Chống buôn lậu, cán bộ phải làm gương

Nguyên Khánh 12/12/2015 07:25

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần khen thưởng, động viên kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, có dấu hiệu, hành vi tiếp tay cho buôn  lậu.

Chống buôn lậu, cán bộ phải làm gương

Kiểm tra, thu giữ hàng buôn lậu, không rõ nguồn gốc.

Chiều 11/12, Ban Chỉ đạo 389 về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tổ chức hội nghị trực tuyến công tác năm 2015 và phương hướng công tác năm 2016. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Thiếu phối hợp, hàng lậu nóng trên các cung đường

Tính đến 15/11 các Bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo lực lượng chức năng các cấp phát hiện, bắt giữ, xử lý 186.989 vụ vi phạm(tăng 6,47% so với cùng kỳ); số thu nộp ngân sách nhà nước từ xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế ước đạt 11.535.863 triệu đồng(tăng 5,75% so cùng kỳ); khởi tố 1.123 vụ đối với 1.281 đối tượng.

Theo Ban Chỉ đạo, dù đã quyết liệt đấu tranh với buôn lậu, gian lận thương mại nhưng tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép qua biên giới các loại hàng cấm như ma túy, vật liệu nổ, pháo các loại… diễn biến phức tạp ở cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không.

Ban Chỉ đạo 389 cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến buôn lậu chưa hạ nhiệt. Trước hết, đó là hệ thống văn bản, chính sách pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa đồng bộ, còn chồng chéo, sau thời gian áp dụng đã bộc lộ nhiều bất cập. Trong khi, việc sửa đổi, bổ sung còn chậm, chưa tháo gỡ được khó khăn cho các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ.

Số vụ khởi tố tội buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và sản xuất, kinh doanh hàng giả vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ, chưa tương xứng với tình hình thực tế, chưa tạo được hiệu quả răn đe đối với tội phạm trong lĩnh vực này. Trong khi đó, công tác phối hợp, trao đổi thông tin, hiệp đồng đấu tranh giữa các địa phương, lực lượng chức năng các Bộ, ngành còn hạn chế, thiếu thường xuyên, chưa tạo thành hệ thống đồng bộ, chưa có kế hoạch, chuyên đề, chuyên án phối hợp đấu tranh bắt giữ giữa các tỉnh, liên tỉnh, các đơn vị Trung ương và địa phương. Việc triển khai các kế hoạch đấu tranh vẫn đơn lẻ, cục bộ nên chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống.

Đề xuất cần tăng cường sự phối hợp trong đấu tranh chống buôn lậu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, cần bổ sung quyết định 65 về cơ chế phối hợp đồng thời tăng tính chủ động chịu trách nhiệm cho cơ quan thực thi công vụ. Ông Tuấn cũng cho rằng, Chính phủ cần tăng kinh phí để các cơ quan chức năng có điều kiện mua máy móc, thiết bị để kiểm định nhanh chất lượng hàng hóa để xử lý kịp thời hành vi buôn lậu, phát tán hàng giả.

Đồng quan điểm đại diện TP HCM cũng cho rằng quy chế phối hợp trong phòng chống buôn lậu cần được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt cần sự huy động sự chung tay, vào cuộc của người dân trong cuộc chiến này.

Xử nghiêm tiếp tay cho buôn lậu

Chia sẻ những kinh nghiệm trong đấu tranh chống buôn lậu, đại diện tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh đã giao trách nhiệm cho từng địa phương đồng thời phối hợp và quản lý từ xa trong đấu tranh với tội phạm buôn lậu. Đó là lý do, năm 2015 dù tình buôn lậu trên toàn quốc diễn biến phức tạp nhưng buôn lậu ở Quảng Ninh có xu hướng giảm.

Về nhiệm vụ thời gian tới, đại diện Quảng Ninh cho biết, sẽ kiểm soát trên toàn tuyến đường bộ từ Móng Cái đến Đông Triều cũng như toàn đường biển để chốt chặt hàng lậu. Đại diện này cũng khẳng định, nếu phát hiện cán bộ có hành vi vi phạm, bảo kê, dung túng cho buôn lậu sẽ xử lý nghiêm. Đồng quan điểm, đại diện tỉnh An Giang cũng cho rằng, cần tăng chế tài xử phạt buôn lậu cũng như xử thật nghiêm minh cán bộ tiếp tay, bao che cho kẻ buôn lậu.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đề nghị, thời gian tới chống buôn lậu phải tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm, vào đầu nậu, chủ chứa, chủ giấu mặt. Nếu chặt được mắt xích này thì sẽ chặn đứng được đường dây buôn lậu. Còn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng chia sẻ, hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế, nhiều đối tác bày tỏ sự quan ngại với hàng Việt dù họ ưu tiên cho hàng của ta. Tuy nhiên, nếu chúng ta không quản được chất lượng, vẫn để hàng không xuất xứ đội lốt hàng Việt, lợi dụng thương hiệu Việt Nam thì đàm phán xuất khẩu các mặt hàng của ta hết sức khó khăn; phải hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường công tác quản lý, ông Hoàng nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu với quyết tâm lớn, từng Bộ, ngành, địa phương phải có kế hoạch cụ thể để kiên quyết đẩy lùi, ngăn chặn tình trạng buôn lậu gây bức xúc trong dư luận. Trong đó phải giám sát cán bộ, đảm bảo lực lượng làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong sạch. Các lực lượng trực tiếp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong sạch phải làm gương, không tiếp tay cho các hành vi vi phạm. Trang bị phương tiện đủ khả năng ngăn chặn các hành vi tinh vi trong chống buôn lậu; phải chống từ “đầu nậu”, đánh thẳng vào hang ổ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Cùng với đó cần hoàn thiện thể chế theo hướng nâng chế tài xử lý, tăng cường thanh tra, tiếp tục công khai minh bạch và không có “vùng cấm” trong buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong sạch, đẩy mạnh tuyên truyền trực diện cho nhân dân để phát động được toàn dân tham gia vào cuộc chiến này.

Ông Phúc cũng đề nghị tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện hiện vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các Bộ, ngành, địa phương, nhất là tại các địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm. Trước mắt triển khai các Đoàn kiểm tra trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2016. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, cần khen thưởng, động viên kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, có dấu hiệu, hành vi tiếp tay cho buôn lậu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống buôn lậu, cán bộ phải làm gương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO