Kinh tế tư nhân: Động lực chính chưa được coi trọng

Nhật Minh 27/06/2017 08:00

Với lực lượng khá áp đảo, chiếm tới 97% và được ví như cỗ xe tam mã của nền kinh tế, song theo nhận định của giới chuyên gia, khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa thực sự phát huy được thế mạnh của mình.

Giới chuyên gia khuyến cáo, cần loại bỏ các rào cản để thúc đẩy mạnh hơn nữa khu vực kinh tế tư nhân.

Chưa bình đẳng

Mặc dù Chính phủ đang có nhiều nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt ngày càng có nhiều động thái từ nhà quản lý cho thấy kinh tế tư nhân (KTTN) đang được đề cao hơn so với thời điểm trước đây. Song nhìn vào thực tế hiện nay, khu vực kinh tế này vẫn còn gặp rất nhiều rào cản, chưa thể bứt phá như kỳ vọng của Chính phủ.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam đang được thực hiện một cách khó khăn, ngay cả ở những lĩnh vực tưởng đơn giản như quá trình từ đăng kí DN đến khởi sự kinh doanh, DN vẫn không thể hoạt động một cách dễ dàng được.

Dẫn chứng cho nhận định này, bà Lan cho hay, mặc dù khâu đăng ký kinh doanh đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư rút ngắn hơn nhiều so với trước, song từ lúc đăng ký đến khi DN khởi động lại có quá nhiều cơ quan liên quan và có quyền trong việc cấp phép cho DN. Chính vì thế mà quá trình cải cách Việt Nam luôn bị thụt lùi so với các nước khác.

Dù thừa nhận, thời gian gần đây, vai trò của KTTN đã được đề cao hơn, Chính phủ đã quan tâm hơn đến khu vực kinh tế này, song, bà Lan vẫn nhấn mạnh, cần phải lưu ý đến 3 yếu tố sẽ làm động lực cho phát triển khu vực kinh tế này trong thời gian tới.

Theo đó, phải cải cách DNNN thực sự và đảm bảo bằng được kỷ luật thị trường. “Cho đến nay con số DNNN được cổ phần hóa thì nhiều nhưng tổng số tài sản của nhà nước sau cổ phần hóa mới chỉ chiếm 8%, số tài sản còn lại vẫn nằm trong số khu vực DNNN chưa cổ phần hóa” – bà Lan dẫn chứng.

Yếu tố thứ hai, theo vị chuyên gia này, là phải đổi mới hệ thống thuế ưu đãi đối với khu vực DN FDI. Hiện khu vực này vẫn đang được quá nhiều ưu đãi đến mức bất bình đẳng đối với DN trong nước. Và yếu tố cuối cùng đó là cần phải cải cách thể chế, đặc biệt là về thực thi luật pháp, chính sách, thủ tục hành chính, giảm chi phí… đây là điều mà các DN đã và đang kêu ca nhiều nhất.

Nhìn vào thực tế, lâu nay, động lực phát phát triển kinh tế Việt Nam vẫn dựa vào “cỗ xe tam mã” bao gồm: Kinh tế tư nhân, đầu tư nước ngoài và xuất khẩu. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đầu tư nước ngoài và xuất khẩu vẫn luôn là hai động lực chính, còn khu vực KTTN - được coi là con ngựa thứ ba nhưng chưa thực sự được coi như một động lực quan trọng.

“Do đó, Nhà nước cần phải tăng cường phát triển khu vực KTTN bằng các chính sách minh bạch, nhất quán, đồng bộ và phải được thực thi nghiêm ở mọi cấp của nhà nước, vì đầu tư nước ngoài hay xuất khẩu sẽ không phải là cứu cánh cho nền kinh tế Việt Nam” – vị chuyên gia nhấn mạnh.

Kinh nghiệm từ quốc tế

Còn nhớ, tại một hội thảo bàn về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, hầu hết các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều có chung nhận định, ở các quốc gia, khu vực KTTN luôn được chú trọng, được coi là nền tảng của sự phát triển kinh tế quốc gia. Và những chính sách, thủ tục hành chính nào quan liêu, trở thành rào cản, ngáng chân DN đều sẽ được tìm cách loại bỏ.

Chia sẻ những kinh nghiệm về cải cách luật pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, có thể lấy Ba Lan làm một ví dụ. Ông Mariusz Haladyj, Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Ba Lan cho biết, việc hỗ trợ DN được cụ thể hóa bằng cách đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo chu kỳ. Ba Lan đã tiến hành rà soát lại các lĩnh vực chuyên môn, từ đó xác định rõ rào cản để đưa ra kiến nghị, đề xuất sửa đổi Luật trong đó tập trung làm giảm các thủ tục hành chính, đặc biệt và tuyệt đối không để vấn đề thủ tục ràng buộc đến với các DN nhỏ.

Trao đổi về những thủ tục thành lập DN ở Ba Lan, ông Mariusz Haladyj cho biết, trước đây DN muốn làm thủ tục thành lập cũng cần phải “gặp” nhiều cơ quan khác nhau. Nhưng hiện nay, DN chỉ cần thông qua cơ sở đăng kí tập trung dành cho các DN cả nước bằng hình thức đăng kí trực tuyến và hoàn toàn không mất phí.

“Chính phủ Ba Lan đưa ra bộ quy tắc làm giảm còn ít nhất thời gian tiếp xúc giữa nền công vụ và người dân. Nền công vụ vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, vừa góp phần đưa ra giải pháp để doanh nghiệp có cơ hội sửa lỗi”- Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Ba Lan cho biết.

Riêng trong việc giải quyết tranh chấp giữa các DN, ông Mariusz Haladyj khẳng định, Ba Lan giải quyết vấn đề này bằng cách tạo ra các tòa án điện tử. Tòa án này giải quyết các tranh chấp nhỏ có giá trị thấp dưới 6.000 USD ngay từ khi DN có kiến nghị đầu tiên. Tuy nhiên, cơ quan quản lý vẫn luôn chú trọng phương pháp hòa giải vì điều này làm giảm gánh nặng cho tòa án.

Trong lĩnh vực thanh toán thuế trực tuyến, Ba Lan sử dụng công cụ áp dụng rộng rãi cho cả DN và người dân. Đối với những DN nhỏ, công cụ này sẽ yêu cầu các thủ tục đơn giản nhưng đối với các giao dịch có dấu hiệu nghi ngờ, công cụ thanh quyết toán thuế sẽ sử dụng tính năng kiểm soát ở cấp độ cao.

Theo ông Mariusz Haladyj, hầu như tất cả các khâu có tính chất làm chậm quá trình hoạt động của DN, hay bộc lộ những tiêu cực đều được “soi” một cách kỹ lưỡng và loại bỏ sớm nhất có thể, nhằm tạo điều kiện hoạt động hiệu của nhất cho cộng đồng DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế tư nhân: Động lực chính chưa được coi trọng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO