An ninh năng lượng cũng là an ninh quốc gia

Minh Phương 22/08/2019 07:05

Kể từ năm 2015, Việt Nam bắt đầu phải mua điện từ nước ngoài. Càng ngày, cùng với sự phát triển, năng lượng càng nổi lên như một vấn đề cấp bách đối với đất nước. Diễn đàn Năng lượng Việt Nam do Bộ Công thương tổ chức sáng 21/8 tại Hà Nội, được coi là “một kênh” tìm lời giải đáp cho vấn đề cấp thiết này.

An ninh năng lượng cũng là an ninh quốc gia

Quang cảnh Diễn đàn.

Áp lực lớn

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, năng lượng và an ninh năng lượng luôn là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ. “Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt ngày 18/3/2016 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) thì từ nay đến năm 2030, năng lượng phải đáp ứng đủ nhu cầu điện cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm”- ông Vượng cho biết.

Cũng theo kịch bản này thì nhu cầu điện thương phẩm các năm 2020, 2025, 2030 sẽ tương ứng là 235 tỷ kWh, 352 tỷ kWh và 506 tỷ kWh (tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2018 đạt 192,93 tỷ kWh). Tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện toàn quốc trong các giai đoạn tới mặc dù sẽ giảm đáng kể so với trước đây nhưng vẫn ở mức rất cao nếu so sánh với các nước trên thế giới, cụ thể là 10,6%/năm (giai đoạn 2016-2020), 8,5%/năm (giai đoạn 2021-2025) và 7,5%/năm (giai đoạn 2026-2030).

Từ năm 2015, từ một nước xuất siêu, Việt Nam đã chuyển sang nhập siêu về năng lượng và ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn năng lượng nhập khẩu. Bên cạnh đó, các nguồn năng lượng tái tạo có giá thành còn cao và gặp nhiều rào cản kỹ thuật và tài chính trong việc phát triển và vận hành các nguồn điện từ năng lượng tái tạo… Đây thực sự là những khó khăn, thách thức đối với ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng hiện nay trong việc đảm bảo cung ứng đủ năng lượng.

Trước những áp lực lớn đối với vấn đề an ninh năng lượng quốc gia, tại Diễn đàn, nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm, cần phải có những chính sách năng lượng hợp lý để khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Theo TS Trần Đình Thiên- nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cơ chế chính sách năng lượng hiện nay đang có khá nhiều vấn đề khiến cho việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng không được như mong muốn. Ông Thiên cho rằng, năng lượng là một ngành đặc thù, đòi hỏi đầu tư lớn, cho nên chính sách cho ngành này phải hết sức cởi mở mới có thể tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. “Sở dĩ thời gian qua, thu hút FDI vào trong nước không hiệu quả như mong muốn một phần do chính sách còn bộc lộ nhiều bất cập. Chính bởi vậy, cần phải có những thay đổi về chính sách mới có thể khuyến khích được đầu tư vào lĩnh vực năng lượng”- TS Trần Đình Thiên nêu quan điểm.

An ninh năng lượng cũng là an ninh quốc gia - 1

Nỗ lực đáp ứng đủ nhu cầu điện cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ảnh: TL.

Không thể “chìa khóa trao tay”

Tại Diễn đàn, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nhấn mạnh đến câu chuyện về điện hạt nhân. Theo ông Quân, thực tế cho thấy, các nguồn năng lượng truyền thống đã cạn kiệt, chúng ta đang phải nhập khẩu than, sắp tới nhập khí hóa lỏng. Nhiệt điện cũng rất nhiều vấn đề khi bị nhiều địa phương phản đối vì tình trạng gây ô nhiễm. Thủy điện cũng đã hết nguồn công suất vừa và lớn. Bên cạnh đó, điện tái tạo rất giàu có nhưng hiệu quả thấp và không ổn định. Dù ta có nhiều tiềm năng điện mặt trời, điện gió thì phụ tải nền không thể trông cậy vào năng lượng tái tạo được. Trong bối cảnh đó, để đảm bảo an ninh năng lượng, ông Quân cho rằng, cần nghĩ đến một loại hình năng lượng chưa gì có thể thay thế được, đó là điện hạt nhân.

“Vì nhiều lý do khác nhau, trước mắt chúng ta phải dừng điện hạt nhân, nhưng về lâu dài tôi cho là, ngày nào đó chúng ta phải quay trở lại với điện hạt nhân, bởi cho đến nay chúng ta vẫn chưa tìm được nguồn năng lượng nào có thể thay thế”- ông Quân chia sẻ. Dẫn chứng về sự cần thiết của nguồn năng lượng này, ông Quân cho hay, Nhật Bản sau thảm họa động đất sóng thần đã hủy bỏ chương trình điện hạt nhân, đóng cửa hơn 50 nhà máy điện hạt nhân. Nhưng đến lúc nào đó họ sẽ phải phát triển trở lại điện hạt nhân với công nghệ an toàn hơn, mức độ tự động hóa và hiệu quả cao hơn. “Ở Việt Nam, chúng ta vẫn phải chuẩn bị phương án, cứ cho là phương án xấu nhất, là phát triển điện hạt nhân”- ông Quân nói.

Dù vậy, ông Quân cũng cho rằng thời điểm hiện nay chưa có cơ sở nào để Việt Nam “làm điện hạt nhân an toàn và bền vững”. Vậy nên vị này bày tỏ mong muốn Bộ Công thương cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ủng hộ Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng trung tâm kỹ thuật hạt nhân với lò phản ứng nghiên cứu do Nga giúp đỡ, thay thế cho lò phản ứng nghiên cứu ở Đà Lạt. Theo ông Quân, đây không chỉ là nơi nghiên cứu mà còn là nơi đào tạo nguồn cán bộ cho ngành hạt nhân của Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Quân cũng đặc biệt lưu ý: “Riêng điện hạt nhân, đừng bao giờ để nước ngoài làm theo phương thức khoán gọn, chìa khóa trao tay”, bởi đây là điều cực kỳ nguy hiểm, vì nó không chỉ liên quan an ninh năng lượng mà còn là an ninh quốc gia. Nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, người ta có thể điều khiển một nhà máy điện hạt nhân từ cách xa hàng trăm ngàn cây số, thậm chí từ không gian. “Chúng ta chỉ mời nhà đầu tư nước ngoài vào làm, còn người giữ an toàn và vận hành phải là người Việt Nam”- theo ông Quân.

Đồng quan điểm, TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng, nên đề xuất cho làm lại điện nguyên tử bởi “không có điện mới chết”.

Nêu quan điểm về vấn đề điện hạt nhân, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, điện hạt nhân là vấn đề lớn của đất nước. Ban Kinh tế Trung ương đang chỉ đạo nghiên cứu để tham mưu với Đảng, Chính phủ có chính sách phù hợp với sự phát triển năng lượng nói chung, trong đó có điện hạt nhân, làm sao đáp ứng nhu cầu năng lượng đất nước và giải quyết nhiều vấn đề khác mà xã hội quan tâm.

Theo TS Trần Đình Thiên- nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cơ chế chính sách năng lượng hiện nay đang có khá nhiều vấn đề khiến cho việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng không được như mong muốn. Sở dĩ thời gian qua, thu hút FDI vào trong nước không hiệu quả như mong muốn một phần do chính sách còn bộc lộ nhiều bất cập. Chính bởi vậy, cần phải có những thay đổi về chính sách mới có thể khuyến khích được đầu tư vào lĩnh vực năng lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    An ninh năng lượng cũng là an ninh quốc gia

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO