Kinh tế 2022: Kỳ vọng bứt phá

HOÀNG MAI 17/01/2022 14:00

Mới đây, trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội khóa XV, vấn đề phát triển kinh tế, tìm hướng đi cho kinh tế đất nước trong bối cảnh đại dịch đã trở thành chủ đề được quan tâm nhất tại nghị trường.

Kinh tế vẫn có điểm sáng

Ghi nhận nền kinh tế vẫn có những điểm sáng, là nền tảng tốt cho phục hồi và phát triển, từ điểm cầu Nhà Quốc hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (ĐBQH TP Hồ Chí Minh) đánh giá, mặc dù mức tăng trưởng GDP thấp nhất trong 10 năm qua, song kinh tế vĩ mô ổn định, xuất khẩu đạt khá, đặc biệt là nông sản, thu ngân sách vẫn vượt dự toán… “Chính vì thế, chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là rất cần thiết. Tôi cơ bản đồng tình và nhận thấy báo cáo của Chính phủ về vấn đề này đã được chuẩn bị khá kỹ, không chỉ nêu ra mục tiêu mà đã có những giải pháp cụ thể”, Chủ tịch nước nói.

Nhận xét cụ thể về gói hỗ trợ tài khóa, theo Chủ tịch nước, đề xuất của Chính phủ là “ở mức tối thiểu cần thiết”, tuy không lớn nhưng như vậy là hợp lý để đảm bảo kiểm soát rủi ro, nhất là rủi ro lạm phát. Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thực thi, Chủ tịch nước yêu cầu “khẩn trương, quyết liệt triển khai để những khoản hỗ trợ đến ngay với người dân, doanh nghiệp; trong quá trình đó cần giám sát chặt chẽ để phòng chống tham ô lãng phí”. Tương tự, công cụ thuế cần được sử dụng thật tốt để giúp đỡ doanh nghiệp trong lúc khó khăn nhưng cũng đảm bảo cân bằng ngân sách, an ninh tài chính quốc gia. Cùng với đó, cần nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế; phát huy tính tự cường, nâng cao năng suất lao động thông qua công tác đào tạo nghề… Đồng ý với giải pháp hỗ trợ lãi suất nhưng Chủ tịch nước lưu ý hài hòa lợi ích giữa tất cả các bên.

Đồng tình với sự cần thiết triển khai nhanh gói hỗ trợ, ĐB Nguyễn Phú Cường (Đồng Nai), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, phát biểu: “Người ốm cần thuốc, cần bồi dưỡng sau khi khỏi bệnh. Kinh tế Việt Nam cũng vậy. Nếu chỉ đạo kiên quyết như chống dịch thì hiệu quả giải ngân sẽ rất cao”. Theo ông Cường, cần kích cả cung và cầu, trong đó “kích cầu đầu tư hiệu quả và an toàn hơn kích cầu tiêu dùng”.

Trước đó, trình bày tờ trình của Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về giải pháp tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, chương trình hướng đến mục tiêu khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5%-7%/năm giai đoạn 2021-2025, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn. Về các giải pháp tài khóa, tiền tệ cụ thể để hỗ trợ thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, dự thảo nêu rõ, tăng bội chi ngân sách nhà nước tối đa 240.000 tỷ đồng để hỗ trợ thực hiện chương trình. Bao gồm: miễn, giảm thuế, phí, lệ phí khoảng 64.000 tỷ đồng trong năm 2022, khoản chi đầu tư phát triển tối đa là 176.000 tỷ đồng. Việc triển khai tập trung chủ yếu trong 2 năm 2022-2023.

Đáng lưu ý, Chính phủ sẽ sử dụng 6.600 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động.

Tạo nền tảng vững chắc để phát triển bền vững

Ngay sau phiên khai mạc kỳ họp bất thường một ngày, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương. Tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá về năm 2021 một năm Covid-19 bủa vây nền kinh tế nước nhà, là: “Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn đó, Chính phủ, chính quyền các địa phương và toàn hệ thống chính trị đã cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực”.

Về phần mình, nhiều lãnh đạo địa phương đã khẳng định “không một địa phương nào bị bỏ lại phía sau” trong khi đại dịch vẫn đang làm khó nền kinh tế nước nhà. Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải thì cho rằng qua đại dịch, bài học rút ra là: “Sự thành công trong thời gian qua do Chính phủ và các địa phương chủ động nhưng không chủ quan, nóng nhưng tuyệt đối không vội, nhanh nhưng tuyệt đối không ẩu” và rằng Chính phủ luôn đồng hành với địa phương, tập trung vào các địa phương khó khăn.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng thì nói: Chính phủ đã phát huy được kết quả, thành tựu trong kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội của nhiệm kỳ trước đây, đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các nhiệm vụ, phù hợp với diễn biến tình hình thực tiễn ở các địa phương.

“Đặc biệt địa phương thấy rất rõ sự tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng chính sách, cải cách lề lối làm việc, nhất là việc phân cấp, phân quyền cho địa phương. Tinh thần này đã được Chính phủ thể hiện rõ trong quá trình điều hành và tổ chức thực hiện”, ông Quảng nhận định. Nhờ đó, theo lời ông Quảng, chúng ta đã nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh và chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để khôi phục phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội với những chỉ số ấn tượng, đặc biệt là giữ vững được kinh tế vĩ mô, đạt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu, tổng thu ngân sách nhà nước đã vượt 16,4% dự toán, bảo đảm được các cân đối lớn, cán cân thương mại, duy trì được thặng dư.

Trong Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Chính phủ đã đưa ra chủ đề điều hành của năm 2022 là: “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”. Chủ đề này được cụ thể hóa trong một số trọng tâm chỉ đạo điều hành. Mà ở đây điểm đầu tiên, Chính phủ nhắc đến là, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao, biến thách thức thành cơ hội; thực hiện thành công, toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, tạo nền tảng vững chắc để phát triển bền vững…

Thứ đến là, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; kiên định thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Xác định vaccine, thuốc điều trị Covid-19 và nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân là các yếu tố quyết định trong phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, Chính phủ cho rằng, cần bám sát tình hình, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn, tận dụng các động lực tăng trưởng mới, bền vững.

Rồi, cần tập trung thực hiện 3 trọng tâm: Khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược.

Và, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế thực chất, hiệu quả. Phát triển thương mại điện tử, kinh tế số và các mô hình kinh doanh mới dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số. Tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài nhiều năm.

Một hệ giải pháp được đưa ra trên cơ sở đúc rút những kinh nghiệm của chính ta trong 2 năm chống dịch với hy vọng “Năm 2022 phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2021”, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế 2022: Kỳ vọng bứt phá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO