Kiểm soát chặt chẽ nợ công

Hồ Hương (thực hiện) 23/09/2019 08:00

Ông Võ Hữu Hiển- Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) khẳng định, việc quản lý nợ công và tái cơ cấu nợ công từ nay đến cuối năm 2020 và giai đoạn 5 năm tiếp theo cần được tiếp tục triển khai đồng bộ với việc thực hiện các mục tiêu, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh; trong đó, có cơ cấu lại ngân sách nhà nước, đầu tư công, khu vực doanh nghiệp nhà nước, hệ thống các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng.

Kiểm soát chặt chẽ nợ công

Ông Võ Hữu Hiển

PV: Xin ông cho biết tình trạng nợ công của Việt Nam hiện nay như thế nào?

Ông Võ Hữu Hiển: Với chủ trương thực thi chính sách tài khoá thận trọng, tốc độ tăng quy mô nợ công đã giảm từ mức 18,1% giai đoạn 2011-2015 xuống còn 8,2%/năm trong giai đoạn 2016-2018. Nợ công so với GDP giảm từ mức 63,7% vào năm 2016 xuống còn 58,4% tính đến cuối năm 2018.

Qua các đợt làm việc đánh giá bền vững nợ hàng năm, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đánh giá cao việc triển khai hiệu quả cam kết củng cố tài khóa và biện pháp tái cơ cấu, kiểm soát chặt chẽ nợ công của Chính phủ Việt Nam. Các tổ chức này đánh giá nợ công và nợ nước ngoài của Việt Nam hiện ở mức bền vững. Yếu tố này cũng góp phần quan trọng để các tổ chức xếp hạng quốc tế liên tục nâng hạng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong thời gian gần đây.

Kế hoạch trả nợ là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu. Xin ông chia sẻ về kế hoạch trả nợ của Việt Nam trong những năm tiếp theo?

- Trong những năm vừa qua, Chính phủ luôn chủ động bố trí đủ nguồn trong dự toán cân đối ngân sách để trả nợ trong mức đã được Quốc hội phê duyệt, theo đúng cam kết với các nhà đầu tư, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ so với thu ngân sách nhà nước được duy trì ở mức hợp lý. Đến cuối năm 2018 đạt khoảng 15,9%, thấp hơn ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép là 25%. Để đạt được kết quả này, Bộ Tài chính đã chủ động thực hiện linh hoạt hàng loạt các biện pháp tái cơ cấu nợ trái phiếu Chính phủ trong nước và quốc tế trong thời gian qua để giảm đỉnh nợ, không để nghĩa vụ trả nợ tập trung quá nhiều vào một năm, giảm áp lực cân đối nguồn của ngân sách nhà nước. Trong đó, tận dụng thị trường vốn trong nước tương đối thuận lợi, mức lãi suất trung bình phát hành trái phiếu Chính phủ hiện ở mức 4,95%/năm, thấp hơn so với năm 2017 là 7,0%/năm. Bộ Tài chính thực hiện tái cơ cấu một phần danh mục trái phiếu Chính phủ đã phát hành trước đây để giãn đỉnh nợ và giảm nghĩa vụ nợ của Chính phủ.

Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế thuận lợi, Bộ Tài chính đã chủ động phát hành trái phiếu quốc tế mới để mua lại nợ gốc 2 khoản trái phiếu quốc tế đã phát hành năm 2010 và năm 2005, giãn nghĩa vụ trả nợ gốc cho ngân sách khi đến hạn trái phiếu quốc tế vào năm 2015 và năm 2020.

Tuy vậy, cùng với ảnh hưởng của việc thay đổi vốn vay ưu đãi dành cho các nước nghèo và kém phát triển của Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới kể từ năm 2017, các chỉ tiêu chi phí - rủi ro danh mục nợ Chính phủ, đặc biệt là nợ nước ngoài, có xu hướng kém thuận lợi hơn trước đây. Trong bối cảnh cân đối ngân sách cho chi trả nợ còn nhiều khó khăn, đồng thời để phòng ngừa rủi ro thanh khoản cho danh mục nợ công, trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường để triển khai các phương án mua lại, hoán đổi trái phiếu Chính phủ đáo hạn trong năm 2020 và năm 2021 tại các thời điểm trung - dài hạn.

Để tiếp tục đảm bảo kiểm soát chặt chẽ nợ công, Bộ Tài chính sẽ có những giải pháp như thế nào, thưa ông ?

- Bộ sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ. Việc nghiên cứu, đề xuất các ngưỡng an toàn nợ cho giai đoạn 5 năm tới cần được đánh giá hết sức thận trọng, không chỉ tập trung vào quy mô nợ so với GDP mà còn phải phù hợp với khả năng chi trả nợ của ngân sách nhà nước, ưu tiên tạo thêm dư địa để bố trí nguồn lực ngân sách cho đầu tư phát triển

Bên cạnh đó, Bộ thực hiện cơ cấu lại danh mục nợ công thông qua các nghiệp vụ quản lý nợ chủ động; thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước, thị trường trái phiếu Chính phủ cả về chiều sâu và chiều rộng theo hướng đa dạng hóa công cụ nợ và mở rộng cơ sở nhà đầu tư. Đối với vốn vay nước ngoài, Bộ sẽ thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách lớn trong việc huy động, quản lý và sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi, tập trung cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên.

Song song với các giải pháp nói trên, Bộ Tài chính cũng kiểm soát chặt chẽ các khoản vay của cơ quan địa phương, hoạt động vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay, tự trả, đặc biệt là các khoản nợ ngắn hạn.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm soát chặt chẽ nợ công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO