Gỡ ‘thẻ vàng’ là nhiệm vụ cũng là cơ hội phát triển ngành thuỷ sản

Theo VGP 21/06/2019 16:21

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định phải coi việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu để gỡ “thẻ vàng” cho thuỷ sản Việt Nam là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, đồng thời cũng là một bước quan trọng để phát triển ngành thuỷ sản Việt Nam bền vững, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Gỡ ‘thẻ vàng’ là nhiệm vụ cũng là cơ hội phát triển ngành thuỷ sản

Phó Thủ tướng trao đổi với các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Đây là nội dung được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định khi kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU).

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo IUU, khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành, địa phương đã có rất nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) để khắc phục cảnh báo “thẻ vàng”, chống khai thác IUU, đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là việc hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến phát triển ngành thuỷ sản Việt Nam. Đến nay, đã cơ bản chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương, Phó Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, xét về tổng thể các giải pháp, hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành và cách thức tổ chức triển khai thực hiện.

“Công tác phối hợp, thực hiện trách nhiệm của các bộ, ban, ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương để chống khai thác IUU trong thời gian qua chưa đáp ứng được yêu cầu theo khuyến nghị của EC”, Phó Thủ tướng nhìn nhận.

Nhiệm vụ chính trị hàng đầu

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu từng thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU là lãnh đạo của các bộ, ban, ngành liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển xác định nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp là nhiệm vụ chính trị quan trọng, tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện.

“Nếu không gỡ được “thẻ vàng”, hoặc bị nâng lên “thẻ đỏ” thì điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành thuỷ sản, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nhưng đặc biệt là ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân mà trước hết là ngư dân”, Phó Thủ tướng nói.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và UBND các tỉnh liên quan tiếp tục quán triệt và tập trung nguồn lực triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18/5/2010, Chỉ thị số 45/CT-TTg, các công điện số 732/CĐ-TTg, số 1275/CĐ-TTg, Quyết định số 78/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU; thực hiện nghiêm Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

“Mục tiêu là phải ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định đánh bắt cá của Việt Nam và quốc tế. Về lâu dài phải đảm bảo cho nghề cá Việt Nam phát triển bền vững, trách nhiệm. Đây cũng là những mục tiêu quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Gỡ ‘thẻ vàng’ là nhiệm vụ cũng là cơ hội phát triển ngành thuỷ sản - 1

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tái cơ cấu ngành thuỷ sản

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nêu hàng loạt nhiệm vụ cụ thể với các cơ quan liên quan.

Theo đó, Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành thuỷ sản, trong đó chú trọng nuôi trồng, chế biến thuỷ sản song song với hiện đại hoá ngành khai thác, đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển ngành hậu cần nghề cá theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng hệ thống cảng cá (đảm bảo kiểm soát được tàu cá, nguồn gốc chất lượng thuỷ sản…).

Bộ NN&PTNT cũng chịu trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện chống khai thác IUU và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; kiến nghị, đề xuất hình thức xử lý đối với tổ chức, cá nhân liên quan không thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU trong công tác chống khai thác IUU.

Bộ Quốc phòng chủ trì, chịu trách nhiệm về việc ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi xuất, nhập bến; tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, kiên quyết xử lý các tàu cá có hành vi vi phạm khai thác IUU.

Bộ Công an tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài, tàu cá tự ý sử dụng biển số giả, sơn tàu cá giống tàu cá nước sở tại để đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; khởi tố hình sự một số vụ việc điển hình để đảm bảo tính răn đe.

Bộ Ngoại giao chủ động trong công tác bảo hộ ngư dân, kiên quyết đấu tranh với các nước sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực khi bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam, bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân Việt Nam trên vùng biển Việt Nam, vùng biển chưa phân định, chồng lấn. Chủ động tham mưu kịp thời các biện pháp ngoại giao và đối sách cần thiết. Hỗ trợ ngư dân hoạt động hợp pháp bị nước ngoài bắt giữ, xử lý trái phép.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Tài chính bố trí kinh phí thuê hạ tầng thông tin phục vụ giám sát hành trình tàu cá để triển khai cho ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thực hiện ngay trong tháng 6 này.

Chú trọng thông tin, truyền thông

Công tác thông tin, truyền thông được nhiều đại biểu đề cập trong các phát biểu thảo luận. Theo đó, thông tin, truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng để tạo sự đồng thuận, trang bị kiến thức, thông tin cho người dân để từ đó tuân theo các quy tắc, quy định về khai thác hải sản.

Thời gian qua, công tác này đã được tập trung triển khai thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao, đặc biệt chưa có hình thức thông tin, truyền thông phù hợp với đặc thù của ngành khai thác hải sản xa bờ.

Ngay trong phát biểu khai mạc, khi chúc mừng các nhà báo đang tác nghiệp tại Hội nghị nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã khẳng định thông tin, truyền thông chính là giải pháp quan trọng để chống khai thác hải sản trái phép. “Người dân phải được tuyên truyền, giải thích pháp luật, các quy tắc khai thác hải sản trên biển, để từ đó nâng cao nhận thức, tuân thủ, không vi phạm”, Phó Thủ tướng nói.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ TT&TT, các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục cho ngư dân về quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề phân định vùng biển giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Biển Đông, lưu ý các vùng biển chưa phân định, vùng chồng lấn giữa các nước trong khu vực.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền về Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; tình hình chống khai thác IUU của Việt Nam trong và ngoài nước, bảo đảm cập nhật đầy đủ thông tin về việc EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với Việt Nam đến toàn xã hội, huy động các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội và cộng đồng người dân, doanh nghiệp bằng các hoạt động thiết thực cùng chung tay chống khai thác IUU.

“Cần nêu rõ những nỗ lực của Việt Nam, đặc biệt là những kết quả nổi bật trong việc phát triển nghề khai thác hải sản ngày càng trách nhiệm, bền vững, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn cao của quốc tế. Đổi mới hình thức, nội dung, phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt chú ý đến đặc thù của ngư dân khai thác xa bờ”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Gỡ ‘thẻ vàng’ là nhiệm vụ cũng là cơ hội phát triển ngành thuỷ sản - 2

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ

Đối với UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển, Phó Thủ tướng yêu cầu phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân địa phương vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân liên quan để tàu cá và ngư dân địa phương tiếp tục vi phạm vùng biển nước ngoài.

Triển khai ngay việc cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá khai thác xa bờ đúng lộ trình theo quy định. Kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động của Văn phòng thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng để kiểm soát sản lượng bốc dỡ tại cảng cá, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản từ khai thác phục vụ cho công tác chứng nhận, xác nhận. Siết chặt công tác thực thi pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi khai thác IUU; lập danh sách, lưu trữ hồ sơ xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi phạm theo quy định.

Đồng thời, kiểm tra, rà soát hồ sơ liên quan đến các nhiệm vụ chống khai thác IUU, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ thực hiện các hoạt động triển khai chống khai thác IUU, thực hiện khắc phục các khuyến nghị của EC tại địa phương, phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT trong đón tiếp và làm việc với Đoàn thanh tra của EC kiểm tra tại địa phương trong thời gian tới.

“Lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu công tác chống khai thác IUU của địa phương mình không đạt yêu cầu, ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ ‘thẻ vàng’ là nhiệm vụ cũng là cơ hội phát triển ngành thuỷ sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO