Khi nào sẽ tiến hành kiểm tra doanh nghiệp?

H.Vũ 30/01/2019 08:30

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 323/2016/TT-BTC quy định về kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá.

Tuy nhiên dựa trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp (DN), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong 4 năm cơ quan nhà nước có thể kiểm tra DN không giới hạn về số lần kiểm tra. Điều này có thể tạo ra sự tùy nghi của cơ quan thực thi và gây khó khăn cho DN khi phải đối diện với nguy cơ tiếp quá nhiều lần bị kiểm tra.

Tại dự thảo của Thông tư này quy định, trưởng đoàn kiểm tra có quyền chấm điểm theo các nội dung của Bảng đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá. Trường hợp kết quả điểm chấm giữa các thành viên đoàn kiểm tra có khác nhau khi đánh giá cùng một nội dung của một hồ sơ, trưởng đoàn kiểm tra sẽ là người quyết định kết quả chấm điểm cuối cùng của đoàn kiểm tra.

Từ thực tế ý kiến phản ánh của DN, VCCI cho rằng, theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 7 Thông tư 323 thì hồ sơ thẩm định giá được lựa chọn để kiểm tra là “những hồ sơ đã được phát hành trong thời kỳ kiểm tra hoặc thời kỳ khác theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra. Việc cung cấp hồ sơ thẩm định giá trong thời kỳ kiểm tra có thể thực hiện được vì vẫn trong thời gian lưu trữ của DN.

Tuy nhiên, theo VCCI nếu cơ quan yêu cầu cung cấp hồ sơ thẩm định giá trong thời kỳ khác, nằm ngoài thời gian lưu trữ bắt buộc là 10 năm theo quy định tại Thông tư 28/2015/TT-BTC thì DN sẽ khó để cung cấp. Bởi ngoài thời gian lưu trữ, DN không có trách nhiệm phải bảo quản các loại hồ sơ này.

Vì vậy, để đảm bảo tính minh bạch và hợp lý, cần bổ sung sửa đổi Điểm b, Khoản 1, Điều 7 Thông tư 323 theo hướng, hồ sơ thẩm định giá được lựa chọn để kiểm tra là những hồ sơ đã được phát hành trong thời kỳ kiểm tra hoặc thời kỳ khác trong thời gian lưu trữ bắt buộc của hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra.

Về thời hạn kiểm tra định kỳ theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư 323 thì “kiểm tra định kỳ được thực hiện đối với một DN thẩm định giá ít nhất một lần trong 4 năm tính từ ngày DN được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá hoặc tính từ lần kiểm tra liền kề trước đó”.

Đáng chú ý, một trong những trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất sẽ là “theo yêu cầu của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ”. Theo đánh giá của VCCI, quy định này chưa đủ rõ về trường hợp sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất DN.

“ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ sẽ yêu cầu kiểm tra DN trong những trường hợp nào? Việc thiếu rõ ràng trong căn cứ kiểm tra của trường hợp này có thể khiến cho DN khó dự báo được các trường hợp mình sẽ bị kiểm tra và có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động của mình” – VCCI đưa ra phân tích đồng thời cho rằng, để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị bổ sung quy định sửa đổi quy định theo hướng quy định cụ thể các trường hợp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ sẽ yêu cầu kiểm tra đột xuất DN thẩm định giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi nào sẽ tiến hành kiểm tra doanh nghiệp?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO