Cao điểm mùa mưa: Lại lo chuyện ngập úng

Lê Anh 22/10/2015 22:44

Diễn biến thất thường của thời tiết, cùng với tác động thường xuyên của triều cường đang khiến hệ thống thoát nước và cống chống ngập trên địa bàn TP HCM ngày càng quá tải…

Cao điểm mùa mưa: Lại lo chuyện ngập úng

Các dự án thoát nước thi công rùa bò tại TP HCM.

Hiện nay, TP HCM đang vào cao điểm của mùa mưa. Trong các ngày từ 20 đến 22/10, một số cơn mưa bất chợt kéo dài chưa đến 1 tiếng đồng hồ và lượng mưa chưa đáng kể, nhưng đã khiến nhiều khu vực vùng trũng tại các quận Thủ Đức, Bình Tân, Bình Thạnh, Q.4, Q.7 chịu úng ngập cục bộ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại khu vực Q.7, do bùn rác không được nạo vét trên khu vực Kênh Tẻ nên nhiều khu dân cư liên tục bị úng ngập.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó GĐ Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM cho biết, tuyến Kênh Tẻ có chiều dài 4,5 km, lý trình từ ngã 3 sông Sài Gòn đến ngã 3 Kênh Đôi, là tuyến kênh phục vụ giao thông đường thủy cho khu vực. Do đó, để đảm bảo thông thoáng luồng tuyến và thoát nước cho khu vực thì cần phải tiến hành khảo sát và có phương án nạo vét Kênh Tẻ theo đúng chức năng của kênh này.

Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố đã đề xuất việc lắp đặt các van ngăn triều tại các cửa xả nhằm hạn chế tình trạng triều cường xâm nhập và gây ngập làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Trong những ngày vừa qua, tuyến đường số 9, khu phố Tam Đa, P. Long Trường, Q.9 cũng ngập úng cục bộ liên tục dù lượng mưa chưa đến mức báo động. Đại diện Sở GTVT TP lý giải, việc chưa được đầu tư cống chống ngập tại tuyến đường này là nguyên nhân khiến tuyến đường thường xuyên bị ngập úng khi có mưa, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân tại khu vực.

Về phía Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố cũng đã yêu cầu UBND Q.9 là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý tuyến đường này phải có kế hoạch đầu tư nâng cấp tuyến đường, trong đó có phương án lắp đặt hệ thống thoát nước nhằm đảm bảo thoát nước, vệ sinh môi trường cho khu vực.

Theo phản ánh của người dân tại khu vực Q.Thủ Đức, tiến độ thi công “rùa bò” tại dự án Cải tạo Kênh Ba Bò do Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập làm chủ đầu tư cũng đang khiến người dân khu vực này phải khốn đốn mỗi khi mùa mưa về.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết, nguyên nhân chậm tiến độ của dự án này là do công tác giải phóng mặt bằng còn chậm và Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Q. Thủ Đức chưa bàn giao hoàn tất được mặt bằng cho dự án. Về phía chủ đầu tư cũng đã có văn bản cho biết điều kiện thi công bị tác động bởi thời tiết nên chỉ có thể thi công dự án vào mùa khô nên đã ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Đối với khu vực đường An Dương Vương, từ cầu Mỹ Thuận (P.An Lạc, Q.Bình Tân) đến bến Phú Định (Q.8) dù được quy hoạch mở rộng đã lâu, nhưng đến nay chưa được triển khai thực hiện. Hiện nay, tuyến đường này không có hệ thống thoát nước nên thường xuyên ngập úng, gây khó khăn cho người dân khi tham gia giao thông.

Theo Phó GĐ Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM - Nguyễn Hoàng Anh Dũng thì Trung tâm này đang xây dựng hệ thống thoát nước cho tuyến đường này và dự kiến sẽ cho đấu thầu xây lắp trong tháng 10-2015 nếu được bố trí vốn để khởi công mới. Trong lúc chờ dự án này thì Trung tâm đang nghiên cứu vận hành các van ngăn triều nhằm hạn chế tình trạng xâm nhập triều gây ngập cho khu vực.

Theo khuyến nghị của chuyên gia đến từ Malaysia – Eric thì từ kinh nghiệm xây dựng hệ thống đường ngầm tại Malaysia để làm đường thoát nước vừa kết hợp làm đường giao thông thành công là một ví dụ cho TP HCM nghiên cứu học hỏi.

“Nếu TP HCM có nhu cầu, chúng tôi có thể đầu tư xây dựng các dự án chống ngập theo các hình thức BOT (kinh doanh – xây dựng – chuyển giao), BT (xây dựng – chuyển giao), BOO (xây dựng – sở hữu – kinh doanh)…”, ông Eric cho biết.

Ngoài ra, để chống ngập các chuyên gia nước ngoài cũng khuyến nghị TP HCM nên ứng dụng toàn bộ công nghệ mới để nâng cấp hệ thống cũ và xây dựng cơ sở hạ tầng cho công tác chống ngập với thời gian nhanh hơn.

Cùng với các giải pháp công nghệ, các chuyên gia cho rằng yếu tố con người để thực hiện các đề án chống ngập tại thành phố là nhân tố quyết định, do vậy cần có những chiến lược để đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động này.

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Ngọc Công - GĐ Trung tâm chống ngập TP cho hay: Dự kiến cuối năm nay, thành phố sẽ khởi công xây dựng 6 cống ngăn triều lớn, gồm: Tân Thuận, Bến Nghé, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định và 68 cống ngăn triều nhỏ, gần 7 km đê bao dọc bờ hữu sông Sài Gòn.

Đây sẽ là giải pháp trước mắt để giúp chống ngập cho khu vực trung tâm thành phố. Tuy nhiên, để hướng mục tiêu đến năm 2018 giải quyết hết 31 điểm ngập nặng như hiện nay thì cần nhiều các phương án khác nhau, trong đó có cả việc đàm phán với Ngân hàng Thế giới để tài trợ vốn cho chương trình chống ngập của thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cao điểm mùa mưa: Lại lo chuyện ngập úng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO