FTA - Thách thức cũng là cơ hội

Minh Phương 01/09/2019 09:00

EVFTA và CPTPP là 2 trong số những Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA) được mong đợi nhất. Đầu tháng 6 vừa qua, Việt Nam đã chính thức ký EVFTA và việc thực thi Hiệp định này sẽ sớm diễn ra trong thời gian ngắn nữa.

Với CPTPP, đây cũng là FTA được đánh giá mang lại những lợi ích lớn cho kinh tế Việt Nam, trong đó có cả sự thay đổi về thể chế chính sách, môi trường kinh doanh. Đây là thời điểm các doanh nghiệp Việt Nam chứng tỏ sự nỗ lực của mình để bước vào một sân chơi mới mang tính toàn cầu.

FTA - Thách thức cũng là cơ hội

Các hiệp định thương mại tự do sẽ thêm động lực cho xuất khẩu Việt Nam.

CPTPP: Nâng cao năng lực để cạnh tranh

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực kể từ 14/1/2019 tạo nên một khu vực kinh tế tự do rất lớn, có phạm vi thị trường khoảng 500 triệu dân và chiếm 13% GDP toàn cầu. Trong khối này, ngoài Nhật Bản đã là một thị trường lớn cho nhiều mặt hàng của Việt Nam, các thị trường lớn và tiềm năng khác mà chúng ta có thể thúc đẩy xuất khẩu, trong đó các mặt hàng nông sản là những mặt hàng mà các nước khối CPTPP đều có nhu cầu rất cao.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, CPTPP sẽ mang lại nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu nông sản, nhất là các thị trường mà Việt Nam chưa có FTA song phương là Canada, Mexico, Peru, Úc. Cụ thể, Canada cam kết ngay lập tức dỡ bỏ 94,9% các dòng thuế và tiến tới mức tối đa 96,3% sau 4 năm, Úc dỡ bỏ ngay 93% và tiến tới 100% sau 4 năm. Tuy nhiên, những yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường, lao động… cũng sẽ là động lực, sức ép để ngành nông nghiệp Việt Nam phấn đấu tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực. Một cơ hội nữa, theo ông Lực, tham gia Hiệp định, một số nước thành viên không có lợi thế về nông nghiệp và chịu sức ép giảm hàng rào bảo hộ nông nghiệp sẽ có thể chuyển nguồn vốn đầu tư sang Việt Nam.

Vẫn theo vị chuyên gia này, nếu biết tranh thủ và chú trọng tăng năng lực đáp ứng yêu cầu của Mỹ, Việt Nam có thể tận dụng được khoảng 20% cơ hội tăng xuất khẩu nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng (tương đương khoảng 15-16 tỷ USD) trong năm 2019 và sau này. Việc Mỹ gia nhập CPTPP còn bỏ ngỏ nhưng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam được gia tăng tại thị trường Mỹ, thì việc tiếp cận các thị trường khác tại khu vực Bắc và Trung Mỹ như Canada, Mexico, Peru sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Theo giới chuyên gia kinh tế, với CPTPP, giá trị tuyệt đối với ngành hàng nông nghiệp không lớn, nhưng đây được coi là đòn bẩy mạnh mẽ để thúc đẩy tái cơ cấu toàn ngành. Đơn cử như đối với ngành chăn nuôi, theo PGS.TS Ngô Trí Long, cho đến nay, sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn còn yếu và không bền vững bởi quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, quy trình sản xuất còn đơn sơ, chưa được đầu tư khoa học công nghệ cũng như vấn đề vệ sinh môi trường chuồng trại dẫn đến những nguy cơ các loại vật nuôi dễ bị dịch bệnh, ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá thành so với sản phẩm của các nước trong CTTPP. “Đặc biệt, công nghiệp chế biến, giết mổ của Việt Nam còn rất yếu kém, trong khi đây mới là khâu tạo giá trị gia tăng cao”- PGS Long nhấn mạnh.

Như vậy, còn khá nhiều rào cản phải vượt qua, song không thể phủ nhận CPTPP đang mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế nước nhà. Ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định: Việc mở rộng thị trường xuất khẩu sẽ được coi như là một chiến lược dài hạn nhằm giúp doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất xuất khẩu và cạnh tranh. Đồng thời, giúp DN Việt Nam cọ xát hơn nữa với thế giới bên ngoài, có điều kiện để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và khẳng định vị thế mới của mình trên trường quốc tế. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi mà những lợi thế cạnh tranh như giá nhân công rẻ, lợi thế tài nguyên hiện đã dần bị thu hẹp, không có tính bền vững trong khi những yếu tố như thương hiệu, chất lượng sản phẩm cần một chiến lược phát triển và thời gian.

EVFTA: Đã đến lúc bứt phá

Cùng với CPTPP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra những bước ngoặt mới cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa.

Tại thời điểm ký kết (tháng 6/2019), Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã khẳng định: “EVFTA sẽ là “cú hích” rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh”. Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, khi nhìn vào cơ cấu thương mại giữa Việt Nam với EU sẽ thấy, thay vì tính cạnh tranh, EVFTA sẽ mang tính bổ sung rất lớn. Thị trường EU với 28 quốc gia rất phù hợp với các sản phẩm mang tính đặc thù của những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Dung lượng cũng như quy mô thị trường của EU là điều kiện cho các DN Việt Nam khai thác cơ hội.

EVFTA mở ra cơ hội lớn cho các DN Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD của EU. Tất nhiên, cùng với các cơ hội đặt ra thì việc thực thi EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt là với Việt Nam là nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất so với các nước trong khu vực đã ký FTA với EU. Theo nhận định của giới chuyên gia, sức ép cạnh tranh là vấn đề đầu tiên đối với nền kinh tế và các DN Việt Nam. Tuy nhiên, cạnh tranh luôn có tính hai mặt. Một mặt, cạnh tranh sẽ rất tiêu cực đối với các DN yếu kém, nhất là các DN vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các DN vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, cũ kỹ. Mặt khác, cạnh tranh mang lại động lực cho các DN liên tục đổi mới và sáng tạo, đồng thời tạo ra thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

Còn một thách thức được nhắc đến lâu nay khi nói đến thị trường EU, đó là, thị trường này có những yêu cầu, đòi hỏi cao nhất trên thế giới. Phân tích về EU, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho hay, việc bước qua được các rào cản thuế quan không có nghĩa là hàng hóa và dịch vụ của ta sẽ được thị trường EU chấp nhận. EU có nhiều quy định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra sản phẩm đó. Đơn cử, không được dùng hải sản được đánh bắt bất hợp pháp hay không được dùng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên mà chưa được phép... Hay các đòi hỏi về lao động, môi trường của EU cũng thuộc hàng cao nhất thế giới. Chính bởi vậy, nhà quản lý cũng như cộng đồng DN phải hết sức nỗ lực để có thể thể vượt qua được hàng loạt những thách thức, đồng thời tận dụng khai thác được các cơ hội do Hiệp định EVFTA đem lại.

Đứng ở vai trò của cộng đồng DN, ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, điều quan trọng của EVFTA không chỉ là tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá, mà còn có sự tác động của các dịch vụ phục vụ cho sản xuất như logistics phát triển; mở ra cơ hội việc làm cho hàng chục triệu lao động trong khu vực nông sản, thuỷ sản…khi tiếp cận thị trường hơn 500 triệu dân với đòi hỏi sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao.

Là một DN trong ngành dệt may, ngành có lợi thế lớn khi EVFTA được thực thi, song theo ông Đỗ Mạnh Hùng- Chủ tịch Hiệp hội Các DN Việt Nam đầu tư tại Đức cho rằng, thuế về 0% là một lợi thế nhưng chất lượng sản phẩm mới là yếu tố quyết định hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể trụ vững được tại thị trường khó tính này hay không. Theo ông Hùng, tiêu chuẩn kỹ thuật tại EU là vô cùng khắt khe. Do đó, bằng mọi nỗ lực DN Việt phải cải thiện công nghệ, nâng sức cạnh tranh mới có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe đó.

Khi tham gia các FTA, sức ép cạnh tranh là vấn đề đầu tiên đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, cũ kỹ... sẽ gặp khó khăn. Ngược lại, cạnh tranh mang lại động lực cho các doanh nghiệp đổi mới và sáng tạo, có cách quản trị tiên tiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    FTA - Thách thức cũng là cơ hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO