Đừng đúc một khuôn

Minh Hằng 05/06/2016 12:35

Trẻ con vẫn là trẻ con, chứ không phải người lớn thu nhỏ. Vì vậy em nghĩ đừng ép chúng theo cái mà người lớn nghĩ, đừng đúc một khuôn rằng muốn thành công thì cần phải học giỏi Toán, Văn, Ngoại ngữ…Hãy để cho bọn trẻ phát triển theo năng lực, sở trường của mình, nhất định các cháu sẽ đạt được hiệu quả cao hơn. 

Chị Hoa nhớ,

Hôm qua lướt web em biết Hà Nội hiện đang nắng rát da rát thịt, còn bên này, xứ sở chuột túi lại đang bước vào một mùa đông lạnh giá. Đây cũng là thời điểm thằng Pop nhà em khoái nhất bởi cả gia đình bắt đầu lên ý tưởng cho các hoạt động trượt tuyết tại khu du lịch Falls Greek. Thế nào chị cũng thắc mắc, đi chơi thế thì chuyện học hành của cháu Pop thế nào?

Thực ra chuyện học của bọn trẻ bên này khác hoàn toàn ở nhà mình. Nếu ở nhà cả năm phải học quá nhiều nên học sinh coi nghỉ hè là thiên đường để thỏa sức vui chơi thì ngược lại, nhiều đứa trẻ ở Úc rất thích đến trường. Như với cháu Pop đi học là để kết bạn, chơi thể thao, tìm hiểu tự nhiên - xã hội và vô vàn thứ khác đủ để thỏa mãn hàng loạt câu hỏi “Tại sao”.

Đơn giản như việc mỗi buổi sáng đến lớp, thông thường các cháu có khoảng 30 phút đầu giờ cho các hoạt động ngoài trời với các môn thể thao tự chọn hay múa hát, nhào lộn, chạy nhảy... 30 phút khởi động như thế đủ để trẻ bắt đầu một ngày mới rất hứng khởi và phấn khích. Chúng vào lớp học với một cơ thể sảng khoái và cái đầu tỉnh táo nên hiệu quả thu được rất cao.

Chị biết không,

Có một việc rất phổ biến trong mỗi lớp học là mỗi khi học sinh phạm lỗi thì các thầy cô ở đây có cách giải quyết rất hài hòa. Ở mức độ nhẹ, giáo viên chủ nhiệm sẽ ngồi nói chuyện riêng với từng học sinh để tìm rõ nguyên nhân và đưa ra hướng giải quyết. Nặng hơn, học sinh sẽ được đưa lên gặp hiệu trưởng và nặng nhất mới mời phụ huynh đến cùng trao đổi với nhà trường để tìm phương pháp giáo dục con em mình.

Thế nhưng dù ở cấp độ nào, những sai phạm của học sinh đều không bị nêu ra trước toàn lớp hay toàn trường để phê bình hạ thấp tư cách của trò. Các thầy cô giải thích rằng, học sinh chỉ là những đứa trẻ đang ở giai đoạn đầu chập chững vào đời, tập sống, tập làm người bởi vậy các em không thể không mắc lỗi. Biết nhận lỗi và sửa lỗi thì sau này các em mới có thể trưởng thành và chững chạc hơn trong cuộc sống.

Hay như điểm số cũng vậy. Thầy cô không cho rằng con bị điểm kém tức là con dốt mà sẽ tìm hiểu nguyên nhân , xác định lại trình độ để giao bài đúng với khả năng. Hồi mới sang đây vốn tiếng Anh còn kém nên cháu Pop không thể tiếp thu hết kiến thức của thầy cô, đôi lúc còn hiểu sai cả đề bài. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân hạn chế của con, ngoài việc giảng chậm hơn, giao cho con những bài toán đơn giản hơn, thầy Peter O’Mahle phụ trách lớp của cháu còn tình nguyện nhận kèm thêm 30 phút mỗi tối để cháu có thể nâng cao vốn tiếng Anh bằng các bạn.

Em kể vậy không có ý so sánh gì, chỉ muốn nói với chị tại sao việc đến trường với những đứa trẻ ở đây lại trở nên nhẹ nhàng đến thế. Hôm qua thấy chị sốt sắng chia sẻ trên facebook việc tìm thầy giáo dạy kèm Toán, Lý cho cháu Quyên dịp hè để chuẩn bị bước vào lớp 6, em lại thấy thương bọn trẻ. Chúng bị quá nhiều áp lực. Áp lực của bố mẹ khi muốn con mình “phải bằng con người ta”. Áp lực với thầy cô khi ai cũng muốn thành tích của học trò mình sánh ngang cùng lớp chọn…

Trẻ con vẫn là trẻ con, chứ không phải người lớn thu nhỏ. Vì vậy em nghĩ đừng ép chúng theo cái mà người lớn nghĩ, đừng đúc một khuôn rằng muốn thành công thì cần phải học giỏi Toán, Văn, Ngoại ngữ…Hãy để cho bọn trẻ phát triển theo năng lực, sở trường của mình, nhất định các cháu sẽ đạt được hiệu quả cao hơn. Hè này có gì mới gửi cho em nhé.

Em gái của chị!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng đúc một khuôn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO