Kiên quyết từ chối các dự án hại môi trường

Minh Phương 21/10/2016 13:40

Người đứng đầu ngành Công Thương yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty và các DN kiên quyết từ chối đầu tư các dự án có công nghệ tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường. “Vấn đề môi trường quá cấp bách cần phải hành động ngay” - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị 11/CT-BCT, trong đó nêu bật những chỉ đạo quyết liệt của cơ quan này đối với vấn đề liên quan đến môi trường gây bức xúc trong thời gian gần đây.

Rà soát lại các báo cáo đánh giá tác động môi trường

Chỉ thị của Bộ Công Thương nêu rõ: Thời gian qua đã xảy ra nhiều vấn đề liên quan tới công tác an toàn, bảo vệ môi trường và chất lượng xây dựng các công trình nhiệt điện, thủy điện, hóa chất, khai thác khoảng sản, đặc biệt là các vi phạm về môi trường đối với xử lý chất thải, các sự cố trong quá trình xây dựng và vận hành thử nghiệm tại nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, Alumin Nhân Cơ, thủy điện Sông Bung 2, thủy điện Ia Krel 2, DAP Đình Vũ… việc vi phạm các qui định đã gây ra tai nạn, sự cố, ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng, tài sản, đời sống của người dân, gây dư luận và hiệu ứng bất đồng trong xã hội…

Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức trách nhiệm các ngành, các cấp, doanh nghiệp còn hạn chế; chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng, an toàn và bảo vệ môi trường; công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin còn yếu và thiếu chủ động; hệ thống pháp luật chưa đồng bộ; phương án bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường trong giai đoạn thi công chưa được quan tâm và kiểm soát chặt chẽ.

Trước thực trạng trên, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các sự cố nhằm đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất của ngành Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ thị Các Tập đoàn, Tổng công ty và các doanh nghiệp phải rà soát chất lượng các báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt, tập trung vào các dự án lớn, có nguy cơ cao tác động xấu đến môi trường, hoàn thành và báo cáo kết quả về Bộ Công Thương trước ngày 31/12/2016.

Kiểm soát chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng, vận hành thử nghiệm và hoàn thành các hạng mục, công trình bảo vệ môi trường của dự án đúng cam kết, bảo đảm chất lượng và tiến độ; Lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục chất lượng nước thải, khí thải theo quy định.

Kiên quyết từ chối dự án hại môi trường

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty và các DN kiên quyết từ chối đầu tư các dự án có công nghệ tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, từng bước đổi mới, cải tiến công nghệ đối với các nhà máy hiện có để giảm phát thải, cải thiện môi trường.

Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương, người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ, Chính phủ và nhân dân về việc tổ chức quán triệt chấp hành đầy đủ và nghiêm túc các chính sách và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực và đơn vị của mình.

Trước thực trạng các nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường thời gian qua, Chỉ thị 11 nêu rõ: Các chủ đầu tư dự án nhiệt điện than, xây dựng và thực hiện quy trình thải tro xỉ nhà máy, đảm bảo không phát tán tro xỉ ra môi trường.

Đồng thời khẩn trương hoàn thành đàm phán và ký hợp đồng tiêu thụ tro xỉ các Nhà máy nhiệt điện, đặc biệt là các Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2, Vũng Áng trong năm 2016.

Người đứng đầu ngành công thương cũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với Tổng cục Năng lượng tập trung tuyên truyền, phổ biến về công nghệ và giải pháp bảo vệ môi trường của các Nhà máy nhiệt điện than.

Đối với lĩnh vực khai thác khoáng sản, yêu cầu Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty Đông Bắc chỉ đạo các cơ sở khai thác khoáng sản rà soát, đánh giá nguy cơ sạt lở của toàn bộ các bãi thải, thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường các mỏ, bãi thải; tăng cường kiểm tra, giám sát hệ thống công nghệ, các kho, bồn chứa, tuyến ống vận chuyển hóa chất, hệ thống đê, kè của các hồ chứa nước thải quặng đuôi.

“Với lĩnh vực sản xuất hóa chất và phân bón, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chỉ đạo các cơ sở sản xuất phân bón DAP giải quyết dứt điểm các tồn tại liên quan đến quản lý, xử lý và tiêu thụ bã thải gyp. Các nhà máy sản xuất phốt pho phải tăng cường kiểm soát khí thải” - Chỉ thị 11 nêu rõ.

Đặc biệt, trước sự cố thủy điện Hố Hô xảy ra tại Quảng Bình vừa qua, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các chủ đập thủy điện cần vận hành hồ chứa theo đúng quy trình liên hồ, đơn hồ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc bảo đảm an toàn cho vùng hạ du khi xả lũ; xây dựng các phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập, phòng chống lụt bão vùng hạ du đập phù hợp.

Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Trước đó, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cũng đã có buổi giám sát về vấn đề môi trường tại Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, đồng thời, Chủ tịch cũng đã có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo Bộ Công Thương liên quan đến các vấn đề về môi trường tại các nhà máy nhiệt điện than.

Chủ tịch cũng bày tỏ quan điểm, dư luận, nhân dân mong muốn, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan, trong phạm vi trách nhiệm của mình, rà soát việc quy hoạch các trung tâm nhiệt điện trong cả nước, ban hành các tiêu chuẩn về đánh giá tác động môi trường, tiêu chuẩn hoạt động của các nhà máy nhiệt điện, nhất là đối với hệ thống xả khí, nước thải và xử lý tro, xỉ; tổ chức tốt việc đánh giá tác động môi trường, nhất là đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động tích lũy của các nhà máy trong các trung tâm nhiệt điện; tăng cường hoạt động giám sát, quan trắc và thông tin công khai, minh bạch về tác động môi trường người dân được biết.

Trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cư tri và nhân dân tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh: Đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát lại quy hoạch và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, hoạt động của các trung tâm nhiệt điện than trong cả nước, có sự tham gia giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và báo cáo Quốc hội trong năm 2017.

Bộ Công Thương cũng đã ban hành danh mục các dự án, nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường:

1. Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 Mở rộng, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng; Công ty Cổ phần nhiệt điện Quảng Ninh;

2. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Nhà máy điện Vũng Áng 1 - Công ty điện lực dầu khí Hà Tĩnh, Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, Liên Hiệp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Dự án Nhà máy xử lý khí Cà Mau;

3. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam: Dự án Alumin Nhân Cơ - Đắc Nông, Công ty Nhôm Lâm Đồng, Dự án mỏ sắt Thạch Khê và Dự án khai thác và chế biến đồng Sin Quyền;

4. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam: Công ty DAP số 1, Công ty DAP số 2, Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, các nhà máy sản xuất Photpho và hóa chất thuộc Khu công nghiệp Tằng Loỏng Lào Cai và Công ty Phân đạm Ninh Bình;

5. Tổng công ty Thép Việt Nam: Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên - TISCO;

6. Tập đoàn Dệt may Việt Nam: Khu công nghiệp dệt may Phố Nối Vinatex, Tổng công ty may Việt Thắng;

7. Tổng công ty Giấy Việt Nam: Nhà máy giấy Bãi Bằng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiên quyết từ chối các dự án hại môi trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO