Kinh tế tư nhân cần sân chơi bình đẳng

H. Hương 04/05/2017 09:00

Số doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới tại các vùng miền đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Khu vực kinh tế tư nhân được nhìn nhận cần tạo lực hơn nữa để phát triển. Thế nhưng có một thực tế, số lượng DN đang hoạt động chỉ bằng 1/10 so với lượng hộ kinh doanh, điều này cũng cho thấy rằng tiềm lực khu vực hộ kinh doanh chưa được khai thác triệt để.

Báo cáo mới nhất từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, trong 4 tháng đầu năm tổng vốn đăng ký của DN là 369.600 nghìn tỷ đồng, tăng 48,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Số vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,3 tỷ đồng, tăng 30,6%. Đó là những con số đáng mừng cho thấy cộng đồng DN đã tin tưởng hơn vào các cơ hội kinh doanh.

Cũng có nghĩa là cộng đồng DN đã có phản hồi tích cực với Luật DN 2014, khi nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm, thủ tục được rút gọn. Luật DN 2014 đã lan tỏa, mang lại luồng sinh khí mới cho môi trường kinh doanh.

Vai trò khu vực kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định. Theo bình luận của PGS.TS Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chỉ cần gọi là khu vực kinh tế tư nhân đã đủ tầm quan trọng rồi, vì đó là nền tảng của kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, theo một điều tra của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đa số hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi lên DN; trong số 11% hộ kinh doanh được khảo sát có quy mô trên 10 lao động, chỉ có 5% dự định chuyển sang hoạt động theo hình thức DN. Vì sao?

Giới chuyên gia cho biết, với quy định hiện hành, hộ kinh doanh đang có lợi hơn DN về chi phí kinh doanh, chi phí quản lý. Cụ thể, hộ kinh doanh được giảm 50% lệ phí thành lập, hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập đơn giản hơn. Hộ kinh doanh được linh hoạt lựa chọn phương pháp tính thuế cho phù hợp với hoạt động của mình. Hộ kinh doanh có nhiều lợi thế khi hồ sơ, thủ tục góp vốn, tham gia kinh doanh, thanh tra, kiểm tra đơn giản hơn... Chưa kể so với việc thành lập DN, hộ kinh doanh bị hạn chế khá nhiều, như quyền kinh doanh, chỉ kinh doanh tại một địa điểm, hay hạn chế huy động vốn, số lượng lao động. Điều này cũng dẫn đến thực tế, không ít hộ kinh doanh kê khai vốn kinh doanh và tài sản cố định thấp hơn nhiều so với giá trị thực để tránh sự chú ý của cơ quan giám sát.

Tại một cuộc hội thảo vừa diễn ra tại Hà Nội, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích việc hộ kinh doanh và cả DN ngần ngại chính thức hóa hoạt động để lớn lên là vì DN càng lớn thì áp lực thanh tra, kiểm tra càng nhiều, rủi ro càng lớn. Kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 thậm chí đã phải lên tiếng cảnh báo về tình trạng này, khi phát hiện rằng, nếu doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tiếp đón 1 - 2 đoàn thanh tra, kiểm tra trong 1 năm, thì DN quy mô lớn phải đón 3 cuộc…

Nhưng với không gian hội nhập, và hơn hết đặt trong bối cảnh cần phải nâng tầm khu vực kinh tế tư nhân, yêu cầu phát triển hộ kinh doanh thành DN là việc phải làm. Tiềm lực hộ kinh doanh đang mở ra rất lớn.

Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, nếu muốn hộ kinh doanh trở thành DN, gỡ cho họ cái gì mà họ e ngại nhất khi trở thành DN, đó là sổ sách kế toán, thủ tục nộp thuế. Nếu có một chế độ kế toán, thủ tục nộp thuế đơn giản cho khu vực DN nhỏ, siêu nhỏ phù hợp với quy mô và tính chất hoạt động, các hộ sẽ nhìn thấy khoảng cách không quá lớn giữa cái họ đang làm và cách họ sẽ phải làm khi chuyển đổi thành DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế tư nhân cần sân chơi bình đẳng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO