Kinh tế thế giới trôi về đâu?

Thế Tuấn 09/08/2020 08:31

Giữa tháng 4/2020, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố báo cáo cho biết nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm 3% trong năm 2020, trái ngược hoàn toàn so với mức dự báo tăng trưởng 3,3% được chính tổ chức này đưa ra hồi tháng 1. Tuy nhiên, tình hình diễn biến rất mau lẹ và xấu đi nhanh chóng khi dại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành.

Mới đây, chính Giám đốc điều hành IMF, bà Kristalina Georgieva đã cho rằng ước đoán kinh tế thế giới sẽ suy giảm 3% trong năm 2020 là một ước đoán quá lạc quan. Và rằng kinh tế thế giới sẽ chỉ phục hồi khi tìm ra vaccine ngừa SARS-CoV-2 và phương pháp điều trị hiệu quả Covid-19.

Số người thất nghiệp tại Mỹ vẫn không ngừng tăng.

Nhận định của IMF (thời điểm giữa tháng 4/2020) rằng, với điều kiện đại dịch giảm bớt cường độ trong nửa cuối năm 2020, tăng trưởng toàn cầu sẽ tăng trở lại ở mức 5,8% vào năm 2021. Nhưng rồi diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 đã khiến các dự báo trở nên thiếu chắc chắn.

Ngay từ giữa tháng 5, khi châu Âu đang quay cuồng vì Covid-19 và người Mỹ vẫn còn khá chủ quan thì Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đưa ra con số: Trong năm 2020, nền kinh tế toàn cầu có thể bị thiệt hại từ 5,8 nghìn tỷ tới 8,8 nghìn tỷ USD, tương đương 6,4% tới 9,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Theo đó, những tổn thất về kinh tế ở châu Á -Thái Bình Dương có thể dao động từ 1,7 nghìn tỷ USD trong kịch bản ngăn chặn ngắn với thời gian 3 tháng lên tới 2,5 nghìn tỷ USD trong kịch bản ngăn chặn dài trong 6 tháng. Với khu vực này chiếm khoảng 30% tổng mức sụt giảm sản lượng toàn cầu.

Trước đó, tại Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADB), công bố ngày 3/4/2020 đã được coi là “mạnh dạn” khi đưa ra con số ước tính thiệt hại toàn cầu do Covid-19 có thể dao động từ 2 nghìn tỷ tới 4,1 nghìn tỷ USD trong năm nay. Báo cáo của ADB cũng cho rằng, thu nhập của lao động trên toàn thế giới sẽ giảm từ 1,2 nghìn tỷ tới 1,8 nghìn tỷ USD.

Theo Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, thì cần phải nhìn nhận một cách tổng thể và thực tế tác động tiềm tàng to lớn của Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu, không loại trừ bất cứ quốc gia nào. Điều đó sẽ giúp các chính phủ điều chỉnh và định hướng chính sách phù hợp trong khi buộc phải áp dụng các kịch bản ngăn chặn đại dịch.

Sự đổ gãy đe dọa nền kinh tế toàn cầu.

Kinh tế Mỹ lao đao và tác động tới thế giới

Nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ, tới nay cũng đã “chóng mặt” với Covid-19. Một số liệu thống kê mới đây của YELP (dịch vụ trang Vàng trực tuyến tại Mỹ) cho biết khoảng hơn 2.800 doanh nghiệp nhỏ ở thành phố New York đã phải đóng cửa vĩnh viễn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kể từ tháng 3 tới nay. Trong số này, có tới một nửa số doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa ở quận trung tâm Manhattan, bởi các khu văn phòng lớn ở đây giờ không còn công ty thuê để làm việc, những cư dân giàu có sống trong khu vực này cũng đã chuyển tới các nơi khác tạm lánh dịch. Trong khi đó, khách du lịch vắng bóng kể từ khi đại dịch khiến thành phố phải phong tỏa suốt nhiều tháng.

Tóm lại, năm nay, 1/3 trong tổng số 240.000 doanh nghiệp nhỏ tại thành phố New York đối mặt với nguy cơ không thể mở lại hoạt động, qua đó khiến 520.000 người mất việc làm.

New York là nơi có số doanh nghiệp lớn (trong top 500) nhiều hơn bất cứ thành phố nào ở Mỹ, nhưng số lượng doanh nghiệp nhỏ ở đây cũng rất nhiều và đóng góp vào các tuyến kinh doanh huyết mạch của thành phố, mang lại việc làm cho khoảng 3 triệu người, chiếm tới một nửa lực lượng lao động.

Một nhận định trên tờ New York Times (số ra ngày 3/8), với tốc độ mở cửa chậm chạp như hiện nay ở New York, thì không có sự hỗ trợ khẩn cấp nào đủ cứu sống các doanh nghiệp nhỏ, kể cả các cửa hàng bán lẻ rất khó có cơ phục hồi. Cho dù trong gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 2,2 nghìn tỷ USD được thông qua hồi tháng 3, chính quyền liên bang đã dành ra khoảng 500 tỷ USD cho các doanh nghiệp nhỏ vay để giữ cho doanh nghiệp có thể tồn tại và trả lương cho người lao động.

Tuy nhiên, hầu hết các chủ doanh nghiệp nhỏ đều cho biết họ đã chi hết khoản được vay để trả lương cho người lao động, chi trả các khoản điện nước và tiền thuê nhà.

Đáng buồn là New York không phải là nơi duy nhất ở Mỹ có nhiều doanh nghiệp nhỏ lao đao. Theo nghiên cứu của Đại học Harvard, chỉ tính giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5/2020, có tới 110.000 doanh nghiệp nhỏ ở nước này phải đóng cửa do dịch Covid-19.

Còn nhớ, năm 2018, chính nước Mỹ đã thúc đẩy nền kinh tế thế giới tăng trưởng trở lại sau hơn một thập kỷ, bằng việc cắt giảm thuế và chi tiêu giúp có thêm tiền chảy vào thị trường trong nước và thế giới. Tuy nhiên, theo IMF, nguy cơ phía trước là phần lớn dân số Mỹ sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm của chất lượng cuộc sống và tình cảnh đặc biệt khó khăn về kinh tế có thể sẽ còn kéo dài trong vài năm tới. Một sự thật nghiệt ngã mà nước Mỹ đang phải đối mặt đó là sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump cam kết chi khoảng 3.000 tỷ USD để vực dậy nền kinh tế, số ca Covid-19 lại tăng nhanh đến mức chóng mặt, trong khi đó các chương trình trợ cấp vừa hết hạn.

Nhiều quốc gia đang tỏ ra rất lo lắng về những gì xảy ra với nước Mỹ. Nền kinh tế hàng đầu thế giới này đang chiếm khoảng 1/4 GDP toàn cầu. Nói như ông Hideo Kumano- Chuyên gia trưởng của Viện nghiên cứu Dai-ichi Life (Nhật Bản) thì tốc độ hồi phục của kinh tế Nhật Bản có quan hệ trực tiếp với việc Mỹ chống dịch Covid-19 thành công đến đâu. “Nền kinh tế Nhật Bản có phục hồi được hay không hay sẽ bị trì hoãn nếu dịch bệnh tiếp tục lây lan ở Mỹ và xuất khẩu từ nhiều quốc gia châu Á khác sang Mỹ không tăng trở lại”- ông Hideo Kumano nói.

Trong khi đó, vẫn theo IMF, GDP của Mỹ trong năm nay sẽ giảm 6,6%. Nhưng Ngân hàng Trung ương Canada lại tỏ ra bi quan hơn khi dự đoán mức giảm này còn có thể lên đến 8,1%. Đây là kịch bản khiến Canada không khỏi đau đầu khi nước láng giềng Mỹ là điểm đến của 3/4 lượng hàng hóa xuất khẩu của họ.

Phía trước vẫn ảm đạm

Nhận định từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), IMF) hay ADB… đều tỏ ra bi quan về viễn cảnh kinh tế giới cho giai đoạn 2020-2021.

Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2020, Covid-19 được cho là đã cuốn trôi 12.000 tỷ USD của cải trên thế giới. Điều khác biệt so với các cuộc khủng hoảng trước đó là tất cả các đầu tàu kinh tế của thế giới khi đó đã không bị đóng băng cùng một lúc như hiện nay.

Theo Cơ quan Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ, nền kinh tế nước này đã kết thúc giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong lịch sử và rơi vào suy thoái kể từ tháng 2/2020 và nếu “may mắn” thì sẽ giảm 8% trong năm nay. Còn bức tranh kinh tế châu Âu cũng không sáng sủa gì khi khi hoạt động kinh doanh đình trệ, trở thành mức sụt giảm lớn nhất kể từ năm 1995. GDP của 19 nước thành viên Eurozone ước giảm hơn 10% trong năm nay.

Còn tại Trung Quốc, một đầu tàu khác của nền kinh tế thế giới, với dự báo tốc độ tăng trưởng đang từ 6,9% trong năm 2019 rơi xuống còn 1%. Trong quý I/2020, nền kinh tế này đã nhận mức giảm 6,8% - lần suy giảm tăng trưởng lần đầu tiên kể từ năm 1992.

Còn tính từ năm 1995, kinh tế Nhật Bản cũng đã lần đầu tiên rơi vào suy thoái. Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp, tất cả các yếu tố từ tiêu dùng tư nhân, chi tiêu vốn và xuất khẩu đều sụt giảm.

Vào đầu cuộc khủng hoảng, hầu hết mọi người dự đoán sự phục hồi nhanh chóng hình chữ V. Lúc đó, không ít chuyên gia kinh tế nhận định, nền kinh tế chỉ cần một khoảng thời gian ngắn để trở lại bình thường và chỉ sau 2 tháng, với những kích thích đủ lớn, kinh tế thế giới sẽ lấy lại đà tăng trưởng. Tuy nhiên, đến nay, điều đó đã không xảy ra mà càng ngày càng ảm đạm hơn. Sự hồi phục hình chữ V đã trở thành ảo tưởng. Khó khăn len lỏi không chỉ tại những quốc gia thất bại trong xử lý đại dịch, mà cả ở những quốc gia dịch bệnh đã tạm lắng - một nhận định của Project Syndicate.

Theo Project Syndicate, sẽ xuất hiện thêm nhiều hơn các “zombie”- xác sống, khi mà thế giới đang đứng trước nhiều ẩn số, mà trong đó ẩn số về virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 vẫn đầy bí ẩn.

IMF trong một báo cáo đã báo động Covid-19 tác động đến tất cả các khu vực địa lý trên toàn cầu. Số người lao động mất việc cũng tăng mạnh. Trong khi đó, theo ADB, GDP tại các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ 5,4% năm 2019 giảm xuống còn 0,1% trong năm nay. Vẫn theo ADB, kinh tế thế giới năm 2020 có thể sẽ bị thiệt hại khoảng 8,8 nghìn tỷ USD, tương đương với 9,7% GDP toàn cầu do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế thế giới trôi về đâu?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO