Kích cầu du lịch: Hấp dẫn nhưng phải an toàn

Minh Quân 28/09/2020 07:24

Trong bối cảnh dịch bệnh trong nước đã cơ bản được kiểm soát, song song với việc đảm bảo nghiêm các biện pháp phòng chống Covid-19, Bộ VHTTDL vừa “ngồi lại” với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch để triển khai chương trình kích cầu theo chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” một cách hiệu quả.

Tây Bắc đang trở thành điểm đến du lịch thời kỳ hậu Covid-19. Ảnh: Quang Vinh.

Cụ thể, chương trình kích cầu sẽ tập trung vào 2 mục tiêu là an toàn và hấp dẫn. Trong đó, an toàn là người cung ứng dịch vụ và môi trường cung cấp dịch vụ từ vận chuyển, hàng không, lưu trú, khu vui chơi giải trí…phải tuân thủ các quy định về quy trình an toàn phòng chống dịch bệnh.

Đồng thời cả từ phía khách du lịch có ý thức chủ động phòng chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Hấp dẫn về giá do tính kết nối tốt giữa các liên minh kích cầu, tạo ra các sản phẩm du lịch bổ trợ, các tuyến du lịch với giá tốt; hấp dẫn về sản phẩm do tạo ra các sản phẩm mới, chất lượng và đa dạng về chương trình kích cầu chi tiêu của khách, các sản phẩm nghỉ dưỡng, có lợi cho sức khỏe, du lịch golf và MICE; hấp dẫn về chính sách hoàn hủy, hoán đổi linh hoạt để khách du lịch có thêm nhiều lựa chọn. Giai đoạn này kích cầu cần tập trung vào chất lượng, tăng trải nghiệm từ đó tăng nhu cầu chi tiêu của khách.

Trước đó, theo kết quả khảo sát tâm lý và hành vi của khách du lịch sau Covid-19 của Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) cho thấy có 41,2% người được hỏi đã sẵn sàng đi du lịch vào dịp tháng 9 đến 11/2020; 20,1% muốn đi du lịch từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2021, vào thời điểm Lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch; 12,4% có kế hoạch đi du lịch vào dịp tết Âm lịch, từ tháng 2 đến tháng 4/2021; 18,2% số người muốn đi du lịch vào dịp nghỉ hè (từ tháng 5 đến tháng 9/2021) và chỉ có 8,1% số người cho rằng sẽ đi du lịch muộn hơn…

Cũng theo kết quả khảo sát, các địa điểm được đông đảo du khách muốn ghé thăm đều là những điểm đến nổi tiếng làm nên thương hiệu du lịch Việt Nam như Lâm Đồng, Đà Nẵng, Hà Giang, Khánh Hòa, Kiên Giang, Hà Nội…

Trong hành trình khám phá của mình, những hoạt động được du khách quan tâm là nghỉ dưỡng biển, khám phá ẩm thực, khám phá thiên nhiên, nghỉ dưỡng núi, tìm hiểu văn hóa lịch sử, vui chơi giải trí. Đối với khách du lịch thời điểm này, có đến 56% số người được hỏi cho rằng điểm đến an toàn là yếu tố chính tác động đến kế hoạch đi du lịch và 32,8% số người cho biết khả năng tài chính sẽ tác động đến chuyến đi.

Có thể thấy, với việc kiểm soát tốt dịch Covid-19, tâm lý của người dân đang dần được bình ổn và có những quan tâm nhất định đến việc đi du lịch. Đây cũng là cơ hội “vàng” để ngành du lịch có thể nắm bắt và nhanh chóng “hồi sinh” trở lại.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Vũ Thế Bình cho biết, khi dịch bùng phát, toàn ngành đã làm nhiều việc hăng hái, nhưng nếu cứ dùng các công cụ bình thường sẽ không giải quyết được khó khăn. Nếu tháng 11, 12 lại bùng dịch thì công sức bỏ ra để kích cầu nhiều mà hiệu quả thu lại không đáng kể.

Cũng theo ông Bình, du lịch vừa phải kích cầu vừa nghĩ giải pháp xa, tốt hơn để giải quyết ảnh hưởng, ví dụ như sống chung với dịch. Để giải quyết bài toán này, doanh nghiệp nên tập trung vào chất lượng dịch vụ. Du khách phải được phục vụ tốt, đưa ra sản phẩm mới nhất hoặc làm lại theo cách mới. Doanh nghiệp lớn cố gắng giới thiệu đến khách hàng sản phẩm mới lạ. Nếu chỉ dùng giải pháp thông thường như giảm giá, yêu cầu hỗ trợ thì không còn phù hợp.

Mới đây, tổ chức du lịch thế giới đưa khẩu hiệu “Covid-19 chuyển đổi du lịch, hãy tư duy theo cách mới, tiếp cận khách hàng theo cách khác, tìm hiểu hệ thống tự động, sử dụng trí tuệ nhân tạo, tiếp cận công nghệ mới để phát triển”.

Chính vì vậy, doanh nghiệp nên chuyển đổi số để khắc phục nhanh hậu quả dịch bệnh để lại. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, giảm phí tham quan, vé, lệ phí hoạt động để các doanh nghiệp có động lực tiếp tục hoạt động...

Bên cạnh đó, theo ý kiến của các địa phương, ngành du lịch sớm được phục hồi cần có sự liên kết chặt chẽ để kế hoạch kích cầu đạt được hiệu quả. Theo bà Võ Thị Ngọc Thúy- Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, thời gian tới cần phát huy thực chất liên kết vùng để tạo ra sản phẩm hấp dẫn, kết nối các địa phương, thành phố là một mắt xích của chuỗi địa phương sẵn sàng chào đón du khách.

Đồng quan điểm, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy, dự kiến cuối tháng 10, sẽ kết nối ngành du lịch của Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh và 9 tỉnh phía Bắc. Chương trình được kỳ vọng mang lại sự liên kết phát triển du lịch địa phương thời gian tới.

Trước đó nhằm tạo sự liên kết, tỉnh Hà Giang cùng 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch.

Theo bà Triệu Thị Tình, Phó giám đốc Sở VHTTDL Hà Giang, song song với tuân thủ, tỉnh đang xây dựng sản phẩm mới để hấp dẫn du khách, kích cầu sự phát triển của ngành. Thời gian tới, địa phương sẽ giới thiệu cao nguyên đá Đồng Văn với du khách trong và ngoài nước. Tỉnh cũng xây dựng kịch bản kích cầu ngành du lịch trong tương lai, kết hợp phòng chống dịch.

“Chúng tôi đề xuất với các đơn vị, giảm thuế, hỗ trợ giá điện để giúp các doanh nghiệp kinh doanh du lịch làm tốt nhiệm vụ phát triển ngành… Tỉnh Hà Giang cam kết với Tổng Cục Du lịch, các tỉnh thành trong cả nước cùng kích cầu, xây dựng Hà Giang - địa điểm du lịch bản sắc, an toàn”, bà Tình khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kích cầu du lịch: Hấp dẫn nhưng phải an toàn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO