Kinh tế thế giới hậu covid: Bức tranh sáng tối

Thanh Đức 11/01/2022 07:15

Dịch Covid-19 dưới tác động của biến thể Omicron tiếp tục lan mạnh, đặc biệt là tại Hoa Kỳ và châu Âu. Theo bà Catherine Smallwood - quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phụ trách khu vực châu Âu, khi Omicron lan rộng, kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt với khó khăn nếu như đại dịch Covid-19 không sớm chấm dứt.

Kinh tế toàn cầu sẽ chịu nhiều biến đổi hậu Covid -19. Nguồn: New York Times

Tại thời điểm này, người ta chưa thể đánh giá được ảnh hưởng của biến thể Omicron đối với các nền kinh tế thế giới, nhưng những chỉ số ban đầu đã cho thấy không ít khó khăn. Theo The Economist, trước tiên là việc quay trở lại làm việc của người lao động sẽ không được như kỳ vọng. Ở Mỹ và Đức, số người làm việc lần lượt giảm khoảng 25% và 16% so với mức trước đại dịch. Ở Anh, nơi chính phủ đã ban hành hướng dẫn làm việc tại nhà, tỷ lệ này thấp hơn, tới 30%.

Truyền thông Mỹ cho biết, trong năm 2021, chính quyền của ông Biden đã tạo ra được hơn 11 triệu việc làm mới. Nhưng thật bất ngờ là chỉ khoảng 7 triệu người đăng ký công việc, có nghĩa là còn khoảng 4 triệu việc làm bị bỏ trống. Đây là nghịch lý chưa từng có từ trước tới nay: thừa chỗ làm thay vì thiếu chỗ làm.

Theo dữ liệu từ Open Table, hiện có ít người dùng bữa tại các nhà hàng hơn so với năm 2019. Ở Mỹ và Anh, số thực khách trong tuần (tính trung bình) thấp hơn 15%, cho dù đã mở cửa sống chung với Covid-19.

Nổi bật là biến thể Omicron đã làm gián đoạn việc đi lại bằng đường hàng không. Dịp lễ Noel vừa qua, có tới 15.000 chuyến bay trên toàn cầu bị bãi bỏ. Trong 2 ngày đầu năm mới, số chuyến bay bị bãi bỏ cũng lên tới hơn 10.000. Theo Công ty dữ liệu Flight Aware, chỉ riêng nước Mỹ, số các chuyến bay phải hủy bỏ vào khoảng 12,5%. Đáng chú ý, trong ngày 24/12/2021, chỉ có 3,2 triệu hành khách được bay, thấp hơn nhiều so với mức hơn 5 triệu vào cùng thời điểm của năm 2019.

Tất nhiên những con số trên không bao quát toàn bộ các lĩnh vực kinh tế, nhưng nó cũng cho thấy phần nào khó khăn “hậu Covid” khi mà đại dịch vẫn chưa dập tắt. Vì thế, các chuyên gia phân tích tại cơ quan xếp hạng Moody’s đã điều chỉnh giảm dự báo về tăng trưởng của Mỹ vào đầu năm 2022, một phần do chi tiêu cho du lịch giảm.

Đặc biệt đáng lo ngai, theo Công ty tư vấn Pantheon Macroeconomics, nếu các ca nhiễm mới tiếp tục leo thang thì rất có thể nhiều chính phủ sẽ áp những hạn chế mới, khiến chuỗi kinh tế toàn cầu chưa thể khôi phục ngay. “Chỉ cần Mỹ hoặc một vài quốc gia châu Âu tái phong tỏa trong vòng 3 tuần thì sẽ kéo lùi tăng trưởng hai bên bờ Đại Tây dương không dưới 3 tháng” - theo Bloomberg.

Thực tế cho thấy, kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu (năm 2020), tình trạng khủng hoảng tài chính và nhân đạo lan rộng, đẩy một số nước trên thế giới đến bờ vực vỡ nợ. Nhà kinh tế học Harsha de Silva của Sri Lanka cảnh báo đến tháng 1/2023, dự trữ ngoại hối của nước này sẽ âm 437 triệu USD (hiện dự trữ ngoại hối của nước này chỉ là 1,6 tỷ USD).

Năm 2021, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính nửa triệu người Sri Lanka đã rơi vào đói nghèo. Tỷ lệ lạm phát tăng lên mức kỷ lục 11,1% trong tháng 11/2021, giá thực phẩm leo thang chóng mặt. Những mặt hàng cơ bản trở nên quá tầm với của nhiều người dân nước này.

Cuộc khủng hoảng tại Sri Lanka một phần do ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 và tổn thất về du lịch (trước dịch chiếm 10% GDP). Trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, hơn 200.000 lao động trong ngành du lịch và lữ hành ở Sri Lanka mất việc.

Sri Lanka không phải là quốc gia tiêu biểu, nhưng với việc dẫn chứng từ một nước nghèo, theo Blooberg, cũng có thể thấy hồi phục kinh tế sau hơn 2 năm bị tàn phá bởi đại dịch là điều khó khăn. Nhất là với các quốc gia vay nợ nước ngoài nhiều.

Tuy nhiên, tín hiệu sáng cho kinh tế thế giới năm 2022 được cho là đại dịch Covid-19 sẽ sớm chấm dứt và nhiều quốc gia đã bơm ra những gói hỗ trợ khổng lồ để phục hồi và kích thích tăng tốc phát triển. Dự báo lạc quan nhất được đưa ra từ WHO là đại dịch sẽ chấm dứt trong năm nay. Còn WB dự báo kinh tế toàn cầu năm 2022 sẽ ở mức tăng trưởng 4,5%.

Sự gia tăng số ca mắc Covid-19 ở Mỹ đang dấy lên báo động, song một số chuyên gia nước này cho rằng chỉ nên tập trung vào số ca nhập viện. Tiến sĩ Anthony Fauci cho biết, nhiều ca mắc có ít hoặc không có triệu chứng, vì thế nên tập trung vào số ca nhập viện thay vì tổng số ca nhiễm. Trong khi đó, trong vòng 10 ngày đầu năm 2022, số ca nhập viện tại Mỹ tăng 63% so với trước khi biến thể Omicron xuất hiện, cho dù số ca tử vong thấp. Báo cáo của CDC Mỹ cho biết, số ca nhiễm biến thể Omicron chiếm 95% số ca mắc mới ở nước này. Tuy nhiên, tiến sĩ Wafaa El-Sadr, Giám đốc ICAP – Trung tâm Y tế toàn cầu tại Đại học Columbia cho biết, việc đếm số ca nhiễm dường như không phải là quan trọng nữa. Thay vào đó, nên chuyển trọng tâm vào việc ngăn ngừa bệnh tật, tàn tật và tử vong. Việc đếm ca nhiễm ở giai đoạn đầu của dịch là để theo dõi diễn tiến dịch, tuy nhiên nó được coi là một biện pháp không hoàn hảo, một phần vì nó chủ yếu bao gồm các ca nhiễm được phòng thí nghiệm xác nhận, chứ không phải số ca nhiễm thực tế bên ngoài vốn cao hơn nhiều lần.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế thế giới hậu covid: Bức tranh sáng tối

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO