Doanh nghiệp 'không muốn lớn'

Hồ Luân 25/09/2018 08:35

Tổng cục Thống kê cho hay, năm 2017 cả nước có 517.900 doanh nghiệp đang tồn tại nhưng chỉ có khoảng 505.000 có doanh thu và nộp thuế vào ngân sách, số còn lại chưa đi vào sản xuất. Đáng chú ý, mặc dù cộng đồng doanh nghiệp khá đông nhưng tỷ lệ doanh nghiệp lớn ở mức thấp, đạt 1,9%. Theo Tổng cục Thống kê, quy mô của nền kinh tế ngày càng mở rộng, số lượng doanh nghiệp tăng mỗi năm nhưng doanh nghiệp đang có xu hướng nhỏ dần về quy mô.

Từ con số thống kê trên, mọi người liên tưởng chuyện các hộ kinh doanh cá thể không mặn mà lên doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ “không muốn lớn”. Đơn cử, muốn cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh góp phần thúc đẩy kinh tế cả nước nói chung và kinh tế thành phố nói riêng, TP HCM đề ra mục tiêu, đến năm 2020 thành phố có 500.000 doanh nghiệp hoạt động, bằng ½ cả nước. Thành phố cho rằng, mục tiêu trên đạt yêu cầu vì có đông đảo cá nhân khởi nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, sự chuyển dịch từ các thành phần kinh tế khác. Trong đó, hộ kinh doanh cá thể được xem như một tiềm năng phát triển cho chủ trương xây dựng cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh.

Để hoàn thành tốt kế hoạch trên, thành phố chỉ đạo giao chỉ tiêu cụ thể cho từng quận, huyện. Mặc dù địa phương rất ủng hộ chủ trương của thành phố nhưng kết quả đạt được không như mong đợi. Số hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp đếm trên đầu ngón tay. Lý do, phần lớn mô hình của các hộ kinh doanh là nhỏ và siêu nhỏ, lao động thường xuyên biến động và chưa hiểu rõ các quy định liên quan. Vấn đề mấu chốt hơn cả, hộ kinh doanh ngại lên doanh nghiệp vì sợ phát sinh thêm chi phí thuê kế toán, đầu tư trang thiết bị, máy móc, phương tiện,… làm giảm lợi nhuận.

Nhiều doanh nghiệp chia sẻ rằng, “sợ lớn” vì lo ngại phát sinh thêm chi phí. Một doanh nghiệp lớn sẽ thường đón 3, 4 đoàn kiểm tra trong một năm trong khi doanh nghiệp nhỏ là 2 đoàn. Doanh nghiệp lớn sẽ mất khoảng 40 giờ cho mỗi cuộc thanh tra thuế, doanh nghiệp nhỏ mất khoảng 7 giờ. Đại diện một doanh nghiệp chia sẻ, cứ tàng tàng kinh doanh mà lại ổn, lớn làm gì cho khổ để khi rủi ro cao, đón nhiều đoàn, rồi chi phí “lót tay”, “bôi trơn”.

Bởi vậy, vấn đề đặt ra hiện nay, cùng với việc ngừng ưu đãi cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước về thuế, đất đai, vốn,… hướng đến môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng thì việc cắt giảm và đơn giản hóa tục hành chính, bớt những hành vi gây phiền hà cho doanh nghiệp là việc rất nên làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp 'không muốn lớn'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO