Kích hoạt du lịch Tết

Thúy Hằng 16/01/2023 07:00

Với tín hiệu khởi đầu thuận lợi ngay từ những ngày đầu năm mới 2023, ngành du lịch kỳ vọng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão cùng với dịp lễ hội Xuân tại các vùng miền sẽ thúc đẩy hoạt động du lịch sôi động hơn. Năm nay, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách, trong đó có 8 triệu lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu từ khách du lịch đạt khoảng 650.000 tỷ đồng.

Du khách thích thú với trải nghiệm vãn cảnh bằng xích lô ở Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.

Thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam

Theo Google, lượng tìm kiếm quốc tế du lịch Việt Nam đang tăng trưởng khoảng 50% - 75%, mức tăng cao thứ 4 thế giới.

Năm 2023 hoạt động du lịch trên thế giới và trong nước dần phục hồi và phát triển trở lại. Cơ hội cho các đoàn khách du lịch quốc tế đã đến khi việc đi lại trở lại bình thường. Vì thế, với thị trường khách du lịch quốc tế, Việt Nam cần tập trung khai thác thị trường đã mở cửa, các thị trường du lịch đã phục hồi kết nối hàng không. Bên cạnh đó, đầu tư mạnh mẽ thu hút các thị trường mới nổi, nhiều tiềm năng, triển vọng như Ấn Ðộ, Trung Ðông; đồng thời thực hiện miễn thị thực du lịch cho các nước châu Âu, Australia, New Zealand, Canada, Mỹ...

Ðối với thị trường du lịch nội địa, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, việc xác định thị trường du lịch nội địa là trọng tâm và tập trung khai thác thị trường này nhưng do thu nhập của người dân ngày càng hạn hẹp, dẫn đến tâm lý hạn chế đi du lịch.

Như vậy, để du lịch nội địa và du lịch quốc tế tăng trưởng trở lại và phục hồi nhanh chóng trong năm 2023, chắc chắn ngành du lịch phải có những thay đổi, cải thiện về chất lượng. Đó là việc đưa ra các sản phẩm du lịch phong phú để du khách lựa chọn, nâng chất lượng lữ hành và dịch vụ du lịch. Đặc biệt, các địa phương phải liên kết với nhau để có kết nối tour du lịch hấp dẫn, phát huy được thế mạnh bản địa, hình thành nên các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm…

Phó Tổng Giám đốc Saigon Toutist Võ Anh Tài chia sẻ, trong năm 2023, Saigon Toutist sẽ phối hợp cùng các đối tác du lịch tàu biển toàn cầu lên kế hoạch tổ chức 30 chuyến du lịch tàu biển với hàng nghìn khách trên 1 chuyến tàu và cập cảng ở các địa phương, nếu được tạo điều kiện thì các chuyến du lịch tàu biển này sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Hồ Gươm là điểm đến yêu thích của khách du lịch. Ảnh: Quang Vinh.

Doanh nghiệp tất bật chuẩn bị tour

Những ngày này khi Tết đến Xuân về, các công ty du lịch trên địa bàn TPHCM, Huế, Đà Nẵng… đều tích cực chuẩn bị các tour sẵn sàng đón khách.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt (nhà C2, Khu Rừng cọ, đô thị Ecopark, Hưng Yên) chia sẻ, năm nay gia đình bà đón con gái ở nước ngoài về ăn Tết. Và để có thời gian bên nhau nhiều hơn, gia đình bà gồm 8 người quyết định đặt vé đi Phú Quốc từ ngày mồng 2 đến hết ngày 6 Tết.

“3 năm nay cứ dịp Tết là cả nhà tôi đặt vé đi du lịch, hoặc cả gia đình tự lái xe ô tô đi du lịch trải nghiệm. Như vậy mới biết được các vùng miền đón Tết vui ra sao” - bà Nguyệt nói.

Còn đại diện Công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour cho biết đã chuẩn bị dịch vụ để phục vụ khách xuyên Tết, đáp ứng các nhu cầu đặt dịch vụ tự chọn, dịch vụ từng phần của các du khách có kế hoạch du Xuân đột xuất.

Theo ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc Truyền thông và Marketing TST tourist, giá tour Tết năm nay sẽ cao hơn năm ngoái từ 10 - 20%, đặc biệt với các tuyến đường dài do chi phí vé máy bay, xe vận chuyển tăng. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thùy Linh - Giám đốc Công ty Mlitravel cho rằng du khách hiện nay rất quan tâm đến chất lượng tour. Nhiều người nhờ các công ty lữ hành thiết kế tour riêng với những trải nghiệm khác biệt, phù hợp với sở thích, thói quen của từng gia đình để họ vừa được trải nghiệm, vừa giữ gìn sức khỏe và quan trọng nhất là chất lượng chuyến đi.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, tính đến nay đã có 21/22 quận, huyện và TP Thủ Đức ra mắt các sản phẩm du lịch đặc trưng. Những sản phẩm du lịch này được xây dựng dựa trên tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, phục vụ đông đảo du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là dịp Tết 2023.

Nâng cao khả năng cạnh tranh

Thủ tướng Phạm Minh Chính khi nói về hướng phát triển du lịch Việt Nam cũng đã yêu cầu, cần cơ cấu lại các hoạt động du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, đáp ứng với xu thế toàn cầu và thích ứng với những biến động trên thị trường du lịch thế giới. Xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Nâng cao khả năng cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ.

Thủ tướng cho rằng, để du lịch thực sự là ngành mũi nhọn, ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, phải có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương, sự hợp tác, cạnh tranh bình đẳng và luôn làm mới chính mình của các doanh nghiệp. Tăng cường công tác truyền thông chính sách về phát triển du lịch, các bộ, ngành, cơ quan chủ động hơn nữa trong cung cấp thông tin.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, để phát triển du lịch cần kéo dài thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch vào Việt Nam. Xem xét thí điểm việc cấp thị thực tại cửa khẩu cho khách du lịch quốc tế. Cùng đó là tăng cường vai trò của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài phối hợp hỗ trợ giới thiệu, tổ chức các hoạt động xúc tiến trực tiếp và kết nối lại doanh nghiệp; cập nhật các chính sách của các nước cạnh tranh trong khu vực, để có sự điều chỉnh hợp lý trong hoạt động xúc tiến quảng bá, truyền thông du lịch. Mở rộng việc thiết lập các đường bay trực tiếp kết nối Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ là thị trường nguồn khách du lịch của Việt Nam. Nâng cao các đầu mối kết nối hàng không, với đường bộ, đường biển; cải thiện dịch vụ vận tải nói chung.

Tiềm năng phát triển du lịch Việt Nam rất rõ, nhưng muốn có hiệu quả cao chính du khách cũng như chuyên gia đều cho rằng, phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, đa dạng, bản sắc độc đáo riêng có của Việt Nam; phải kiên định mục tiêu nhưng hết sức linh hoạt, thích ứng, luôn đổi mới sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số, giải quyết các khó khăn, thách thức mới.

Anh Mark, 24 tuổi, người Hà Lan có mặt ở Việt Nam từ 23/12 đến 3/1 (âm lịch) để thực hiện chuyến du lịch lần thứ 2 vào đúng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão cho biết, lần đầu tiên anh đến Việt Nam du lịch vào tháng 6 /2022 nhưng chưa được thưởng thức hết các món ăn ở đây. Chính vì thế, lần này anh quay lại để “ăn Tết” Việt Nam. Anh cũng cho rằng du lịch Việt Nam cần tăng theo hướng tăng cường kết nối vùng miền. “Chẳng hạn tôi đến Hà Nội ngoài việc thăm Hà Nội thì cũng muốn được thăm thú những nơi gần đó. Như vậy, du khách chắc chắn sẽ quay trở lại”.

Trong những ngày đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã có tín hiệu khả quan. Tỉnh Quảng Nam, phục vụ 89.000 lượt du khách quốc tế; Thủ đô Hà Nội đón 38.000 lượt; TPHCM phục vụ 35.000 lượt; Khánh Hòa 6.950 lượt; Bà Rịa-Vũng Tàu 5.815 lượt… Khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu đến từ các thị trường Hàn Quốc, Nga, Đức, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Trung Đông, Đông Âu.

Du khách quốc tế tìm hiểu cách gói bánh chưng. Ảnh: Quang Vinh.

Ẩm thực Việt Nam đã nổi tiếng thế giới. Quảng bá du lịch từ ẩm thực là cơ hội tuyệt vời để thu hút, kéo dài thời gian lưu trú, chi tiêu của khách du lịch. Theo ông Nguyễn Quang Huy - Chủ tịch Mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vistartup), ẩm thực là thế mạnh rất đặc trưng để thu hút khách, nhất là nhóm khách quốc tế. Ngành thực phẩm, đồ uống, kinh doanh ẩm thực theo định hướng phát triển du lịch thông minh, kinh tế đêm sẽ góp phần giúp cộng đồng khởi nghiệp có nhiều cơ hội phát triển, đưa sản phẩm ẩm thực Việt Nam xuất khẩu tại chỗ thông qua khách du lịch, qua đó có thể mở rộng thị trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kích hoạt du lịch Tết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO