Kinh tế Việt Nam: Điểm sáng trong vòng xoáy lạm phát

H.Hương 17/11/2022 07:00

Trong vòng xoáy lạm phát của nền kinh tế toàn cầu, khi nhiều bức tranh ảm đạm của các nền kinh tế tiếp tục được khắc họa rõ nét thì Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm sáng. Một số chuyên gia quốc tế tiếp tục đưa ra nhiều nhận định lạc quan cho nền kinh tế Việt Nam trong cả năm 2023.

Xuất khẩu đang duy trì đà tăng trưởng cao hai con số với kim ngạch tăng thêm hàng chục tỷ USD so với cùng kỳ 2021. Ảnh: Quang Vinh.

Xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng

Hoạt động xuất khẩu cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 được dự báo đối diện một số khó khăn, thách thức. Chẳng hạn như đứt gãy nguồn cung và giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao khiến cho nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, EU nguy cơ rơi vào suy thoái. Hơn nữa, việc lạm phát tăng cao, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, cũng khiến nhu cầu về các mặt hàng tiêu dùng giảm.

Tuy nhiên, dữ liệu thống kê cho thấy, xuất khẩu đang duy trì đà tăng trưởng cao 2 con số với kim ngạch tăng thêm hàng chục tỷ USD so với cùng kỳ 2021. Tính ra trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 312,94 tỷ USD, tăng 16%, tương ứng tăng 43,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.

Vì sao trong khi các nước lao đao vì lạm phát, biến động tiền tệ, thì xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt được những con số ấn tượng? Câu trả lời không quá khó, khi các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã tận dụng và khai thác được lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng sang thị trường EU như: gạo, sản phẩm mây tre, cói thảm tăng trên 50%; các sản phẩm gốm, sứ tăng trên 25%; nhóm rau quả, dây điện và dây cáp điện tăng trên 15%.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU sau 2 năm đầu tiên thực thi EVFTA (từ tháng 8/2020-7/2022) đạt 83,4 tỷ USD, tức trung bình 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn tới 24% so với kim ngạch xuất khẩu trung bình giai đoạn 2016-2019 trước đó.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), gần 41% DN cho biết đã từng được hưởng ít nhất một lợi ích nào đó từ EVFTA, trong đó, lợi ích phổ biến nhất là từ các ưu đãi thuế quan đối với hàng xuất nhập khẩu và hiệu ứng tích cực trong gia tăng đơn hàng, doanh thu, lợi nhuận.

Tuy nhiên, theo bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep), EU từng là thị trường số 1 của thủy sản Việt Nam, nhưng sau đó bị rơi xuống đứng thứ 4, sau cả Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ. Xuất khẩu cá tra, tôm, hải sản khác vào EU liên tục bị sụt giảm.

Nhưng kể từ năm 2020, khi EVFTA có hiệu lực thì nhóm thủy sản chủ lực đều đã được vực dậy như: Tôm của Việt Nam đã chiếm 40-50% xuất khẩu sang EU, cá tra chiếm 10-16%, các mặt hàng hải sản khác chiếm 35%... Có thể nói, các nhóm mặt hàng thủy sản chính đều được hưởng lợi khi EVFTA có hiệu lực.

Như vậy với những cơ hội tham gia vào các FTA song phương, đa phương và kinh nghiệm trong việc chủ động ứng phó, đa dạng hóa thị trường, nguồn hàng thì xuất khẩu Việt Nam đã hạn chế được những rủi ro nhất định, tạo đà xuất khẩu tăng trưởng bền vững.

Nâng cao chất lượng lao động là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh.

Làn sóng vốn FDI hướng mạnh vào Việt Nam

Dù thế giới đã và đang phải trải qua nhiều cú sốc về kinh tế như đại dịch Covid-19, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và gần đây nhất là xung đột giữa Nga và Ukraine nhưng dòng vốn FDI vẫn liên tục "chảy" vào nhiều lĩnh vực của Việt Nam. Giới chuyên gia nhận định, đà tăng trưởng của Việt Nam vẫn sẽ tiếp diễn bất chấp thế giới và nền tài chính toàn cầu đang trải qua giai đoạn suy giảm.

Đầu tháng 11, Tập đoàn sản xuất đồ chơi LEGO (Đan Mạch) đã khởi công xây dựng nhà máy trị giá hơn 1 tỷ USD tại Bình Dương. Đây là nhà máy thứ 6 trên toàn thế giới và thứ 2 tại Châu Á của Tập đoàn này, và là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO trên toàn cầu, đánh dấu “mốc xanh” trong dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Chưa kể trong 10 tháng qua, có nhiều dự án quy mô lớn đã tăng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Ông Bae Yong Geun - Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam nhận định, Việt Nam là “tâm chấn” của làn sóng vốn đầu tư Hàn Quốc ở Đông Nam Á, với hơn 9.000 công ty Hàn Quốc đã vào Việt Nam và hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất, năng lượng, văn hóa, giáo dục và du lịch.

Ông Bae Yong Geun khẳng định, do Việt Nam là một thị trường mới nổi được thế giới quan tâm, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam dự kiến sẽ còn tăng hơn nữa. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến đạt 8% trong năm nay và ít có công ty nào ngần ngại khi đầu tư vào một quốc gia đang phát triển nhanh như Việt Nam.

Báo cáo Chỉ số môi trường kinh doanh của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố cũng cho thấy, 42% chủ DN dự đoán công ty của họ sẽ tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam vào cuối năm 2022. Họ cũng chỉ ra rằng Việt Nam có thể tăng mức vốn FDI này bằng cách giảm bớt khó khăn về hành chính, cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển năng lực nguồn nhân lực.

Đáng chú ý, 2% lãnh đạo DN được khảo sát cho biết đã chuyển một phần đáng kể hoạt động của DN từ Trung Quốc sang Việt Nam, cho thấy vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng.

Chủ tịch EuroCham Alain Cany khẳng định: “Tương lai tươi sáng đang ở phía trước. Việt Nam mang lại cơ hội đầu tư lớn cho các DN châu Âu. Thông qua FVFTA và cam kết chung của chúng tôi về phát triển bền vững, các công ty Việt Nam và châu Âu có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng”.

Để sẵn sàng các điều kiện cần thiết đón làn sóng đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần chuẩn bị mặt bằng sạch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, năng lượng, lao động có tay nghề, nâng cao năng lực cho DN trong nước để tham gia chuỗi giá trị; chuẩn bị sẵn các "gói" ưu đãi, hỗ trợ đầu tư để đàm phán với những nhà đầu tư chiến lược có tính lan tỏa cao.

Nỗ lực cải thiện, nâng chất nguồn lao động

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 diễn ra mới đây, ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào, đánh giá, Việt Nam hồi phục kinh tế ấn tượng khi có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số các nền kinh tế của châu Á. Đây là quốc gia duy nhất được điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2022 theo hướng tăng, từ 6% lên 7%. Tổ chức này nhận định, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam lạc quan, ngược với xu hướng tăng trưởng chậm lại ở những quốc gia châu Á khác.

Còn Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi bất chấp lạm phát toàn cầu tăng cao cũng như tăng trưởng kinh tế yếu đi ở các quốc gia đối tác thương mại chính. Chính việc kiểm soát tốt dịch Covid -19 đã giúp Việt Nam tạo ra môi trường đầu tư tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, về tổng thể nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam tốt, tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, muốn bứt phá mạnh mẽ, Việt Nam cần chú ý đến cải thiện chất lượng lao động từ đó nâng cao năng suất. Giải pháp cho mục tiêu nâng cao năng suất lao động của toàn nền kinh tế là phải chú trọng nâng cao năng suất lao động của khu vực DN.

Trong khi đó TS Nguyễn Thị Vũ Hà - Trường Đại học kinh tế (Đại học quốc gia Hà Nội) cho rằng, những lợi thế mà EVFTA mang lại cho Việt Nam chỉ là ngắn hạn khi các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Indonesia cũng đang tích cực đàm phán FTA với EU, nên Việt Nam cần tranh thủ "thời gian vàng" đi trước để hút nguồn vốn FDI từ EU.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng trường Đại học kinh tế quốc dân:

Khai thác thế mạnh của các FTA

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam như một ngôi sao sáng trong bối cảnh kinh tế thế giới không ngừng biến động và gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2023 cần tăng cường nguồn lực để nền kinh tế giữ vững thị trường trong nước; khai thác thế mạnh của các hiệp định thương mại để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu…

Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực:

Chính sách tài khóa tiếp tục là chủ lực

Năm 2022 kinh tế thế giới có nhiều áp lực, các nước rơi vào suy thoái do lãi suất và khủng hoảng năng lượng. Điều đó khiến thị trường xuất khẩu thu hẹp và thu hút FDI cũng sẽ khó khăn. Trong bối cảnh đó cần triển khai nhanh và quyết liệt hơn các gói hỗ trợ. Chính sách tài khóa tiếp tục là chủ lực, cần phải tính toán xem liệu có tiếp tục giảm thuế phí nữa hay không? Chúng ta nên tiếp tục đề xuất giãn, hoãn, giảm một số khoản thuế, phí. Bởi số lượng doanh nghiệp tạm thời đóng cửa từ đầu năm đến nay vẫn tăng 38%. Chúng ta phải phối hợp thật tốt giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, giá cả để ổn định kinh tế vĩ mô.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế Việt Nam: Điểm sáng trong vòng xoáy lạm phát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO