Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa phát động chương trình “Khôi phục du lịch nội địa toàn quốc khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 đợt 4”. Việc kích cầu bên cạnh tạo cơ hội để ngành du lịch “hồi sinh” sau đại dịch cũng đang đặt ra những thách thức cho các đơn vị.
Báo Đại Đoàn Kết đã ghi nhận ý kiến từ các nhà quản lý, chuyên môn về những khó khăn cũng như các kỳ vọng cho ngành du lịch trong thời gian tới.
Cần thống nhất các khái niệm mới trong du lịch
Đó là chia sẻ của Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình: Quan điểm an toàn của khách, của địa phương khác nhau nên thể hiện bằng chính sách cũng khác nhau. Đó là khó khăn từ nhận thức. Có nhiều địa phương rất tích cực triển khai hoạt động du lịch, coi du lịch là công cụ để khôi phục kinh tế, nhưng nhiều địa phương không ủng hộ việc này.
Vấn đề quan trọng bây giờ là chúng ta phải hiểu khái niệm “vùng xanh” như thế nào? “Vùng xanh” ở đây phải là điểm nhỏ nhất về an toàn ở trong một địa bàn nhất định. Có thể một phường, một xã, một phố an toàn, một ngôi chùa an toàn là đi thăm được. Triển khai chương trình này rất vất vả, vì chưa thống nhất được nhận thức, chưa thống nhất được với nhau trong các hoạt động của ngành.
Du lịch an toàn không có nghĩa là chỉ đi trong địa phương đấy. Nếu địa phương bên cạnh an toàn thì chúng ta cũng có thể đi. Trong du lịch không có khái niệm ranh giới giữa tỉnh nọ và tỉnh kia mà chỉ có giới hạn các vùng an toàn. Vì vậy chúng ta mới có khái niệm “bong bóng du lịch”. Đó chính là con đường nối các vùng an toàn lại với nhau. Triển khai chương trình này là cụ thể hoá những khái niệm “bong bóng”, khái niệm về “vùng xanh”, “con đường xanh” bằng những đoàn khách cụ thể.
Kỳ vọng đầu tiên của toàn ngành là sẽ thống nhất được các khái niệm mới trong du lịch. Trong đó, du lịch an toàn là nội dung bắt buộc và phải chuyển tải nội dung này trong tất cả các hoạt động lớn, nhỏ của du lịch. Đây là điều rất khó vì thay đổi từ nhận thức đến hành động của hàng triệu người làm du lịch không phải dễ. Thông qua các hoạt động thực tế, các địa phương sẽ tìm ra sự thống nhất, sự đồng thuận về du lịch an toàn, các điểm xanh, con đường xanh.
Như vậy, khái niệm về liên vùng, liên ngành mới thực chất hơn. Chúng tôi cũng mong muốn, chương trình tạo được thói quen cho người Việt Nam về đi du lịch an toàn, ngay cả trong lúc khó khăn nhất.
Tạo mối liên kết giữa các vùng xanh
Còn Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng thì cho rằng: Những người làm du lịch phải kết nối lại với nhau và phải kết nối các điểm đến an toàn, kết nối các dịch vụ an toàn để tạo thành chuỗi sản phẩm, chương trình du lịch an toàn cho du khách.
Muốn du lịch an toàn thì phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chí nhất định về tiêm vaccine ngừa Covid-19, phải tính toán khi nào cần xét nghiệm PCR, khi nào cần xét nghiệm nhanh, khi nào không cần xét nghiệm? Đi trong nội tỉnh hoặc ngoại tỉnh thì cần điều kiện gì? Lữ hành nắm chắc đâu là vùng xanh, đâu là vùng đỏ, cam và yêu cầu của từng địa phương như thế nào… Như thế, du lịch phải có sự kết nối, hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành, các địa phương.
Việc khởi động chương trình khôi phục du lịch nội địa với chủ đề “Kết nối xanh du lịch Việt Nam” là nhằm tạo sự kết nối giữa các “vùng xanh”. Thông qua đó, sẽ giúp cho nhiều doanh nghiệp du lịch và địa phương được tham gia và hưởng lợi, nhất là khi không ít doanh nghiệp đã rất khó khăn như hiện nay. Đây là các tour du lịch khép kín, được giám sát, kiểm tra chặt chẽ để đảm bảo an toàn. Du khách và các cá nhân tham gia đều cần tiêm vaccine Covid-19 hoặc xét nghiệm âm tính.
Tuy nhiên, trong thời gian tới hoạt động du lịch không thể diễn ra tự do, tự phát như trước mà cần sự kiểm soát cùng các điều kiện để hoạt động. Cụ thể là phải có các điều kiện cho tất cả các bên tham gia vào chuỗi cung ứng du lịch như lữ hành, lưu trú, điểm đến, ăn uống, vui chơi… Các cơ quan quản lý tại địa phương sẽ cấp phép và giám sát để đảm bảo an toàn và chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn.
Bên cạnh đó, du lịch phụ thuộc rất nhiều vào quy định giãn cách, quan trọng là địa phương nào sẵn sàng đón khách. Ngoài ra, tuyến du lịch giữa các “vùng xanh” có thể phải đi qua “vùng đỏ”, vì vậy cũng rất mong chính quyền tại “vùng đỏ” có cơ chế hỗ trợ.
Sớm triển khai “thẻ thông hành xanh” cho khách nội địa
Theo Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAP) Hoàng Nhân Chính: Xu hướng chính đối với khách du lịch Việt Nam sau dịch đó là “du lịch trả thù” khi người dân đã phải ở nhà một thời gian dài sau nhiều đợt bùng phát dịch bệnh. Trong khảo sát của TAB mới đây, số người trả lời sẵn sàng đi du lịch ngay rất cao. Cho thấy tín hiệu tích cực của thị trường trong thời gian tới.
Xu hướng thứ hai đó là du lịch an toàn và có cân nhắc về tài chính. Theo đó, yếu tố an toàn dịch bệnh được đặt lên hàng đầu trong mọi quyết định đi du lịch của người dân. Đòi hỏi các doanh nghiệp cần gắn chặt tiêu chí này khi thiết kế các sản phẩm.
Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu của khách nội địa cần sớm triển khai “thẻ xanh thông minh” như một điều kiện bắt buộc. Vừa qua, TAB đã đề xuất Chính phủ nên nghiên cứu, xem xét áp dụng “thẻ thông hành xanh Việt Nam”, giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn, dần khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có hoạt động du lịch.
Đối tượng được cấp “thẻ thông hành xanh” không chỉ gồm những người đã tiêm đủ mũi vaccine, mà cần có cả những F0 đã khỏi bệnh, những người có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ (dù chưa hoàn thành tiêm vaccine).
“Thẻ thông hành xanh” cần được kết nối liên thông với ứng dụng quản lý sức khỏe điện tử của người dân, cho phép thực hiện trên đa nền tảng, mã QR để dễ dàng truy xuất trên điện thoại thông minh hoặc in giấy, tạo thuận lợi cho người dùng.
Tuy nhiên, để triển khai một cách đồng bộ các cơ quan chức năng cần đưa ra tiêu chí chung, thống nhất về hoạt động đưa, đón khách du lịch, tránh tình trạng mỗi địa phương, đơn vị lại có chính sách riêng về “thẻ thông hành xanh”, gây tình trạng lộn xộn, khó khăn cho du khách.