Kinh tế toàn cầu và cơ hội khởi sắc

Hà Anh 20/01/2022 10:26

Nhiều nước trên thế giới đang nới lỏng các quy định kiểm dịch nghiêm ngặt, xem xét lại các biện pháp hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và quay trở lại hỗ trợ khẩn cấp trong thời kỳ đại dịch như là một nỗ lực đưa nền kinh tế trở lại “tần số” bình thường của nó.

Nhiều hy vọng đối với nền kinh tế toàn cầu trước sự xuất hiện của Omicron. Ảnh: AP

Nhiều ý kiến cho rằng, các động thái này được thúc đẩy bởi tính chất gây bệnh ít nghiêm trọng của biến thể Omicron, nhu cầu đảm bảo nguồn nhân lực và sự phục hồi toàn cầu đang được theo dõi sát sao. Bước đầu, nó đã tạo ra một tia lạc quan khiến giá dầu và cổ phiếu tăng.

Mở cửa

Nhiều chuyên gia y tế cho biết, sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron có thể báo trước một bước ngoặt của đại dịch. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc nhiều vào cách các nhà chức trách quản lý các chiến dịch tiêm chủng đang diễn ra và cân bằng các biện pháp y tế cần thiết, đồng thời thuyết phục người dân mở lòng hơn với vaccine.

“Chúng tôi đang thực hiện một thay đổi lớn và điều đó cũng có nghĩa là chúng tôi chấp nhận rủi ro lớn”, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tuyên bố, trước khi các cửa hàng, tiệm làm tóc và phòng tập thể dục được mở cửa trở lại trong quá trình dỡ bỏ một phần việc khóa cửa bất chấp số lượng trường hợp mới tăng kỷ lục ở nước này.

Giờ đây, việc “khóa cửa” đã là một biện pháp hiếm gặp, khi hầu hết các nước phương Tây đều đã vượt qua giai đoạn đó và tập trung hơn nữa vào cách mở cửa an toàn.

Trước chu kỳ lây nhiễm nhanh hơn của biến thể Omicron, nhiều nước đã cắt giảm thời gian cách ly từ 10 ngày xuống còn 5 ngày, đây cũng là cơ sở để nới lỏng các quy tắc phòng dịch nghiêm ngặt đã dẫn đến làn sóng nghỉ việc của công nhân, khiến các doanh nghiệp điêu đứng.

Vương quốc Anh và Isael đã nới lỏng yêu cầu đối với các xét nghiệm PCR tiếp theo sau khi có kết quả của lần thứ nhất do tỷ lệ lây nhiễm tăng cao của Omicron khiến các phòng thí nghiệm quá tải. Truyền thông địa phương cho biết, Anh có thể thông báo nới lỏng hơn nữa các hạn chế vào cuối tháng này.

Omicron lây lan nhanh nhưng không gây ra sự gia tăng về số ca nhập viện và tử vong, điều này đã khiến cho thế giới có cái nhìn lạc quan hơn về biến thể này. Thậm chí Thủ tướng Tây Ban Nha còn đề nghị, nó nên được điều trị tương tự như một căn bệnh phổ biến, chẳng hạn như bệnh cúm.

“Sống chung” với virus

Trong khi rất ít người nhắc một cách cụ thể về khái niệm này, thì các nhà hoạch định chính sách hiện đã bắt đầu mô tả Covid-19 là thứ mà các doanh nghiệp và hộ gia đình phải học cách sống chung để cứu vớt các nền kinh tế khỏi tình trạng lạm phát.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell cho biết: “Những gì chúng ta đang thấy là một nền kinh tế hoạt động theo làn sóng Covid-19. Nếu các chuyên gia đúng và Omicron nhanh chóng đạt đỉnh trong vòng một tháng tới và đi xuống sau đó, tôi nghĩ, có khả năng thị trường việc làm sẽ thêm bấp bênh và có lẽ là kinh tế còn ngừng tăng trưởng, nhưng khoảng thời gian đó sẽ ngắn hơn và sau đó là sự “sống dậy”.

Một kịch bản như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc Fed có thể chuyển sang bình thường hóa chính sách trong năm nay với nhiều nhất là ba lần tăng lãi suất. Một nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết: “Omicron đang tỏ ra rất dễ lây lan nhưng ít gây chết người hơn, vì vậy các nền kinh tế sẽ sống chung với nó”.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nếu triển vọng lạc quan trên thành hiện thực, các chính phủ cũng có thể bắt đầu rút lại hỗ trợ tài chính khẩn cấp, đã dẫn đến mức tăng nợ toàn cầu lớn nhất kể từ Thế chiến II. Vào tháng 10/2021, IMF đưa ra dự báo tăng trưởng toàn cầu của năm 2022 là 4,9%, đồng thời nhấn mạnh sự không chắc chắn do Covid-19 gây ra. Tổ chức này cũng trì hoãn việc dự báo triển vọng mới nhất của mình đến ngày 25/1 do những diễn biến mới nhất của Omicron.

Đặt niềm tin vào vaccine

Dự báo về bức tranh kinh tế màu hồng còn dựa vào các chiến dịch tiêm chủng đầy đủ để hạn chế các ca bệnh nặng. Điều này đồng nghĩa với việc tăng cường khả năng tiếp cận với các mũi tiêm ở các nước đang phát triển, trong khi các quốc gia giàu có hơn tập trung vào việc thúc đẩy, phát triển nguồn lực vaccine.

Bằng chứng rõ ràng tại Italia và Đức cho thấy, khả năng bảo vệ đáng kể của vaccine, tránh nhiều nguy cơ nhập viện, chăm sóc đặc biệt và tử vong. Ví dụ, số ca nhập viện vì Covid-19 của Hà Lan vẫn là trên 900 ca, so với trong thời gian đại dịch đạt đỉnh khoảng 2.000 ca.

Chính phủ Hà Lan đang hy vọng sẽ nhanh chóng tăng tỷ lệ bao phủ tiêm nhắc lại khoảng 50% người lớn, tuy nhiên đây là một tỷ lệ tương đối thấp theo tiêu chuẩn của khu vực đồng tiền chung châu Âu. Có thể là phù hợp khi đặt niềm tin vào sự phục hồi kinh tế toàn cầu trước biến thể Omicron, nhưng điều này vẫn có thể đi ngược lại với những thực tế khó khăn về mặt dịch tễ học.

Ông Lawrence Young, Giáo sư Ung thư Phân tử, Đại học Warwick, cho biết, các nghiên cứu của Mỹ và Nhật Bản cho thấy, hơn 30% trường hợp vẫn có khả năng lây nhiễm cao sau 5 ngày, điều này cảnh báo việc nới lỏng các biện pháp cách ly có thể phản tác dụng. “Đây là một quyết định dựa trên nhu cầu đưa mọi người trở lại làm việc. Nhưng những người trở lại làm việc sau 5 ngày vẫn có nguy cơ cao lây nhiễm cho những người khác”- ông Young nói.

Ông Young và nhiều chuyên gia khác cho biết, những rủi ro đó có thể được giảm thiểu bằng cách thực thi nghiêm ngặt việc xét nghiệm, đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc - một thông điệp sức khỏe khôn ngoan đối với các nhà chức trách được cho là đang nới lỏng một số quy tắc.

Ông Jean-Christophe Caffet, nhà kinh tế trưởng của công ty bảo hiểm tín dụng Coface, cho rằng, tác động của Covid-19 đối với các nền kinh tế hàng đầu sẽ ít gây xáo trộn hơn so với hai năm trước. Nhiều nhà kinh tế học cũng tin rằng, đời sống kinh tế và xã hội sẽ dần được bình thường hóa vào năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế toàn cầu và cơ hội khởi sắc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO