Gặp gỡ đầu tuần: Trách nhiệm khi dự án 'đắp chiếu'

Việt Thắng (thực hiện) 02/10/2017 08:30

Với nhiều dự án “đắp chiếu”, trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cần tăng cường kiểm tra từ khâu kế hoạch cho đến khâu thực hiện. Các cơ quan phải làm việc khách quan, trong sáng công tâm. Khi dự án được thực hiện chính các cơ quan đó phải giám sát công trình, phát hiện sai phạm trong đó có việc xin cho, tham nhũng. Nếu phát hiện vi phạm trầm trọng phải chuyển cho cơ quan điều tra để đưa sai phạm ra công lý.

Ông Nguyễn Trí Hiếu.

PV:Thưa ông, trước những thông tin được cơ quan chức năng đưa ra về những dự án lớn với con số cộng dồn lên tới hơn 40.000 tỷ đồng, nhưng đang trong tình trạng tạm dừng hoạt động, có nguy cơ “đắp chiếu”. Theo ông, nguyên nhân của việc đầu tư công không hiệu quả trong thời gian qua là do đâu?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Những dự án đầu tư không hiệu quả có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất do giai đoạn lập kế hoạch, khi nhà làm kế hoạch đưa ra những dự án, phương án, kế hoạch tiền khả thi đã không sát thực tế, nên chỗ này chỗ kia thiếu sót những yếu tố cần thiết để hoàn thành dự án.

Thứ hai, trong kế hoạch tài chính có nhiều yếu tố làm cho chi phí của dự án cao hơn nhiều so với dự toán lúc đầu làm cho nhiều kế hoạch bị dừng lại do thiếu vốn. Thứ ba, vấn đề chọn nhà thầu là vô cùng quan trọng, rất nhiều dự án chúng ta chỉ định thầu thay vì đấu thầu công khai. Đấu thầu công khai có lợi lớn là lựa chọn được những nhà thầu đúng tiêu chuẩn. Còn chỉ định thầu chỉ có một nhà thầu nhưng cuối cùng họ không làm được.

Do vậy, chỉ định thầu có rủi ro lớn khi không có sự lựa chọn nhà thầu tốt. Thực tế có nhiều dự án khó đấu thầu công khai vì không có nhiều nhà thầu, chỉ có một nhà thầu cho nên bắt buộc phải chỉ định thầu. Hay khi thực hiện dự án có dự án các nhà thầu phụ không hoàn thành công việc do vấn đề vật liệu đầu vào, hay tài chính ngân hàng, chi phí tăng lên do lãi suất thay đổi. Những biến cố đó khi xảy ra làm chậm dự án hoặc thậm chí hủy dự án. Về mặt tài chính làm đẩy chi phí dự án lên. Cuối cùng dự án không thực hiện được.

Cơ chế xin - cho đang làm cho đầu tư công không phát huy hiệu quả, điển hình nhất là việc chỉ định thầu. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Cơ chế xin – cho là một trong những điểm tiêu cực của thực hiện dự án tại nước ta. Vì ta chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, tiêu diệt nạn tham nhũng trong qua trình đấu thầu các dự án. Tham nhũng liên quan đến vấn đề chỉ định thầu cũng cần nói đến.

Vì, khi chỉ định thầu dĩ nhiên nhà thầu qua cơ chế xin cho họ tìm được lợi thế để trúng thầu. Từ đó dẫn đến có thể chi trả cho quan chức tại địa phương, làm nảy sinh tham nhũng, hối lộ. Cho nên chỉ định thầu dẫn đến nhiều rủi ro và trong đó tạo ra cơ chế xin cho, tạo nên tham nhũng.

Những dự án chậm triển khai gây thất thoát, lãng phí, bức xúc dư luận.

Phải chăng, từ việc các dự án đầu tư công không hiệu quả, cần phải xử lý những người có liên quan, đặc biệt là người đứng đầu?

- Đó là vấn đề cần kiên quyết khi thực hiện các dự án. Đấu thầu phải diễn ra minh bạch, công khai. Ngay những người quản lý dự án phải là những người công tâm, có trách nhiệm. Ngay nhà thầu chính, nhà thầu phụ cũng phải có trách nhiệm, nếu không kiểm soát được quản lý nhân lực trong các dự án thầu thì chắc chắn dự án sẽ xảy ra tình trạng tham nhũng.

Chính phủ phải tăng cường kiểm tra từ khâu kế hoạch cho đến khâu thực hiện. Các cơ quan phải làm việc khách quan, trong sáng công tâm. Khi dự án được thực hiện chính các cơ quan đó phải giám sát công trình, phát hiện sai phạm trong đó có việc xin cho, tham nhũng. Nếu phát hiện vi phạm trầm trọng phải chuyển cho cơ quan điều tra để đưa sai phạm ra công lý.

Theo ông để đầu tư công được hiệu quả chúng ta cần những giải pháp nào trong thời gian tới?

- Một trong những vấn đề quan trọng để đầu tư công hiệu quả là các ban của các bộ lập các dự án cần phải có chuyên viên giỏi và công tâm. Kể cả có thể tuyển dụng các chuyên viên nước ngoài, hay thuê các ban tư vấn của nước ngoài để họ giúp Chính phủ.

Càng nhiều người ở trong thành phần giám sát với nhiều người có trình độ càng làm giảm thiểu việc đưa ra các dự toán sai cũng như tham nhũng, hối lộ trong quá trình thực hiện các dự án. Mọi việc phải bắt đầu từ nguồn nhân lực của các ban tư vấn cho Chính phủ, do đó có thể tuyển dụng cả người nước ngoài vào ban đó.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gặp gỡ đầu tuần: Trách nhiệm khi dự án 'đắp chiếu'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO