Chuyển động lạ của lãi suất

T.Hằng 23/03/2017 08:00

Lãi suất huy động đã chạm 9,2%/ năm đối với các khoản gửi tiền tỷ. Đây là mức lãi suất cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nguyên nhân nào đang đẩy lãi suất dâng lên cao và tại sao ngân hàng lại đua phát hành chứng chỉ tiền gửi?

Xu hướng lãi suất cao cộng với chứng chỉ tiền gửi đang hút tiền gửi tại các ngân hàng. Ảnh: TL.

Kỷ lục 9,2%

VPbank đang là ngân hàng cung cấp sản phẩm huy động kỳ hạn dài có mức lãi suất cao nhất trên thị trường. Khi khách hàng gửi 5 tỷ đồng trở lên với kỳ hạn 5 năm, mức lãi suất được thụ hưởng là 9,2%/năm. Bên cạnh đó tại ngân hàng này chứng chỉ tiền gửi từ 100 triệu đồng đến dưới 5 tỷ đồng là 9,0-9,1%/năm và dưới 100 triệu đồng là 8,9%/năm.

Dường như xu hướng lãi suất cao cùng với việc cho ra lò chứng chỉ tiền gửi đang là “mốt” hút tiền tại ngân hàng. Tại Sacombank, LienVietPostBank, Viet A Bank cũng phát hành chứng chỉ tiền với lãi suất siêu ưu đãi. Chẳng hạn tại Ngân hàng TMCP Việt Á chứng chỉ tiền gửi ghi danh kỳ hạn 6, 9, 13, 15, 18 tháng với lãi suất lên đến 8,2%/năm trên toàn hệ thống cho khách hàng cá nhân.

Thừa nhận với Đại Đoàn Kết, lãnh đạo Ngân hàng Việt Á cũng cho biết chứng chỉ tiền gửi là một trong những kênh đầu tư ưa thích của nhiều khách hàng có nguồn tài chính lớn.

Thực ra câu chuyện lãi suất huy động tăng có nơi lên tới 9,2% với khoản tiền tỷ đã được bàn luận cách đây một thời gian. Áp lực tăng lãi suất được bắt đầu hình thành từ khi Thông tư số 39/2016/ TT – NHNN quy đinh về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng có hiệu lực từ 15/3 vừa qua.

Bởi theo thông tư khi NHNN áp trần cho vay các khoản vay ngắn hạn thì tín dụng ngắn hạn sẽ bị hạn chế, vì đơn giản chẳng ngân hàng nào muốn cho vay lãi suất thấp trong khi giá đồng vốn của họ làm ra đang khá cao vì bao gồm nợ xấu, vận hành...

Các ngân hàng chuyển sang vay trung, dài hạn để tự thỏa thuận lãi suất. Kèm với đó là bắt đầu từ ngày 1/1/2017, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn đối với các ngân hàng thương mại giảm chỉ còn 50% (theo Thông tư 06/2016/ TT-NHNN).

Để tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn mới và để có thể được cùng khách hàng tự thỏa thuận lãi suất, ngân hàng sẽ gia tăng nguồn vốn trung, dài hạn, chủ yếu thông qua tăng phát hành trái phiếu hoặc huy động tiết kiệm trung, dài hạn.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn là để tăng thu hút nguồn vốn này trong bối cảnh Thông tư 06/2016/TT-NHNN có hiệu lực. Khi hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng từ 60% xuống 50% và đầu năm 2018 rút xuống còn 40%.

Cũng trong ngày 22/3, theo khảo sát của phóng viên tại một số ngân hàng trên phố Trần Hưng Đạo, Bà Triệu ( Hà Nội), các ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi cũng như đưa lãi suất siêu ưu đãi song số lượng khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm tiền tỷ khá ít.

Một khách hàng ở tòa nhà T5 Times City nói: tôi gửi ngân hàng cũng chỉ từ vài chục đến dưới 300 triệu đồng. Nếu dư dả có tiền tỷ thì sẽ dành để kinh doanh.

Lãi suất cho vay cao sẽ tác động trực tiếp đến nhiều đối tượng trong xã hội.

Áp lực lãi suất cho vay

Điều đáng ghi nhận là việc đưa ra lãi suất ưu đãi và chứng chỉ tiền gửi chỉ phổ biến ở khối ngân hàng tầm trung. Trong khi đó tại khối ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, lãi suất huy động tiết kiệm vẫn đang ổn định từ 6,5 %/năm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, những biểu hiện nhỏ trên thị trường cũng rất đáng quan tâm. Mà quan trọng hơn nợ xấu vẫn là yếu tố cản lớn đối với lãi suất cho vay.

Mới đây nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cũng dự báo, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ tăng thêm 0,5-1%/năm trong năm 2017. Có lý do giải thích cho áp lực gia tăng lãi suất này. Đó là tín dụng được dự báo sẽ vẫn duy trì ở mức cao (17-18%) nhằm mục tiêu hỗ trợ cho tăng trưởng; lạm phát sẽ tiếp tục chịu áp lực gia tăng và đây sẽ là cơ sở để tăng lãi suất danh nghĩa.

Ông Phạm Thanh Hà- Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, việc ổn định mặt bằng lãi suất của năm 2017 là nỗ lực lớn của các ngân hàng. Ngay từ đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đưa ra yêu cầu hệ thống ngân hàng phải quyết liệt tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp.

Trả lời về định hướng phát triển thị trường tài chính toàn diện trong thời gian tới Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ ưu tiên hỗ trợ người nghèo và nông nghiệp. NHNN có một số chính sách cụ thể như: NHNN đã chỉ đạo các TCTD cân đối vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó có những hỗ trợ như ưu tiên về lãi suất, tăng tỷ trọng dư nợ cho vay.v.v.

Các hình thức cho vay được thực hiện đa dạng, như thông qua hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô, tổ vay vốn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam); Thực hiện một số chính sách tín dụng đối với ngành, lĩnh vực nông nghiệp đặc thù như: Chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên, cho vay giảm tổn thất trong nông nghiệp...

Ngoài ra, thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội gồm có: Chương trình cho vay hộ nghèo, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn, cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, cho vay đối với hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo...

“Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị ngành ngân hàng cần dành riêng một gói tín dụng 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ vay vốn cho các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, qua đó khuyến khích khởi nghiệp và ứng dụng khoa học - công nghệ mạnh mẽ trong nông nghiệp để có một nền nông nghiệp thông minh ở Việt Nam. NHNN sẽ khẩn trương phối hợp các Bộ ngành nghiên cứu xem xét đề xuất trên trong thời gian tới”- bà Hồng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển động lạ của lãi suất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO