Khai tử một Thông tư 'trói' doanh nghiệp

Minh Phương 20/02/2017 08:00

Một thời gian khá dài, Thông tư 07 quy định về dán nhãn năng lượng đã khiến các DN tổn thất khá nhiều chi phí và thời gian. Nhưng hiện nay, phần lớn các thủ tục rườm rà, tốn kém thời gian chi phí của DN đã được loại bỏ khi Bộ Công thương vừa có quyết định thay thế Thông tư 07 bằng Thông tư 36, có hiệu lực từ ngày 10/2.

Các quy định tại Thông tư 07 (liên quan đến vấn đề dán nhãn năng lượng trên sản phẩm) đã gây không ít phiền hà trong hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN.

Theo phản ánh của nhiều DN, thực hiện Thông tư này, các DN phải tiến hành thử nghiệm nhiều lần đối với cùng một model sản phẩm để đáp ứng yêu cầu về đăng ký chứng nhận nhãn năng lượng do quy định về chứng nhận dán nhãn năng lượng theo lô hàng hóa nhập khẩu, hiệu lực của phiếu thử nghiệm hiệu suất năng lượng chỉ kéo dài trong 6 tháng. Trong khi cơ sở hạ tầng thử nghiệm hiệu suất năng lượng của các phòng thử nghiệm trong nước còn hạn chế. Bên cạnh đó, Thông tư số 07 quy định các phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, kể cả sản xuất và nhập khẩu đều phải được thử nghiệm tại phòng thử nghiệm độc lập để đảm bảo tính minh bạch, chính xác, quy định này làm tăng chi phí cho các nhà sản xuất và nhập khẩu.

Nói rõ hơn về hàng loạt những bất cập tại Thông tư này, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho hay, quá nhiều vấn đề cần phải xem lại trong Thông tư. Cụ thể, để được dán nhãn năng lượng và chứng nhận tiêu thụ hiệu suất năng lượng tối thiểu, các nhà sản xuất hay các công ty nhập khẩu phải có mẫu hàng hóa được kiểm tra bởi đơn vị do Bộ Công thương chỉ định. Việc kiểm tra có thể mất vài tuần, thậm chí vài tháng, phụ thuộc vào các sản phẩm và khối lượng công việc của những đơn vị kiểm tra.

Chính bởi những rắc rối trên, nên việc Bộ Công thương đưa ra Thông tư 36 thay thế Thông tư 07 được cho là một động thái hết sức hợp lòng DN. Cụ thể, theo quy định của Thông tư 36, trước khi đưa phương tiện, thiết bị ra thị trường, doanh nghiệp sản xuất nhập khẩu phương tiện, thiết bị đó phải lập một bộ hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng và gửi về Bộ Công thương.

Sau khi nộp hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng đến Bộ Công thương, DN được tự thực hiện việc dán nhãn năng lượng phù hợp với thông tin trong Giấy công bố dán nhãn năng lượng cho sản phẩm đã đăng ký. DN phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực đối với các thông tin đã công bố trong Giấy công bố dán nhãn năng lượng và thông tin hiển thị trên nhãn năng lượng.

Thông tư 36 cũng cho phép DN sử dụng kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng một lần đối với mỗi model sản phẩm, áp dụng cho các tất cả các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước cũng như các lô hàng nhập khẩu có cùng model, cùng nhà sản xuất, xuất xứ và cùng đặc tính kỹ thuật (không giới hạn thời gian hiệu lực của phiếu thử nghiệm). Trước đó, DN phải phải tiến hành thử nghiệm nhiều lần đối với cùng một model sản phẩm để đáp ứng yêu cầu về đăng ký chứng nhận nhãn năng lượng do quy định về chứng nhận dán nhãn năng lượng theo lô hàng hóa nhập khẩu, hiệu lực của phiếu thử nghiệm hiệu suất năng lượng chỉ kéo dài trong 6 tháng.

Như vậy, những điểm mới trong Thông tư 36 đã phần nào cởi bỏ được gánh nặng, xóa rào cản về các quy định rườm rà, bất hợp lý trong việc thực hiện dán nhãn năng lượng cho DN. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn bày tỏ sự lo ngại bởi khâu kiểm soát hồ sơ rất quan trọng, nếu không cẩn thận, nguy cơ hàng nhái, hàng giả lợi dụng vào thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng rất dễ xảy ra.

Theo ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng (Tổng cục năng lượng - Bộ Công thương) để hạn chế thực trạng này, việc tăng cường khâu quản lý, giám sát hậu kiểm sau khi DN tiến hành dán nhãn và lưu thông trên thị trường là rất quan trọng, cần phải sát sao trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khai tử một Thông tư 'trói' doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO