Động lực để doanh nghiệp tư nhân bứt phá

Lục Bình (thực hiện) 07/06/2017 09:00

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội XIV vào ngày 12/6 tới đây. Theo ông Tô Hoài Nam- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thì đây là “món quà quý” đối với khối doanh nghiệp này. Tuy nhiên, mấu chốt quan trọng lại nằm ở địa phương. Nếu địa phương không tạo điều kiện, không thực hiện Luật thì doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn “khó lớn”.

Ông Tô Hoài Nam.

Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội XIV vào ngày 12-6 tới đây. Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam Tô Hoài Nam cho biết, đây là món quà quý đối với DNNVV. Quốc hội ban hành Luật trong kỳ họp này sẽ là một bước cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

PV:Thưa ông, DNNVV rất kỳ vọng vào Luật hỗ trợ DNNVV, vậy đâu là điểm đột phát của dự luật này?

Ông Tô Hoài Nam: Có nhiều điểm đột phá trong Luật hỗ trợ DNNVV với mục tiêu tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân bứt phá. Chẳng hạn, Luật được xây dựng với mục tiêu hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể sang DN. Hỗ trợ các DN đổi mới sáng tạo và hỗ trợ các chuỗi liên kết.

Tôi cho rằng đây là những đột phá rất lớn. Vì sao lại cho rằng đây là điểm đột phá? Bởi sự hỗ trợ này đã tính tới những điểm khó khăn mà DNNVV đang gặp phải.

Chẳng hạn, hỗ trợ đổi mới sáng tạo thì thực chất là hỗ trợ cho việc chuyển đổi mô hình kinh doanh dựa vào khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ sang lao động với hiệu suất cao. Muốn làm được điều này thì trọng tâm là áp dụng khoa học kĩ thuật, đổi mới sáng tạo được đưa vào áp dụng khi có cơ chế hỗ trợ từ Nhà nước.

Sự phát triển này sẽ lôi kéo các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển. Trên thực tế, các nước trên thế giới phát triển được công nghiệp phụ trợ đều do các DNNVV đảm nhận.

Còn hỗ trợ liên kết, thực tế cho thấy, nếu DN không tham gia vào chuỗi, chúng ta không có thị trường. Trong cạnh tranh mà không có thị trường là thua. Tóm lại, sự hỗ trợ đã được tính toán kĩ lưỡng từ lực lượng đến đổi mới công nghệ để nâng giá trị gia tăng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho các DNNVV.

Thứ hai, về nguồn lực hỗ trợ, Luật quy định, ngoài nguồn lực từ ngân sách sẽ thiết kế, huy động nguồn lực khác từ các tổ chức khác ngoài nhà nước giúp DNNVV. Đây là nguồn lực quan trọng để DNNVV bứt phá. Thực tế đã chứng minh, không dùng tiền từ ngân sách không phải lúc nào cũng hiệu quả. Tuy nhiên, nếu dùng tiền từ các nguồn lực khác thường hiệu quả hơn do giám sát tốt hơn, tránh sự lãng phí nguồn lực.

Thứ 3 dù là đạo luật về DNNVV nhưng có tác động khiến đạo luật khác phải sửa đổi đảm bảo sự thống nhất qua đó giúp cho DN nói chung, DNNVV nói riêng lớn mạnh.

Doanh nghiệp cần được tiếp tục tạo điều kiện để phát triển sản xuất.

Một dự luật ông cho là nhiều điểm mạnh như vậy, nhưng trong các cuộc thảo luận, vẫn còn nhiều đại biểu băn khoăn về tính khả thi, tại sao lại vậy?

Sở dĩ vẫn còn một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi là bắt nguồn từ suy nghĩ luật phải cụ thể. Nhưng thực ra trong đạo luật vừa có luật khung vừa có vấn đề cụ thể nên chúng ta cần xem lại khái niệm về tính cụ thể.

Cụ thể, không chỉ là thuế giảm bao nhiêu, lãi suất giảm bao nhiêu, hỗ trợ mặt bằng cho DNNVV thế nào? Cụ thể là biểu hiện ở sự phân công nhiệm vụ cụ thể. Trong Luật này có nói đến sự phân công nhiệm vụ cụ thể, có định hướng rõ ràng.

Dù rõ trong Luật nhưng cá nhân tôi cho rằng một số vấn đề vẫn phải chờ một số văn bản hướng dẫn dưới luật. Chẳng hạn một số vấn đề mới như quỹ hỗ trợ DN, nói hay nhưng yếu tố rủi ro rất nhiều. Đây là vấn đề mới không thể cụ thể hóa ngay được, phải có một giai đoạn chấp nhận thực tế là có rủi ro. Nhưng cái gì chín muồi rồi thì phải cụ thể ngay như các hoạt động hỗ trợ mạng lưới phát triển, hỗ trợ sáng tạo, cung cấp thông tin...

Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, so với các luật khác cũng khá ổn, đã có bước tiến dài. Vì chúng ta đã đặt vấn đề quản lý trong Luật này rất ít, chủ yếu là hỗ trợ. Riêng điểm này đã là thành công.

Tuần tới QH quyết định thông qua Luật này, theo ông dự thảo Luật khi được thông qua tác động thế nào đến DNNVV?

Cộng đồng DN sẽ có văn bản pháp lý quan trọng dựa vào đó để hoạt động. Do đó, ai làm khó cho mình thì các DNNVV có điều khoản dựa vào đó để kiến nghị, tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Thứ 2, nhờ chính sách hỗ trợ làm thay đổi một phần trong các DN chuyển đổi từ cung cách làm ăn thiếu chuyên nghiệp sang bài bản hơn, dựa nhiều vào khoa học kĩ thuật hơn, thay cho những tồn tại trước đây, điều này giúp đẩy mạnh giá trị gia tăng của DN. Chắc chắn, không ít DN có thể sẽ phát triển nhờ vào bộ công cụ hỗ trợ như mặt bằng, tín dụng, thuế, khoa học kĩ thuật...

Đây không phải lần đầu chúng ta bàn đến vấn đề hỗ trợ DN. Để luật này có tính hiệu quả nhất, theo ông các cơ quan, ban ngành khác cần giải pháp nào?

Các cơ quan ban ngành địa phương cần tập trung triển khai luật này có hiệu quả khắc phục tình trạng chúng ta ra văn bản pháp luật hay nhưng triển khai chậm, mất hết ý nghĩa tốt đẹp. Thực tế cho thấy, không ít nội dung quy định hai ba năm sau mới triển khai. Hay chính sách hỗ trợ DNNVV đã có từ 2001 có rồi nhưng đến giờ vẫn còn 20 địa phương không triển khai phê duyệt hoạt động gì.

Tôi cho rằng, mấu chốt quan trọng nằm ở địa phương, nơi có các DNNVV. Nếu địa phương không tạo điều kiện, không thực hiện Luật thì DNNVV khó lớn mạnh.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hỗ trợ bằng cơ chế chính sách

Ngày 6/6, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Doanh nghiệp được hưởng gì từ Luật Hỗ trợ DNNVV”. Tại cuộc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, DNNVV chiếm tới 97%, đây là nơi tạo ra công ăn việc làm cho xã hội, nơi đóng thuế cho Nhà nước. Nếu tạo việc làm thì giữ ổn định xã hội. Theo đó, cơ quan soạn thảo đã phân tích sự mong đợi của DN là gì, họ thiếu gì ngoài nỗ lực của họ. Rất nhiều điều DNNVV cần nhận được sự hỗ trợ như hỗ trợ về pháp luật, khoa học, công nghệ, tiếp cận vốn, đất đai, thông tin thị trường… Khi xây dựng luật, quán triệt tư tưởng, phải đi từ nhu cầu, phân tích cái thiếu, yếu kém của DNNVV để hỗ trợ chứ không làm chính sách theo kiểu chính quyền có sẵn cái này, có cái kia để cho DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Động lực để doanh nghiệp tư nhân bứt phá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO