi xin nói rằng toàn bộ số phần chi cho tăng lương vào khoảng 35 ngàn tỷ đồng cũng là số tiền không nhỏ, nên có thể dùng để chi cho phát triển.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có đưa ra 8 giải pháp đối với Chính phủ để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, nhưng cá nhân ông thấy cần quan tâm tới vấn đề nào nhất?

-Tôi cho rằng Quốc hội cần giao cho Chính phủ có cơ chế điều hành một cách linh hoạt. Đồng thời tiếp tục làm tốt các gói hỗ trợ vừa rồi, hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN), an sinh xã hội, cải cách hành chính. Tôi rất mong muốn trong thời gian tới bên cạnh đầu tư phát triển, chúng ta phải phát triển về hạ tầng công nghệ thông tin.

Trong thời điểm này ai cũng nói rằng chuyển đổi kinh tế số, công nghệ số nhưng cái quan trọng nhất là hạ tầng công nghệ thông tin. Vấn đề này hiện đang giao cho DN, vậy DN đã đủ đáp ứng chưa? Tôi cho rằng Chính phủ cần có động thái mạnh mẽ về vấn đề này. Chính phủ cần làm quyết liệt hơn, xây dựng bằng được hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, mà nền tảng của nó chính là cấp mã định danh công dân. Phải làm quyết liệt hạ tầng công nghệ và hệ thống cơ sở dữ liệu.

Bên cạnh đó, hiện đã yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất cho vay nhưng thực tế nguồn vốn chưa vào được với DN. Nguồn vốn tín dụng vào thị trường mới chỉ có 1,3%. DN vay để sản xuất tuy nhiên hiện đầu vào là nguyên vật liệu không có thì vay làm gì? Mặt khác ngân hàng không hạ điều kiện, tiêu chuẩn cho vay thì họ muốn vay cũng không vay được.

Hiện nay chúng ta có 2 quỹ. Theo đó, Quỹ Hỗ trợ DN vừa và nhỏ có nguồn lực quá bé, chỉ 800 tỷ đồng trong khi có 760 ngàn DN, vậy đáng bao nhiêu? Còn Quỹ Bảo lãnh tín dụng cũng nhỏ bé. Chính vì vậy, Chính phủ phải tăng nguồn lực vào 2 quỹ này để cùng chia sẻ với DN và ngân hàng. Nghĩa là phải có “mồi” bảo lãnh cho họ thì họ mới sẵn sàng bơm tiền ra. Phải có động thái “kích” thì mới phục hồi được nhanh.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kịch bản phát triển sau khi điều chỉnh chỉ tiêu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO